Châu Âu chính thức cấp phép lưu hành vắcxin ngừa Ebola

Cập nhật: 13/11/2019 | 7:50:44 AM

Từ cách đây 5 năm, sau khi virus Ebola xuất hiện và gây dịch bệnh tại nhiều nước Tây Phi, các chuyên gia dịch tễ đã tập trung nghiên cứu và phát triển vắcxin ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Chau Au chinh thuc cap phep luu hanh vacxin ngua Ebola hinh anh 1Tiêm chủng vắcxin phòng virus Ebola tại Mbandaka, CHDC Congo ngày 21/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vắcxin ngừa virus Ebola. Đây là giấy phép thương mại hóa lần đầu tiên cho loại vắcxin này.

Thông báo của EU nêu rõ sau các thử nghiệm của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), hãng dược Mersk sẽ được cấp phép để đưa loại vắcxin này ra thị trường dưới tên gọi "Ervebo."

Trước đó, EMA đã khuyến cáo sử dụng "Ervebo" trong ngăn ngừa dịch Ebola và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoan nghênh, gọi đây là "bước tiến lớn" trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đang hoành hành tại CHDC Congo.

Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực y tế Vytenis Andriukaitis hoan nghênh quyết định của EU và gọi đây là quyết định quan trọng để cứu sinh mạng con người tại châu Phi nói riêng và trên thế giới nói chung.

Từ cách đây 5 năm, sau khi virus Ebola xuất hiện và gây dịch bệnh tại nhiều nước Tây Phi, các chuyên gia dịch tễ đã tập trung nghiên cứu và phát triển vắcxin ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Trước khi được cấp phép ra thị trường, vắcxin "Ervebo" đã được thử nghiệm trên 16.000 người ở châu Phi, châu Âu và Mỹ và chứng tỏ được hiệu quả.

Riêng trong đợt bùng phát dịch Ebola hồi tháng 8 năm ngoái tại Congo với 2.150 người tử vong, hơn 236.000 người, trong đó có 60.000 nhân viên y tế, đã bảo toàn được tính mạng nhờ loại vắcxin này - khi đó có tên gọi "rVSV-ZEBOV-GP."

Ngoài ra, các loại vắcxin khác cũng sẽ sớm được thử nghiệm. Giới chức y tế Congo cho biết, một loại vắcxin khác có tên gọi Ad26-ZEBOV-GP do hãng dược Johnson & Johnson điều chế sản xuất cũng sẽ được ra mắt vào tháng 11 trong khi 8 loại vắcxin khác đang được thử nghiệm lâm sàng.

Dịch Ebola được phát hiện tại Congo năm 1976 và đã bùng phát đến lần thứ 8 hồi tháng 8/2018 ở khu vực Tây Phi, cũng là đợt bùng phát có tỷ lệ tử vong cao nhất. Trong đợt bùng phát từ năm 2013-2016 tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, 11.000 người đã tử vong./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

In bản tin