Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu: "Quyết tâm dập dịch tai xanh trong thời gian ngắn nhất"

Cập nhật: 5/6/2012 | 7:30:01 PM

Sáng 5-6, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác dập dịch lợn tai xanh tại Đông Triều. Cùng đi có đại diện một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của huyện Đông Triều, hiện nay tình hình dịch tai xanh trên đàn lợn vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 4-6, toàn huyện đã có 6.987 con lợn mắc bệnh; chết 3.096 con; tiêu huỷ 98.268kg lợn.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Huyện Đông Triều đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác dập dịch; thành lập các đội xung kích thực hiện tiêu trùng khử độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn lợn.

Đến thời điểm này, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp 68.000 liều vắc xin tai xanh và 5 tấn hoá chất tiêu độc, khử trùng cho huyện Đông Triều (trước đó đã tiêm 40.000 liều). Huyện đã tiêm phòng được 50.671 liều vắc xin cho đàn lợn.

Huyện Đông Triều chỉ đạo các xã, thị trấn, chậm nhất ngày 8-6 phải thực hiện xong công tác tiêm phòng; thành lập mới 3 chốt kiểm dịch tại xã Yên Đức, xã Hồng Phong và thị trấn Mạo Khê để ngăn chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về dịch tai xanh để nhân dân biết, thực hiện công tác chống dịch.

Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác chống dịch tại xã Bình Khê và An Sinh, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã họp trực tuyến với 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để chỉ đạo công tác dập dịch.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tại xã Bình Khê.
Đồng chí Đặng Huy Hậu (thứ 3, phải sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tại xã Bình Khê.

Đồng chí nhấn mạnh, để dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng, diễn biến phức tạp như hiện nay, nguyên nhân chính là do công tác phòng dịch chưa tốt; người dân còn chủ quan trong phòng bệnh chăn nuôi, chưa chú trọng đến vệ sinh chuồng trại; công tác quản lý chăn nuôi còn lỏng lẻo; khi dịch xảy ra, công tác phòng chống dịch còn hạn chế, thiếu quyết liệt.

Đồng chí chỉ đạo, các ngành chức năng cần phải huy động lực lượng, vật tư phương tiện tập trung cho Đông Triều dập dịch.  Đến ngày 10-6, huyện phải thực hiện xong công tác tiêm phòng, tiêm bao vây và tiêm thẳng ổ dịch, không để dịch lây lan sang các địa phương khác và dập hoàn toàn dịch trong thời gian ngắn nhất.

Đối với phòng bệnh, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh.

Các trạm, chốt kiểm dịch phải làm nghiêm túc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; quản lý tốt giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ; tập trung huy động lực lượng cho công tác dập dịch, các đoàn thể phải vào cuộc tích cực; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin