Công tác y tế lao động: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Cập nhật: 22/3/2012 | 7:44:43 AM

Hệ thống doanh nghiệp hiện nay đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề môi trường làm việc nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động đang rất “nóng”, nhất là khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với công tác y tế lao động.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường. Người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ quy định, chi phí khám do người sử dụng lao động chịu; người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo… Đơn vị quản lý chung về hoạt động y tế lao động của tỉnh hiện nay là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Để đẩy mạnh công tác này, thời gian qua, trung tâm đã tăng cường đào tạo cán bộ y tế cơ sở về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích. Chỉ riêng năm 2011, Trung tâm mở được hơn 1.000 lớp tập huấn cho gần 30.600 lượt học viên là cán bộ, nhân viên an toàn lao động, cán bộ y tế của 160 doanh nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đo, kiểm tra bụi tại Công ty CP Than Đèo Nai.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đo, kiểm tra bụi tại Công ty CP Than Đèo Nai.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa mặn mà với công tác y tế lao động tại đơn vị mình. Con số doanh nghiệp có địa chỉ chính xác, rõ ràng trên địa bàn tỉnh lên đến hàng nghìn, nhưng thực tế chỉ rất ít doanh nghiệp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đo, kiểm tra môi trường lao động. Theo số liệu quản lý của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2011, chỉ có gần 70 doanh nghiệp tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động và chỉ 28 đơn vị khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong số hơn 17.300 mẫu đo ở các đơn vị này thì hơn 400 mẫu không đạt điều kiện về độ ẩm; hơn 110 mẫu không đạt về độ ồn; hơn 100 mẫu không đạt về bụi trọng lượng, bụi hô hấp v.v.. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, đo lường, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng có khắc phục, tạo điều kiện tốt cho công nhân, lao động làm việc. Nhưng còn không ít doanh nghiệp không chấp hành, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng không thể bắt buộc.

Không chỉ có việc tổ chức đo, khám bệnh nghề nghiệp mà chế độ báo cáo tình hình sức khoẻ, bệnh tật trong công nhân, lao động theo 28 danh mục bệnh nghề nghiệp mà các bộ, ngành quy định cũng ít được các doanh nghiệp chấp hành. Năm 2011, chỉ có 40 doanh nghiệp gửi báo cáo về tỉnh. Qua báo cáo của các đơn vị cho thấy, trong 28 danh mục này, số công nhân, lao động bị mắc bệnh lao phổi, nội tiết, thần kinh trung ương và ngoại biên, viêm tai, mũi họng, thanh quản, bệnh cơ, xương khớp… chiếm số lượng nhiều. Cụ thể gần 33.000 lượt người mắc bệnh viêm xoang, mũi họng, hơn 8.000 lượt người bị bệnh thần kinh trung ương ngoại biên, hơn 6.400 lượt người bị bệnh cơ, xương khớp. Đặc biệt, năm 2011, trong số 2.357 người lao động thuộc 30 doanh nghiệp được khám bệnh nghề nghiệp thì số người khám bệnh phổi  silic chiếm đa số.

Việc nhiều doanh nghiệp không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến đánh giá những tác động gây tổn hại sức khoẻ và tình trạng mức bệnh của công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân là do nhận thức tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh lao động chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ. Ngay trong đợt tổ chức các đoàn thanh kiểm tra công tác ATVSLĐ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các địa phương đã không được mời tham gia, mặc dù Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý công tác y tế lao động - một mảng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy, cơ hội để tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc vấn đề này cũng gặp khó khăn. Thêm vào đó, việc xử lý các vi phạm về công tác y tế lao động chưa được thực hiện một cách nghiêm minh và kịp thời đã làm giảm hiệu lực thực thi pháp luật.

Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng phần lớn doanh nghiệp nhiều năm liền không thực hiện hết các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động mà Bộ Luật Lao động đã đề ra, trong đó có việc khám, chữa bệnh nghề nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người lao động làm việc, dù bị các đoàn kiểm tra nhắc nhở, song vẫn tái phạm. Mong rằng, những hạn chế này sớm được khắc phục giúp người lao động được đảm bảo chăm sóc sức khoẻ một cách tốt nhất.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin