Các công ty sinh học nỗ lực tăng cường năng lực chẩn đoán virus
Cập nhật: 11/2/2020 | 4:53:29 PM
Nhiều công ty công nghệ sinh học trên thế giới đang tích cực làm việc để tăng cường năng lực chẩn đoán virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Manila Bulletin)
Nhiều công ty công nghệ sinh học trên thế giới đang tích cực làm việc để tăng cường năng lực chẩn đoán virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp khởi phát tại Trung Quốc và đang lây lan ra toàn cầu.
Hiện nay, đa số các xét nghiệm chẩn đoán virus 2019-nCoV đều được thực hiện tại các phòng thí nghiệm y tế công của các nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng, một số công ty như ThermoFisher Scientific, GenScript Biotech và Co-Diagnostics của Mỹ đã phát triển các phương thức xét nghiệm chẩn đoán virus và đang xin cấp phép để được sử dụng trong lâm sàng.
Trong khi đó, công ty Roche đang phân phối các dụng cụ xét nghiệm nCoV do công ty Tib Molbiol có trụ sở ở Berlin (Đức) phát triển, cùng lúc nghiên cứu phát triển một dụng cụ xét nghiệm của riêng mình. Công ty Abbott Laboratories cũng không đứng ngoài cuộc chạy đua này.
Tuy nhiên, các nỗ lực cải thiện năng lực chẩn đoán nCoV đang gặp nhiều khó khăn do không đủ các mẫu virus cần thiết để các phương pháp xét nghiệm được cấp phép sử dụng.
Công ty GenScript có trụ sở ở bang New Jersey và thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) đã phát triển thành công một dụng cụ xét nghiệm dành riêng cho các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, sản phẩm này không được sử dụng như một y cụ cho đến khi được thử nghiệm trên hàng trăm mẫu virus. GenScript đã gửi bộ dụng cụ xét nghiệm của hãng tới các cơ quan chức năng Trung Quốc để xin cấp phép, song tiến trình này có thể kéo dài do nhiều công ty cũng đang nộp đơn.
Trong khi đó, công ty Co-Diagnostics có trụ sở ở bang Utah, Mỹ, cũng phải chật vật tìm các mẫu virus để có thể được cấp phép sử dụng sản phẩm trong y tế. Hiện hãng đã bắt đầu giao các dụng cụ xét nghiệm sử dụng trong nghiên cứu tới các khách hàng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt mạng lưới gồm 15 phòng thí nghiệm có khả năng hỗ trợ các nước trong việc xác nhận các ca nhiễm mới, đồng thời công nhận 168 phòng thí nghiệm trên thế giới có công nghệ chẩn đoán virus. Các kỹ thuật viên phải được đào tạo để tiến hành các xét nghiệm ở địa phương nhằm tránh tình trạng chờ đợi kết quả lâu do phải gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm cấp trung ương.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang làm việc để phát triển các phương pháp xét nghiệm kháng thể có khả năng chẩn đoán nguy cơ phơi nhiễm virus. Theo Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, những phương thức xét nghiệm này có thể giúp giải đáp về phạm vi lây lan của virus cũng như phát hiện những trường hợp mới lây nhiễm chưa được biết đến./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)