Chủ động diệt muỗi để phòng dịch bệnh

Cập nhật: 30/5/2017 | 4:40:46 PM

Thời tiết nóng ẩm như hiện nay là điều kiện lý tưởng cho các loại muỗi phát triển. Là vật trung gian truyền bệnh, bởi vậy, muỗi gây khá nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu chết và hàng trăm triệu người mắc bệnh do muỗi gây ra. Bởi vậy, việc diệt trừ muỗi cần được cộng đồng quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Phun thuốc diệt muỗi trong và xung quanh nhà các hộ dân tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
Phun thuốc diệt muỗi trong và xung quanh nhà các hộ dân tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, muỗi thường truyền các bệnh: Zika, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt virus Chikungunya, sốt vàng da, sốt rét. Trong những năm qua, các đơn vị y tế luôn quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi gây ra. Để thực hiện, bên cạnh việc giám sát các ca bệnh, ổ dịch, đơn vị y tế dự phòng còn tập trung vào việc giám sát véc tơ muỗi (mật độ muỗi, bọ gậy). Cụ thể năm 2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị y tế đã thực hiện 52 lượt giám sát véc tơ tại 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; 2 đợt điều tra ổ dịch bọ gậy nguồn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền biện pháp phòng những bệnh do muỗi truyền được các đơn vị y tế quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị đã tổ chức gần 20 lễ phát động; phát gần 30.000 tờ rơi tuyên truyền; phát  thanh hơn 9.000 lượt trên hệ thống loa, đài... Cùng với đó, các đơn vị còn tổ chức nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải trên địa bàn tỉnh. Qua đó, năm 2016, người dân đã thu gom hơn 300 tấn rác thải; xử lý gần 110.000 dụng cụ chứa nước, chai, lọ... có nước đọng. Nơi có mật độ muỗi, bọ gậy cao, ổ dịch... đã được các đơn vị y tế giám sát, xử lý, phun diệt.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh nhân zika, sốt vàng da, sốt rét... nhưng vẫn có tới 148 ca sốt xuất huyết, trong đó 100 ca dương tính; 9 ca viêm não Nhật Bản. Ở nhiều địa phương vẫn có những ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ lưu hành.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, muỗi thường ưa nơi có nước sạch và phần lớn là nơi chứa nước tạm thời. Bởi vậy, trong nhà và xung quanh nhà, bọ gậy thường được tìm thấy nhiều ở bể, chum, vại chứa nước ăn, lọ hoa, chậu cây cảnh... Trong khi đó, rất nhiều người, nhất là ở các thành phố lớn thường không chú ý đến nơi mà muỗi có thể cư trú, đẻ trứng dù họ rất chăm chỉ trong vấn đề vệ sinh nhà cửa, khuôn viên. Thực tế cho thấy, bệnh do muỗi truyền thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông dân cư. Riêng trên địa bàn tỉnh, Hạ Long là địa phương xuất hiện nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất, từ năm 2016 đến nay là 69 trường hợp sốt xuất huyết dương tính.

Còn ở những vùng ngoại ô có các khoảng không gian ngoài nhà rộng lớn, muỗi thường đẻ trứng ở ngoài đống rác, lốp xe cũ, các dụng cụ làm vườn bỏ không, máng nước trên mái nhà, bể nước, vật chứa bằng nhựa không sử dụng... Việc sử dụng thuốc phun muỗi cho thấy hiệu quả diệt muỗi khá cao. Tuy nhiên, cần phải thực hiện đồng bộ, phun với diện tích rộng. Thuốc muỗi được phép lưu hành khá an toàn đối với người sử dụng. Hiện nay, có nhiều gia đình tự mua thuốc diệt muỗi về phun. Thế nhưng, theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, người dân nên mua thuốc có nguồn gốc rõ ràng và pha chế theo tỉ lệ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để diệt trừ muỗi, cách tốt nhất là xử lý triệt để nơi chúng có thể đẻ trứng, như: Hạn chế các dụng cụ chứa nước trong nhà; thay nước và cọ rửa lọ hoa hàng tuần để làm sạch trứng muỗi bám vào bình trước khi đổ nước mới. Ở những nơi có nhiều vũng nước trong mùa mưa có thể xử lý nhanh bằng phun hoá chất hoặc rải các loại thuốc diệt ấu trùng thích hợp. Cần phủ đất lên rác để tránh ruồi, muỗi sinh sản.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin