Báo động tình trạng trẻ đuối nước

Cập nhật: 7/8/2017 | 2:12:11 PM

Dù tai nạn thương tích ở trẻ em do đuối nước đã liên tục được cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra, gây nên những cái chết thương tâm hoặc để lại di chứng suốt đời cho trẻ.

Các bác sĩ
Các bác sĩ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cấp cứu cho bệnh nhi bị đuối nước.

Ngày 24/7, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tiếp nhận 2 trường hợp trẻ nhỏ nhập viện vì đuối nước. Trường hợp thứ nhất là bé Ngô Văn Bảo (6 tuổi, trú tại xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên), vào viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, khó thở do đuối nước. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, điều trị, bệnh nhi Ngô Văn Bảo đã tỉnh, toàn trạng ổn định, ăn ngủ tốt và đã được ra viện.

Bé thứ hai là Lành Ánh Nguyệt (20 tháng tuổi, trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái). Bé Nguyệt bị ngã xuống ao, sau khi gia đình phát hiện đã cấp cứu tại chỗ và đưa bé nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do ngạt nước. Các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã cho bệnh nhi Nguyệt thở máy, điều trị tích cực, an thần, kháng sinh dinh dưỡng đường tĩnh mạch… Tuy đã điều trị tích cực nhưng não của bé khó hồi phục được do bị thiếu oxy kéo dài, tổn thương nặng nề. Đến ngày 2/8, bé vẫn đang được điều trị tích cực, tiên lượng không thể hồi phục hoàn toàn, để lại di chứng liên quan đến vận động, phải phục hồi chức năng lâu dài.

Gia đình của 2 bé đều cho biết: Trong thời gian trông trẻ ở nhà, do mải bận công việc nên không thường xuyên để ý các bé. Chỉ đến khi không thấy con, cháu đâu, gia đình đi tìm thì phát hiện các bé bị ngã xuống ao. Gia đình liền sơ cứu tại chỗ và chuyển đến các trung tâm y tế cấp cứu.

Mới đây, ngày 1/8, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cũng tiếp nhận 1 bé 18 tháng tuổi bị đuối nước do ngã vào bể cá. Bác sĩ Hoàng Tùng, Quyền Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Chỉ trong 2 tháng sau kỳ nghỉ hè của học sinh, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp trẻ bị đuối nước. Đa số các trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, nguy hiểm tới tính mạng. Nguyên nhân đuối nước chủ yếu đều do sự bất cẩn từ phía gia đình trong quá trình trông giữ trẻ.

Theo thống kê, ở nước ta, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Tại Quảng Ninh, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, mỗi năm trung bình có gần 7.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm, tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%; nhóm tuổi 15-19 chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%; nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ 26%. Khi bị đuối nước, nước nhanh chóng tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động, có thể nhanh chóng khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Tình trạng đuối nước ở trẻ lớn được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng. Thời gian nghỉ hè của học sinh vẫn còn gần 1 tháng nữa. Với thời tiết nóng bức, sự quản lý của gia đình, cộng đồng còn lỏng lẻo, trẻ em rất dễ tìm đến sông, suối, ao, hồ để tắm. Với các trẻ nhỏ, các bé chưa có ý thức để bảo vệ bản thân, tránh xa những môi trường, yếu tố có thể gây nguy hiểm. Do đó, bên cạnh việc tạo ra một môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần chủ động dạy trẻ kỹ năng bơi lội và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, suối khi không có sự canh chừng của người lớn.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin