Việt Nam nghiên cứu dùng huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19

Cập nhật: 9/4/2020 | 9:42:30 PM

Các chuyên gia sẽ chiết tách huyết tương từ mẫu máu của những người đã khỏi bệnh Covid-19 để điều trị các ca bệnh nặng. Một số nước trên thế giới cũng đã thử nghiệm liệu pháp này.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết hiện Việt Nam cũng đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp khác trong điều trị bệnh Covid-19.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và hệ thống các viện huyết học tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh nặng theo phác đồ đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp.

Tiểu ban điều trị cũng thường xuyên họp để cập nhật các phác đồ điều trị này. 

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đang dự thảo đề tài nghiên cứu về sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị các bệnh nhân nặng. Mục đích là cố gắng cứu những bệnh nhân Covid-19 nặng, khi đã hết các phương án điều trị. Phía Bệnh viện và Viện Huyết học-Truyền máu đang thảo luận vấn đề lấy máu, huyết tương, chỉ định…

Đề tài nghiên cứu này mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Các chuyên gia đang thu thập, nghiên cứu kỹ các tài liệu y khoa để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam nghiên cứu dùng huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19 - 1

Cũng theo TS Thạch, Bệnh viện sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề về chỉ định cho trường hợp nào. Phương pháp này sẽ được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn tiến nặng trong tình huống số ca bệnh nặng vào viện quá nhiều.

Trong huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19 chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tại Trung Quốc một số bệnh nhân nặng cũng đã được điều trị bằng liệu pháp huyết tương chứa kháng thể này. Kết quả cho thấy những hiệu quả nhất định. Trong 12-24 giờ điều trị, bệnh nhân đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực khác, tình trạng viêm giảm và số tế bào bạch cầu tăng cao.

Gần đây, Pháp cũng thông báo chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng truyền huyết tương của những người đã khỏi bệnh Covid-19 cho các bệnh nhân nặng. Mỹ cũng đã cho phép các bác sĩ thử nghiệm phương pháp dùng huyết tương này.

Huyết tương đã chứng minh công dụng trong các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ nhằm điều trị các căn bệnh truyền nhiễm như Ebola và SARS.

Đến tối 9/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc mới Covid-19. Trong đó, liên quan đến nguồn lây mới tại Mê Linh, có thêm 2 ca mắc do tiếp xúc gần với bệnh nhân 243. Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 255 ca mắc Covid-19, trong đó 128 người đã được công bố khỏi bệnh.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện bước sang giai đoạn 3 lây lan trong cộng đồng. Vì thế, điều quan trọng nhất giai đoạn này là phát hiện sớm ca bệnh, những trường hợp tiếp xúc gần liên quan để khoanh vùng, dập dịch.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những kết quả đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”.

Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, người dân ra nơi công cộng phải đeo khẩu trang, ai không thực hiện phải xử phạt.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin