Vào vùng dịch tai xanh
Cập nhật: 16/6/2012 | 9:10:40 PM
Dịch lợn tai xanh xuất hiện khoảng một tháng nay ở huyện Ba Vì hiện đang lan ra nhiều xã. Lợn bệnh vẫn được tiêu hủy, nhưng dân không biết hỗ trợ ra sao, trong khi thành phố vẫn không công bố dịch.
Con lợn nái hộ anh Mạc (Cẩm Lĩnh, Ba Vì) chết vì dịch bệnh tai xanh Ảnh: Phạm Anh . |
Dịch lan rộng
Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện và lan ra nhiều xã ở huyện Ba Vì (Hà Nội) như: Phú Cường, Cẩm Lĩnh, Phú Phương, Tản Hồng, Tản Lĩnh…Tại xã Cẩm Lĩnh, nơi có đàn lợn gần 11.000 con, hiện có tới 8/11 thôn trong xã đang có dịch. Đi qua các thôn ở Cẩm Lĩnh, nhiều nhà rắc vôi khử trùng lem nhem, trắng ngõ.
Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng anh Chu Quang Mạc (thôn Vô Khuy, Cẩm Lĩnh) đang vội ra đồng để chở lúa đã gặt vì trời gần mưa.
Con lợn nái nặng tới 160 kg chết vì bệnh tai xanh, ruồi nhặng bu đầy, đang giai đoạn phân hủy, nằm chềnh ềnh giữa chuồng vẫn chưa kịp đi chôn.
Anh Mạc mỏi mệt nói: “Đợt dịch này chết 3 con lợn nái, gần 30 con lợn con chết non. Đàn này mà thành công, cũng thu được khoảng 40-50 triệu đồng”.
Anh Mạc cho biết, sau khi có dịch, lợn chết, thú y của xã đã đến lập biên bản, rồi bảo gia đình tự tổ chức chôn. Xã bắt cam kết không được bán lợn dịch, thông báo có chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhưng bao nhiêu, và khi nào hỗ trợ thì không biết.
Chị Thơm, vợ anh Mạc than: Mấy năm nay dịch bệnh, hết lợn đến gà chết như ngả rạ, làm kinh tế gia đình lao đao. Đợt dịch lở mồm long móng đầu năm 2011 khiến đàn lợn 36 lợn con, 3 lợn nái chết sạch.
Hiện vợ chồng chị Thơm đang vay ngân hàng 10 triệu đồng, người quen 50 triệu đồng, giờ tay trắng.
Nhà chị Đỗ Thị Hường (thôn Vô Khuy) nuôi 11 con lợn, nhưng nay cũng chết 3 con vì dịch, trong đó có một con nái đang có chửa, hai con lợn choai, vừa chôn cách đây mấy ngày.
Chị Hường cho biết, cách đây gần nửa tháng, lợn chết vứt đầy ngòi. Sau đó xã cấm việc này, nên dân không vứt nữa. Từ đó, dịch lợn tai xanh bùng phát và lan ra rất nhiều nhà trong thôn, trong xã.
Cũng do dịch tai xanh hoành hành, nên xã cấm có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, nên người dân trong xã gần như không có thịt lợn để ăn.
Chị Phùng Thị Nghị (thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh), một tiểu thương mổ và bán thịt lợn ở chợ Suối Hai cho biết, nửa tháng nay tôi không mổ con nào, có mổ bán người ta cũng không mua.
Dù dịch xuất hiện nhiều các thôn, nhưng theo ông Phùng Công Bàn, Phó chủ tịch xã Cẩm Lĩnh “dịch đang lắng xuống”. Hiện cả xã có khoảng 600 con lợn mắc bệnh; đã chết, tiêu hủy 100 con lợn.
“Huyện và thành phố chưa có văn bản hướng dẫn hỗ trợ lợn chết dịch tai xanh, nên xã chỉ nói với dân là sẽ có hỗ trợ thôi, chủ yếu là vận động bà con tiêu hủy” - ông Bàn nói.
Cũng theo ông Bàn, hiện cả huyện tới 80-90% các xã là đang có dịch tai xanh, nhiều xã lân cận của Cẩm Lĩnh cũng đang có dịch như Vật Lại, Tòng Bạt, Phú Sơn, Ba Trại…
Đến xã Tản Lĩnh, dịch tai xanh cũng xuất hiện ở 5/11 thôn của toàn xã. Chị Nguyễn Thị Thức (thôn Ké Mới), một trong những hộ thiệt hại vì tai xanh lớn nhất xã đến thời điểm này cho biết.
“Hai con lợn thấy gần chết, có một anh đến hỏi mua, nói là mua về làm thịt cho cá sấu, tôi bán hơn 1 triệu đồng hai con, còn 11 con sau này, xã bắt phải tiêu hủy, khoảng chục ngày trước”.
Hà Nội không công bố dịch vì “tế nhị”?
Dịch tai xanh xuất hiện ở Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ?, nhưng vì sao Hà Nội không công bố dịch? trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Thanh Vân, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, nói: “Thực ra nó chỉ xảy ra lác đác, hơn nữa, trên địa bàn đã chấm dứt rồi, không phát sinh nữa, số lượng không nhiều lắm. Hiện nay, các điểm đã dập tắt được rồi, khống chế được ngay, anh em thú y đã khử trùng, xử lý”.
Theo ông Vân, Hà Nội có lượng gia súc lớn, những nơi có dịch, chỉ là những điểm nhỏ, chưa thể trở thành dịch được. Hơn nữa, Hà Nội có hệ thống thú y ở dưới báo cáo, khống chế, đảm bảo xử lý thường xuyên, nên chưa thể công bố.
Hà Nội không bao giờ giấu dịch, vì tất cả các báo cáo đều gửi cho các cơ quan chức năng.
Còn theo ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng Dịch tễ (Cục thú y), “Hà Nội không công bố dịch, nhưng họ làm như công bố. Họ đang chỉ đạo, không cho dịch lây lan. Trong các báo cáo chúng tôi đều đưa vào, nhưng lại không đưa lên mạng (công bố các tỉnh có dịch-PV). Tại sao các địa phương khác có dịch thì đưa lên mạng, nhưng Hà Nội thì không? “Dịch không trầm trọng lắm, hơn nữa, ở đây có chuyện tế nhị vì là Thủ đô, nơi sử dụng thịt nhiều, chứ ai khó khăn gì việc đó đâu”- ông Kỳ nói.
Về vụ lợn tai xanh thành ruốc, mắm tép chưng thịt, Phó chủ tịch huyện Chương Mỹ: “Nói bậy bạ, làm ảnh hưởng cả huyện” Hà Nội - Chiều 15-6, trao đổi với Tiền Phong, về vụ gom lợn tai xanh làm ruốc, mắm tép, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã Đông Sơn. Theo ông Doanh, ông Nguyễn Bá Trọng (thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn) xây kho đông lạnh từ tháng 5 “rồi dấm dúi thu gom lợn chết ở đâu về để ướp ấy chứ”, không phải mua ở các xã lân cận. Còn trên địa bàn Chương Mỹ, vừa rồi chỉ có xuất hiện một ổ dịch ở xã Nam Phương Tiến, nhưng gần một tháng vừa rồi chúng tôi đã dập dịch xong. “Tôi đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ lợn đó, đồng thời chỉ đạo, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã. Yêu cầu mời anh Trọng lên, để kiểm tra lại, làm rõ trách nhiệm, chứ anh ta nói là mua lợn tai xanh ở các xã lân cận là bậy bạ, làm ảnh hưởng cả huyện”- ông Doanh nói. P. Anh |
BS Nguyễn Văn Dũng, Cục ATVS Thực phẩm, Bộ Y tế: Theo Điều 63, Luật An toàn Thực phẩm (ATTP) năm 2010, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chịu trách nhiệm quản lý chín ngành hàng thực phẩm, trong đó có ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Như vậy, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, như xúc xích, ruốc, hay thịt mắm tép, v.v…, đều thuộc sự quản lý của Bộ NN&PTNT. Vẫn theo Luật ATTP, Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm năm ngành hàng thực phẩm như thực phẩm chức năng, phụ gia hỗ trợ thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nước uống đóng chai, và nước khoáng thiên nhiên. |
(Nguồn: tienphong.vn)