"Bệnh ho gà trên địa bàn tỉnh chưa thành dịch và vẫn trong tầm kiểm soát"

Cập nhật: 16/3/2017 | 12:46:48 PM

(Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)

- Thời gian gần đây, bệnh ho gà có xu hướng gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ. Bác sĩ có thể cho biết, tình hình ca bệnh ho gà trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

+ Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2017, dịch bệnh ho gà có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do điều kiện thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao nên các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh ho gà. Đặc biệt, số trường hợp mắc tập trung chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ từ 2 đến 3 tháng tuổi do chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 23 ca mắc ho gà, trong đó có 9 ca dương tính với vi khuẩn ho gà (Đông Triều: 1; Hạ Long: 4; Cẩm Phả: 2; Uông Bí: 2). Trong 10 ngày đầu tháng 3-2017, có 6 ca mắc tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Trong đó có một bệnh nhi 36 ngày tuổi (trú tại Uông Bí) có dương tính với vi khuẩn ho gà, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và có diễn biến khá nặng.

Về cơ bản, bệnh ho gà những tháng đầu năm nay xuất hiện nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa thành dịch và vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

- Với những trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà, có cách nào để phòng bệnh cho trẻ, thưa ông?

+ Theo thống kê, phần đông trẻ mắc ho gà là dưới 3 tháng tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng phòng ngừa bệnh ho gà. Các trẻ mắc bệnh cũng không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho con do mẹ chưa tiêm phòng dịch trước đó.

Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi mắc, bệnh càng tiến triển nhanh, dễ có biến chứng. Do đó, khi thấy trẻ ho theo cơn không kìm hãm được, có thể kèm theo thở rít, hoặc có thể trẻ tím tái, có cơn ngừng thở; cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và nôn... thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị.

Để phòng bệnh ho gà, vấn đề quan trọng là trẻ phải được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều: Cần tiêm mũi đầu tiên ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng. Mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này.
Đối với phụ nữ mang thai, vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn được khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6-64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là tiêm phòng ngừa trước khi mang thai. Trường hợp phụ nữ mang thai cần thực hiện việc tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai sống tại vùng dịch.

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có khuyến cáo gì dành cho người dân để phòng, tránh bệnh ho gà hiệu quả?

+ Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh ho gà có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học...

Do đó, để phòng chống bệnh ho gà, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin