Để không ốm trong mùa hè

Cập nhật: 21/7/2017 | 7:33:29 AM

Những năm qua, Quảng Ninh là tỉnh làm tốt công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh, nhất là trong khoảng thời gian giao mùa đông - xuân, hè - thu... Tuy nhiên, trước tình trạng thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ bệnh dịch có thể phát sinh, gia tăng, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, ban, ngành chức năng thì mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phòng ngừa bệnh tật cho bản thân và cộng đồng.

Ngày 13-7-2017, tại hội thảo báo chí “Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè” tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 59 người tử vong do các dịch bệnh. Trong đó, có 35 tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não vi rút.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có thể xét nghiệm, chẩn đoán hầu hết các bệnh gây dịch bằng xét nghiệm sinh học phân tử, góp phần tích cực trong điều trị cũng như khoanh vùng, xử lý nhanh chóng các ổ dịch trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có thể xét nghiệm, chẩn đoán hầu hết các bệnh gây dịch bằng xét nghiệm sinh học phân tử, góp phần tích cực trong điều trị cũng như khoanh vùng, xử lý nhanh chóng các ổ dịch trên địa bàn tỉnh.

Ở Quảng Ninh, do làm tốt công tác kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch, nên 6 tháng đầu năm không có dịch bệnh lớn xảy ra, không ghi nhận trường hợp mắc các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A H7N9, H5N1, Mers-CoV, Zika... Một số bệnh khác có ghi nhận các ca mắc rải rác ở các địa phương, như: 28 trường hợp sốt xuất huyết, 70 ca mắc ho gà, 24 ca tay chân miệng, 3 ca viêm não Nhật Bản, 539 ca thuỷ đậu, 377 ca quai bị... Các ca bệnh đều được giám sát, chăm sóc, điều trị tại nhà hoặc đơn vị y tế; không phát sinh, hình thành ổ dịch nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình mắc bệnh dại trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Toàn tỉnh có 2 ca ở Tiên Yên và Móng Cái (1 âm tính, 1 dương tính). Cả hai trường hợp đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó nghi dại cắn và đã tử vong sau đó. Toàn tỉnh có trên 1.500 trường hợp điều trị dự phòng sau khi bị chó cắn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. “Trong hơn 3 năm qua, Quảng Ninh không có ca tử vong do bệnh dại, nhưng thời gian qua lại có 2 ca, có thể là do các nguyên nhân: Việc thu mua, vận chuyển chó từ các nơi qua địa bàn tỉnh để bán qua biên giới khiến chó có thể sổng chuồng, truyền bệnh dại; tỷ lệ chó được tiêm phòng dại đạt thấp; người bị chó nghi dại cắn không đi tiêm phòng; quy luật bệnh dại trở lại sau từ 3-5 năm... Vắc xin tiêm phòng dại rất an toàn và có ở các đơn vị y tế tuyến huyện, tỉnh. Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng dại. Để phòng bệnh dại, quan trọng nhất là chó, mèo phải được tiêm phòng hàng năm; người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại bởi người đã bị bệnh dại thì 100% tử vong” - bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định.

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em tại Trạm Y tế phường Minh Thành, TX Quảng Yên.
Tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em tại Trạm Y tế phường Minh Thành, TX Quảng Yên.

Trong mùa hè, một số bệnh có nguy cơ gây dịch cao và đáng lo ngại là sốt xuất huyết, cúm, viêm não vi rút, ho gà. Toàn tỉnh có tới 70 ca mắc ho gà, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm 2016, tập trung ở trẻ em có độ tuổi dưới 2 tháng (chưa đủ tuổi tiêm phòng) và trẻ chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Một số tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện bệnh bạch hầu cũng là nguy cơ đáng lo ngại. Đặc biệt, sốt xuất huyết hiện đang lưu hành ở nhiều tỉnh, thành. Quảng Ninh là tỉnh du lịch, dân số di biến động thường xuyên, sinh viên về quê nghỉ hè... rất dễ lây truyền bệnh.

Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tích cực thực hiện công tác giám sát bệnh truyền nhiễm tại các đơn vị y tế và cộng đồng. Hệ thống giám sát bệnh dựa vào dữ kiện đã ghi nhận được trên 1.000 dấu hiệu cảnh báo. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở tích cực thực hiện điều tra, xử lý các ổ dịch theo thường quy. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nâng cao năng lực xét nghiệm, có thể xét nghiệm chẩn đoán hầu hết các bệnh gây dịch bằng xét nghiệm sinh học phân tử như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm, ho gà, zika trong 24 giờ, góp phần tích cực trong điều trị cũng như khoanh vùng, xử lý nhanh chóng các ổ dịch. Toàn tỉnh luôn sẵn sàng 16 đội cơ động đáp ứng dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Các vật tư, hoá chất để phòng, chống dịch được chuẩn bị sẵn sàng. Ngành Y tế chủ động phối hợp với các đơn vị để thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến cũng như cách phòng, chống bệnh.

Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, không thể chủ quan. Do vậy, bên cạnh vai trò nòng cốt của ngành y tế thì các địa phương, đặc biệt là cả cộng đồng cũng cần chủ động, tích cực tham gia. Mỗi người dân, gia đình cần nâng cao ý thức và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, như: Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn, uống đảm bảo vệ sinh; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh...

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin