Báo động tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh tại Việt Nam

Cập nhật: 22/9/2017 | 8:16:03 AM

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hội nghị là hoạt động quan trọng đánh giá kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân để triển khai tích cực, mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Y tế, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.

Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. Ảnh: ĐT
Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. Ảnh: ĐT

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng cao nếu không có những hành động phòng chống kịp thời. Ước tính chi phí do hậu quả của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu sẽ lên tới hơn 1.300 tỷ đô la vào năm 2050. Triển khai phòng, chống kháng thuốc không chỉ tập trung vào thay đổi hành vi của người dân là mua thuốc theo đơn và chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn tránh tình trạng dư lượng kháng sinh trong động vật, thực vật.

Trước thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, nhân Ngày sức khỏe thế giới 7/4/2011, để ứng phó với vấn đề này, WHO đã lấy khẩu hiệu: “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 4 năm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và 2 năm triển khai Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Y tế cùng các Bộ liên quan đã đạt được các kết quả như: Tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông Phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam vào tháng 11 hằng năm; Xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; ban hành và khởi động đề án kiểm soát kê đơn và kháng thuốc theo đơn; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả; Hoàn thiện các quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc triển khai các hoạt động cụ thể trong phòng chống kháng thuốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc và văn bản thỏa thuận là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế.

Việt Nam được WHO đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển đang  tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch năm 2013 mới chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hàng năm của từng bộ, ban ngành, các đơn vị từ trung ương đến địa phương.

Hiện vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở lên trầm trọng, đáng báo động, hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, một số vi khuẩn kháng với tất cả kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc kê đơn của bác sỹ không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn không đúng kháng sinh, không phù hợp với bệnh, kê đơn quá liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ em lần đầu dùng kháng sinh... Dược sỹ bán thuốc khi không có đơn của bác sỹ, thậm chí chỉ định kháng sinh cho người bệnh. Người bệnh,người dân tự ý dùng kháng sinh, không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc... cũng góp phần làm gia tăng việc lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc./.

(Nguồn: doisongsuckhoe.vn)

In bản tin