Phòng bệnh thương hàn mùa nắng nóng

Cập nhật: 10/5/2017 | 7:33:48 AM

Bạn đọc Lê Thị Thương, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, hỏi: “Người thân của tôi trước đây bị bệnh thương hàn dẫn đến di chứng về thần kinh. Bởi vậy, tôi rất lo, mong muốn được bác sĩ tư vấn giúp tôi dấu hiệu nhận biết bệnh này và cách phòng bệnh. Tôi xin cảm ơn!”.

Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tư vấn giúp bạn.

Tiêm vắc xin cho bệnh nhân tại Phòng tiêm Safpo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Tiêm vắc xin cho bệnh nhân tại Phòng tiêm Safpo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, dấu hiệu nào nhận biết bị bệnh thương hàn?

+ Thương hàn - phó thương hàn hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân do Salmonella typhi, Salmonella paratyphi A,B,C gây ra. Bệnh lây theo đường tiêu hoá, có bệnh cảnh lâm sàng phong phú: Sốt, nhức đầu, thường gây sốt kéo dài nếu không được điều trị, có thể gây biến chứng. Là bệnh xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa hè - thu. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện bệnh nhân bị bệnh này. Tuy nhiên, trước tình trạng một số nơi vẫn còn sinh hoạt kém vệ sinh hoặc ở những vùng ngập lụt, nguy cơ bệnh vẫn có thể quay trở lại.

Người bệnh thương hàn - phó thương hàn sau khi nhiễm vi khuẩn từ 7-15 ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Lúc đầu, bệnh nhân có sự gia tăng nhiệt từ từ kèm theo chậm nhịp tim, khó chịu, nhức đầu và ho; chảy máu mũi. Một số trường hợp xuất hiện đau bụng; rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện triệu chứng đặc trưng là sốt cao liên tục 39-40 độ C, người ra nhiều mồ hôi, mê sảng, li bì kèm theo thỉnh thoảng bị kích thích thần kinh. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có triệu chứng chướng căng bụng, có thể nghe được sôi bụng. Bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc táo bón (phân màu xanh lục), viêm dạ dày, viêm ruột...  Một số ít trường hợp xuất hiện các chấm hồng trên người.

- Bệnh điều trị có dứt điểm được không, thưa bác sĩ?

+ Bệnh Thương hàn - Phó thương hàn ngày nay có tỷ lệ tử vong thấp trên các ca bệnh vì thường được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để điều trị hiệu quả, trước hết bệnh nhân cần đến khám khi có dấu hiệu của bệnh. Nếu để bệnh quá nặng sẽ gây biến chứng: Xuất huyết tiêu hoá, thủng ruột non, loét ruột, loét họng do độc tố của thương hàn; nhiễm độc cơ tim, gây viêm cơ tim, trụy tim mạch. Nếu độc tố nhiễm vào não thất gây triệu chứng mạch nhiệt phân ly, viêm túi mật, viêm gan; viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận, viêm xương, gây mủ ở cơ quan khác...

Thông thường, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm máu, cấy phân và dựa vào yếu tố dịch tễ. Nếu xác định chính xác bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại kháng sinh trong điều trị tuỳ vào thể trạng từng người. Thời gian dùng kháng sinh cho bệnh nhân thương hàn trung bình là 14 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được bù nước, điện giải, trợ tim mạch... Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ tử vong.

- Hiện đã có vắc xin phòng bệnh này chưa, cách phòng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Để phòng bệnh thương hàn, trước hết, bạn cần cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường nơi sinh sống: Giữ vệ sinh sạch sẽ; khử trùng nguồn nước; diệt ruồi, gián; cách ly và xử lý chất thải của bệnh nhân. Cần ăn chín, uống sôi. Rửa tay sạch trước khi ăn uống, sau khi lao động, tiếp xúc với đồ vật. Dùng lồng bàn đậy thức ăn khỏi bị ruồi, muỗi làm nhiễm bẩn. Trong vùng có nhiều người mắc bệnh hoặc vùng bị lũ lụt, ô nhiễm môi trường nặng cần được sát khuẩn bằng dung dịch Cloramin B, vôi bột.

Ở những nơi bệnh thương hàn thường xuyên xảy ra nên tiêm phòng bằng vắc xin. Hiện Phòng tiêm Safpo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn triển khai tiêm vắc xin dịch vụ phòng, chống bệnh thương hàn; vắc xin được tiêm phòng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Tiêm cơ bản 1 mũi duy nhất cho tất cả các đối tượng và cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần nếu trong vùng có nguy cơ cao hoặc đối tượng vẫn có nguy cơ phơi nhiễm.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin