Công tác bảo vệ môi trường nông thôn: Thành công và thách thức

Cập nhật: 5/6/2012 | 7:16:53 AM

Do áp lực của quá trình đô thị hoá, tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội... môi trường nông thôn đang đứng trước những nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng này cần một giải pháp đồng bộ và mang tính lâu dài.

Những tín hiệu vui

Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó đáng kể nhất là vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Trái với những hình ảnh thường thấy trước đây về môi trường vùng nông thôn, đó là người dân bỏ rác bừa bãi ngay trong vườn nhà mình, tại một khu đất trống nào đó trong thôn, hoặc dưới lòng kênh mương tiêu thoát nước chung của làng... thì nay hầu hết thôn xóm đều đã hình thành các tổ tự quản thu gom rác theo mô hình xã hội hoá. Đáng mừng hơn, ngoài các công ty môi trường đô thị hoạt động theo mô hình nhà nước, công việc trên cũng đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân tham gia. Điều này đã khiến tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt tăng hàng năm, hiện nay đã đạt 90%.  

Vấn đề nước sinh hoạt cũng vậy, thay vì người dân dẫn nước về sử dụng thông qua hệ thống bể chứa nước mưa, giếng đào, đường ống dẫn nước tạm bợ như trước đây thì giờ đã được sử dụng các công trình nước máy, chất lượng nguồn nước nâng lên. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT, hiện tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đã đạt trên 85%, tăng trên 20% so với năm 2005. Như vậy nếu tính trên đầu người, toàn tỉnh mỗi năm sẽ có thêm 25.000-30.000 người dân được dùng nước sạch.

Đáng mừng hơn là thời gian tới đây, vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn sẽ được đẩy mạnh hơn. Đến thời điểm này đã có một số đơn vị doanh nghiệp xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, trong đó có rác thải vùng nông thôn. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long; Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC); Công ty CP Môi trường Quảng Yên. Anh Hoàng Việt Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT cho biết: “Phấn khởi nhất là hầu hết các phương án thiết kế của các doanh nghiệp trên đều theo hướng áp dụng công nghệ đốt, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay”. Như vậy theo kế hoạch, sau khi dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo tại phường Bắc Sơn (Uông Bí) (do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư) hoàn thành vào cuối năm 2012 này, Quảng Ninh sẽ có nhà máy đốt rác đầu tiên...

Rác thải được tập kết ngay cạnh đường dân sinh, gây mất vệ sinh môi trường. (Ảnh chụp tại Cẩm La, TX Quảng Yên).
Rác thải được tập kết ngay cạnh đường dân sinh, gây mất vệ sinh môi trường. (Ảnh chụp tại Cẩm La, TX Quảng Yên).

Bên cạnh đó, việc triển khai dự án thoát nước vệ sinh môi trường khu vực Hà Nam (Quảng Yên) với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng đang được triển khai tích cực. Anh Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình TX Quảng Yên khẳng định: “Đây là dự án dài hơi và rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường tổng thể khu vực Hà Nam. Hiện đơn vị đã và đang thi công 5 gói thầu về kè, nạo vét tuyến kênh mương dọc từ các xã Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải đến Liên Vị, Liên Hoà. Trong đó 3 tuyến đã hoàn thành. Các gói tiếp theo cũng đã sẵn sàng”.  

Vẫn còn những nỗi lo

So với các tỉnh, thành lân cận, cũng như trong các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ở từng lĩnh vực đặc thù của tỉnh, như môi trường đô thị, môi trường sản xuất công nghiệp (nhất là công nghiệp khai khoáng)... thì tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn chưa phải quá nóng bỏng. Tuy nhiên, những tồn tại trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... cũng như những giải pháp cho các vấn đề này vẫn thực sự rất đáng bàn.

Đáng mừng là vậy song môi trường nông thôn hiện cũng đang chịu những tác động tiêu cực rất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng phần rác thải, nếu như kết quả công tác thu gom trong dân đáng được biểu dương thì việc xử lý lại rất bất cập. Hiện công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt vẫn theo mô hình chôn lấp tại các bãi rác là chủ yếu. Trong khi đó hầu hết các bãi rác đều chưa đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường. Theo thống kê, toàn tỉnh có 17 bãi rác đang hoạt động thì chỉ có 3 bãi rác hợp vệ sinh. Đấy là chưa kể một số bãi rác đã quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí do rác thải sinh hoạt gây ra đã đến mức cảnh báo, gây bức xúc cho người dân. Tiêu biểu như các xã thuộc khu vực Hà Nam, bãi rác Cộng Hoà (TX Quảng Yên), thị trấn Trới (Hoành Bồ), xã Quảng Chính, Quảng Điền (huyện Hải Hà)...

Giống như rác thải, nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn cũng còn nhiều điều phải bàn. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 2 công trình xử lý nước thải đạt chuẩn tại vùng đô thị. Đó là trạm xử lý nước thải Cái Dăm và Hà Khánh (TP Hạ Long) với tổng công suất trên 10.000m3/ngày. Số các địa phương khác còn lại đều chưa có công trình dạng này. Đồng thời, vấn đề nước thải sinh hoạt của các hộ dân cũng mới chỉ được xử lý cục bộ tại các hộ bằng bể phốt, rồi thoát qua hệ thống cống rãnh chung. Trong đó, đáng báo động hơn cả là tình trạng nước thải tại các chợ nông thôn. Tại đây nước được thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất cứ khâu xử lý nào.

Môi trường nông thôn hiện nay còn chịu tác động xấu từ tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, hàng năm, các vùng nông nghiệp của tỉnh sử dụng  khoảng 10.000 tấn thuốc trừ sâu và 30.000 tấn phân bón các loại. Điều đáng nói là trong đó có không ít các loại hoá chất có hại cho môi trường; thêm vào đó là ý thức của nông dân trong việc tuân thủ về liều lượng không cao, thường xuyên dùng quá liều. Điều này dẫn đến tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường và xâm nhập vào nguồn nước mặt. Thực trạng cát táng và lối bố trí chuồng trại chăn nuôi không hợp lý trong dân cũng phần nào phương hại đến môi trường. Hiện nay, theo tập tục lâu đời, đại đa số người dân nông thôn vẫn chôn cất người chết (cát táng). Trong khi đó các nghĩa địa đều tự phát, không có quy hoạch nên thường gần sát khu dân cư, nhiều vùng còn nằm ở vị trí thấp hơn mặt nước biển (ví dụ vùng Hà Nam (Quảng Yên). Hệ thống các công trình chuồng trại, nhà vệ sinh thường được bố trí gần các kênh rạch, trước giếng nước trong khi thiếu các biện pháp xử lý môi trường... Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch nước ngầm dưới mặt đất, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Thực tế đến thời điểm này các thông số quan trắc môi trường vùng nông thôn vẫn cho thấy chất lượng môi trường không khí trong sạch, hàm lượng bụi lơ lửng thấp và không có dấu hiệu ô nhiễm các khí độc. Tuy nhiên, những nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực trên vẫn rất cao và tiềm ẩn. Điều này đặt ra cần phải có một chiến lược bảo vệ môi trường nông thôn toàn diện và tích cực hơn.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin