Giãn cách xã hội giúp Trung Quốc ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID-19

Cập nhật: 9/4/2020 | 9:58:58 PM

Theo nghiên cứu của Viện Robert Koch ở Đức, sự ứng phó của Trung Quốc trước dịch bệnh COVID-19 cộng thêm các chính sách phong tỏa, cách ly đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science ngày 8/4 cho thấy số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã không tăng mạnh tại Trung Quốc sau tháng Hai là nhờ sự kết hợp của chiến lược phong tỏa, cách ly mà chính quyền nước này thực hiện ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch và những thay đổi trong cách hành xử của người dân.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Robert Koch ở Đức, sau một đợt gia tăng mạnh số ca nhiễm trong hai tháng đầu năm, tổng số ca tại tỉnh Hồ Bắc đã dừng lại ở mức 67.800 ngày 28/3 và không có ca nhiễm mới.

Nghiên cứu cho biết ngay từ đầu dịch, Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Các ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện.

Hơn nữa, để bảo vệ những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, các biện pháp giãn cách xã hội cũng như truy dấu được áp dụng triệt để.

Nghiên cứu khẳng định các nỗ lực tổng thể không chỉ bảo vệ những người nghi ngờ nhiễm bệnh mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ một người nghi ngờ nhiễm có thể lây truyền virus cho người khác.

Các nhà nghiên cứu áp dụng một mô hình dịch tễ, phản ánh sự cách ly của cả các cá nhân nhiễm và nghi nhiễm.

Mô hình dự báo số ca nhiễm tại tỉnh Hồ Bắc và xa hơn đã so sánh rõ ràng số ca được ghi nhận.

Kết quả của cách tiếp cận theo mô hình này cho thấy sự ứng phó của nhà nước đối với dịch bệnh cộng thêm các chính sách phong tỏa, cách ly đã rất hữu hiệu dù ban đầu số ca nhiễm vẫn tăng./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

In bản tin