Phòng chống bệnh tay chân miệng: Người dân vẫn thờ ơ

Cập nhật: 19/4/2012 | 8:37:20 AM

Kể từ tháng 6-2011 đến nay, các ca bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện. Mặc dù, ngành Y tế, các địa phương và một số ngành liên quan đã vào cuộc tích cực, song trước sự thờ ơ của nhiều người dân, khiến công tác phòng chống bệnh gặp không ít khó khăn.

Ghi ở Khoa Truyền nhiễm

LTS: Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tháng 4, tháng 5 chính là khoảng thời gian bệnh tay chân miệng lên đến đỉnh điểm, số người mắc bệnh sẽ tăng cao, bởi vậy, ý thức tự phòng bệnh của mỗi người dân rất quan trọng.

Chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào buổi sáng giữa tháng 4. So với các đơn vị y tế trên địa bàn, số lượng bệnh nhân TCM đến đây khám ít hơn. Theo bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa: “Từ đầu năm đến nay, Khoa chỉ có 15 bệnh nhân bệnh TCM đến khám, điều trị. Bệnh này chủ yếu điều trị tuyến dưới và phần lớn bệnh nhân đến khám ở thể nhẹ và được hướng dẫn về nhà theo dõi, phòng bệnh”. Mặc dù số lượng bệnh nhân TCM không nhiều, nhưng khi hỏi các ông bố, bà mẹ có con đang điều trị ở Khoa Truyền nhiễm mới thấy người dân vẫn chưa thực sự vào cuộc trong công tác phòng, chống bệnh này. Con trai chị Bùi Thị Minh ở tổ 38, khu 4, phường Hà Trung (Hạ Long) là cháu Bùi Thanh Tùng. Hiện cháu đang học lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Hà Trung (Hạ Long). Cháu xuất hiện các nốt bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân cách đây 3 hôm và được mẹ đưa đến viện. Chị Minh cho biết: “Tôi chưa được nghe tuyên truyền ở phường, khu phố nói về bệnh TCM mà chủ yếu nghe thông tin trên truyền hình. Khi thấy con bị nốt bóng nước nên tôi đưa cháu đi khám và biết cháu bị bệnh này”. Mặc dù các bác sĩ thông báo, con chị bị bệnh TCM, nhưng chị Minh cũng chỉ xin phép cô giáo cho cháu nghỉ ốm chứ không nói rõ nguyên nhân để lớp có biện pháp phòng bệnh cho các học sinh khác.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Không riêng chị Minh mà nhiều ông bố, bà mẹ ở TP Hạ Long chưa thực sự vào cuộc  phòng, chống bệnh TCM cho cộng đồng, mặc dù theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, TP Hạ Long là đơn vị vào cuộc khá tốt trong công tác này. Bằng nguồn kinh phí của mình, từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp phát hơn 1.700 tờ rơi phòng chống dịch TCM cho ban chỉ đạo các phường, thực hiện hơn 250 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa, đài...

Cần sự cộng tác của người dân

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh TCM trên địa bàn Quảng Ninh vẫn đang diễn biến phức tạp ở tất cả các vùng, miền và có nguy cơ tiếp tục tăng cao trong tháng 4, tháng 5 này. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 490 trường hợp bị bệnh nằm ở 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ Cô Tô). Trong số này, các địa phương có nhiều trường hợp mắc bệnh như: Uông Bí 85 người, Đông Triều 80 người, Bình Liêu khoảng 70 người…

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh. Mới đây nhất, Sở Y tế thành lập 2 đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh TCM ở các địa phương. Đến nay, trung tâm y tế, trạm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều đảm bảo đủ vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh. Đây là số vật tư, hoá chất do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cung cấp. Điều đáng nói là sự chủ động về kinh phí của nhiều địa phương để hỗ trợ cho công tác này gần như chưa có. Bởi vậy, việc in ấn tờ rơi, pa nô tuyên truyền để cấp phát cho các trường học, khu phố, hộ dân gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm đến nay, một số địa phương cũng chưa mở được lớp tập huấn kiến thức phòng, chống bệnh TCM cho y tế xã, thôn, bản và giáo viên các trường mầm non trên địa bàn. Các địa phương đều đã có văn bản chỉ đạo phòng chống bệnh TCM, thành lập BCĐ… nhưng có nơi lại chưa phân cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên nên chưa huy động được sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh TCM mới chỉ chú trọng nhiều ở các trường mầm non trên địa bàn, trong khi vẫn có một số bệnh nhân là trẻ học ở các trường tiểu học. Bên cạnh đó, việc chủ động tuyên truyền trong các tổ dân, khu phố cũng chưa được nhiều.

Chính bởi vậy, nhiều gia đình chỉ được tiếp cận kiến thức về bệnh TCM qua truyền hình, qua báo. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ không để ý đến phòng bệnh TCM cho trẻ, hoặc chủ quan phòng bệnh cho chính mình. Khi con bị bệnh, một số gia đình không báo với lớp học để trường có biện pháp phòng bệnh tích cực. Người lớn khi nhiễm bệnh thường không có triệu chứng nhưng vẫn mang vi rút. Và đây cũng chính là nguồn lây lan bệnh cho trẻ nhỏ nếu không đảm bảo vệ sinh, khử trùng... Bên cạnh đó, nhiều người còn chưa biết rằng, với những trường hợp chỉ có các nốt bóng nước nhiều, hay ít không nguy hiểm bằng trường hợp trẻ xuất hiện chỉ ít nốt bóng nước, nhưng lại có dấu hiệu tổn thương đến não như: Sốt, giật mình, mắt đảo liên tục…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã 2 trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với nhóm vi rút EV71. Điều đó cho thấy Quảng Ninh có mầm bệnh TCM do vi rút EV71 gây ra, mà đây là loại vi rút dễ gây biến chứng về não cho trẻ mắc bệnh, làm trẻ có nguy cơ tử vong. Bởi vậy, ngoài sự chủ động của ngành Y tế, công tác phòng, chống bệnh TCM cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn đến các địa bàn dân cư và từng hộ dân. Trên cơ sở đó, ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn và họ sẽ chủ động hơn trong phòng, chống bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Thu Nguyệt

ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BÊNH HIÊU QUẢ

Ông Nguyễn Văn  Hợp, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin, sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: “Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền”
Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Bệnh này cũng không có thuốc chữa mà chủ yếu điều trị các biến chứng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo tôi, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người của các địa phương cần phân rõ trách nhiệm của từng thành viên trong ban chỉ đạo để họ vào cuộc tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền; trong đó, chú trọng tuyên truyền bằng hệ thống panô, áp phích, tờ rơi, sổ tay hướng dẫn để phân phát đến tận các gia đình, từ đó nâng cao ý thức của mỗi người dân trong phòng, chống bệnh. Thực tế hiện nay, khi xuất hiện các điểm dịch tay chân miệng nhỏ, cán bộ y tế huyện, tỉnh vẫn phải trực tiếp đến tận nơi để xử lý, dập dịch. Bởi vậy, các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế xã, y tế thôn bản và các giáo viên mầm non, tiểu học để họ chủ động dập dịch nhanh, kịp thời nhất. Bản thân các trường mầm non trên địa bàn phải tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là trong thời điểm này. Có như vậy công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng mới phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm y tế phường Nam Khê (TP Uông Bí): “Phải luôn chủ động phòng chống, kiềm chế dịch bùng phát”
Thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, phường Nam Khê có 15 trường hợp trẻ mắc bệnh chân tay miệng, cao thứ 3 trên toàn địa bàn thành phố. Các ca bệnh lại xuất hiện khá gần nhau, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh thành ổ dịch. Thế nhưng nhờ sự chủ động ngay từ đầu về nhân lực, vật lực nên Trạm đã kịp thời khoanh vùng dịch, cách ly các trẻ bị bệnh và triển khai các bước phòng chống dịch đúng cách nên đã kịp thời kìm chế, không bùng phát thành ổ dịch. Qua đây, có thể khẳng định, việc chủ động phòng chống dịch; trong đó, quan trọng là chủ động nhân lực và thuốc sát khuẩn đã mang lại hiệu quả lớn trong phòng chống, kiềm chế bùng phát dịch. Bên cạnh đó, khi chủ động tuyên truyền phòng, chống dịch còn tạo tâm lý an tâm cho các gia đình trẻ trên địa bàn.

Chị Đặng Thị Trà, khu Yên Lập, phường Minh Thành, TX Quảng Yên: “Nếu được tuyên truyền kỹ, chúng tôi cũng có thể phòng,chống bệnh chân tay miệng cho con cái”
Con nhà tôi cũng đã từng bị mắc bệnh chân tay miệng. Thế nhưng nhờ được phát hiện sớm và được hướng dẫn điều trị phù hợp, đúng cách nên chỉ ít ngày sau cháu khỏi bệnh mà không phải đến bệnh viện. Đặc biệt các cháu khác trong nhà cũng không bị lây bệnh từ cháu. Từ trường hợp của con tôi, tôi cho rằng các bố mẹ trẻ nếu được tuyên truyền hướng dẫn, hiểu đúng về căn bệnh, cách phòng, cách chữa bệnh thì hoàn toàn có thể phòng, chống bệnh và bảo vệ con cháu mình trước dịch bệnh này.

Hiện nay vẫn có không ít bố mẹ khi nghe khuyến cáo bệnh chân tay miệng dễ lây lan và khi nhiễm có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng của người bệnh thì thật sự rất lo lắng. Chỉ cần con cái mọc vài cái mụn nước cũng mê mẩn đưa con nhập viện. Thế nhưng thực tế không cần thiết phải như vậy, chỉ cần dùng xanh meethylen chấm ở các phọng nước đã vỡ để chống nhiễm trùng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể trẻ có sức đề kháng và vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đồ dùng của trẻ là được.

Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên: “Phòng, chống dịch bệnh ngay trong các trường học”
Tuy Tiên Yên là huyện miền núi, điều kiện và môi trường sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng huyện không phải là địa bàn “nóng” về dịch tay chân miệng trong thời gian vừa qua. Với vai trò, trách nhiệm của ngành GD&ĐT, chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo các trường, nhất là các trường mầm non phải tăng cường công tác tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh, học sinh các kiến thức về dịch bệnh nói chung và dịch tay chân miệng nói riêng; phối hợp với ngành y tế huyện, trạm y tế các xã, phường tiến hành lau chùi, khử khuẩn; dán tranh, ảnh trực quan ở những điểm phụ huynh, giáo viên và học sinh dễ quan sát…

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin