Phòng chống sốt xuất huyết: Hiệu quả từ sự chủ động

Cập nhật: 2/6/2012 | 11:00:20 AM

Mặc dù có tới 186 xã, phường, thị trấn, song Quảng Ninh chỉ có 10 xã, phường ở 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu) nằm trong chương trình giám sát trọng điểm phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ở các xã, phường, thị trấn còn lại, người dân luôn chủ động tích cực vào cuộc trong công tác này. Nhờ vậy phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh luôn đạt hiệu quả cao.

Khác với các nơi, ở 10 xã, phường trọng điểm trên địa bàn tỉnh có đội ngũ cộng tác viên làm công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đội này thường xuyên đến các hộ dân để vận động tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng… Bác sĩ Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Hàng năm, Cục Y tế dự phòng cấp về cho Trung tâm khoảng 100 lít hoá chất phun diệt muỗi. Số hoá chất này được chuyển về các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã để tiến hành phun diệt muỗi tại cộng đồng dân cư, song ưu tiên nhiều hơn vẫn là 10 xã trọng điểm trong chương trình giám sát.

Người dân xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) dọn vệ sinh đường làng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Hữu Việt
Người dân xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) dọn vệ sinh đường làng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Hữu Việt

Với các xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn, công tác phòng chống sốt xuất huyết cũng luôn được chú trọng. Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ dân, khu phố tích cực vào cuộc trong việc huy động người dân giữ gìn về sinh môi trường, tổ chức các đợt dọn dẹp thu gom phế thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh ở các khu phố, thôn xóm… Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, đoàn thanh niên các cấp đã thành lập được hơn 150 đội thanh niên tình nguyện tham gia tổng vệ sinh môi trường ở các khu phố, tổ dân, thôn xóm; qua đó thu gom trên 160 tấn rác thải. Hay như Hội Liên hiệp phụ nữ có phong trào thi đua “Sạch làng, tốt ruộng, xây dựng nếp sống vệ sinh gia đình”. Từ phong trào này việc quét dọn,  thu gom rác thải ở đường làng, ngõ xóm đã trở thành hoạt động quen thuộc của chị em. Nhiều hộ dân, trường học cũng chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng bằng cách phun diệt muỗi để loại trừ tác nhân gây bệnh, không vứt rác bừa bãi.

Về phía ngành Y tế tỉnh, để nâng cao năng lực giám sát, phát hiện sốt xuất huyết cho các tuyến, hàng năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện mở hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã và y tế thôn bản. Các bệnh viện cũng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ về chẩn đoán phát hiện và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã phát hiện 30 bệnh nhân nghi ngờ bị sốt xuất huyết, trong đó có 1 bệnh nhân có mẫu xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. 5 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh cũng chỉ có 1 trường hợp nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhưng mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Tất cả các trường hợp bị sốt xuất huyết và nghi ngờ đều được phát hiện nhanh, điều trị bệnh tích cực. Bởi vậy, nhiều năm nay, Quảng Ninh không có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Mặc dù vậy, công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn không thể chủ quan. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay các tỉnh phía Nam đã có gần 15.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 8 trường hợp tử vong. Ở các tỉnh phía Bắc, ca bệnh cũng bắt đầu xuất hiện rải rác. Thời điểm này nắng nóng mưa nhiều thích hợp cho muỗi phát triển. Với Quảng Ninh vẫn còn khoảng 30% số chuồng trại chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh, tình trạng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn vẫn đổ bừa bãi tạo nơi trú ngụ cho muỗi sinh sôi khiến nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết lớn. Chính bởi vậy, để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao, bài toán về vệ sinh môi trường luôn cần được quan tâm, chú trọng.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin