WHO: Chưa cần tiêm đại trà vaccine ngừa đậu mùa khỉ
Cập nhật: 25/7/2022 | 2:05:35 PM
Hiện vaccine đậu mùa khỉ chưa sẵn có và còn tranh cãi trong sử dụng, do đó WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine này
Ngày 24/7, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết tổ chức này đã tranh luận rất gay gắt về vaccine khi công bố đậu mùa khỉ là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Lý do là các quốc gia sẽ tìm kiếm, đổ nguồn lực vào vaccine và tiêm chủng, có thể gây ra bất bình đẳng về vaccine.
Tuy nhiên, với các số liệu hiện có, các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ không dễ lây lan khi người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo. Bên cạnh đó, một số quốc gia có dự trữ vaccine đậu mùa thế hệ một, hiệu quả khoảng 80% với bệnh đậu mùa khỉ, các vaccine thế hệ thứ 2-3 có số lượng rất hạn chế. Do đó, WHO khuyến cáo chưa tiêm rộng rãi vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ, chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, ví dụ trước phơi nhiễm hoặc sau khi phơi nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Tiến sĩ Sorroco Escalante, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết thế giới có ba loại vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ hiện nay. Trong đó vaccine Jynneos đã được WHO phê duyệt, sản xuất tại Đan Mạch, hiện được Mỹ, Canada và một số nước châu Âu phê duyệt có điều kiện. Hai loại khác gồm Acam2000 được Mỹ phê duyệt, LC16m8 do Nhật Bản sản xuất và đang trong quá trình nghiên cứu hiệu quả.
"Nói chung, vaccine vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi và cần tiếp tục nghiên cứu, bàn luận trong thời gian tới", tiến sĩ Sorroco nói.
Trong khi đó, theo CNA, Bộ Y tế Singapore không khuyến cáo tiêm đại trà vaccine chống lại bệnh đậu mùa khỉ, do lợi ích không vượt quá nguy cơ mắc bệnh. Tại Singapore, 4 ca nhập cảnh và 4 ca cộng đồng mắc đậu mùa khỉ được phát hiện, song Bộ Y tế nước này nói "không có bằng chứng bệnh lây lan trong cộng đồng".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng vaccine đậu mùa có thể bảo vệ người dân khỏi đậu mùa khỉ do bệnh cùng chung một loại virus gây ra, song dữ liệu cho thấy một số vaccine như Jynneos, Acam2000 có thể đem lại tác dụng phụ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết Acam2000 có thể gây viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Đối với vaccine Jynneos, các phản ứng phụ có thể bao gồm đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và ớn lạnh.
Một nhân viên y tế tiêm vaccine đậu mùa khỉ thử nghiệm tại Montreal, Quebec, Canada vào tháng 6. Ảnh: Reuters
Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, song nguy cơ xâm nhập rất lớn. Để phòng tránh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị WHO hỗ trợ vaccine do Việt Nam không dự trữ loại vaccine này. Đồng thời Cục Y tế dự phòng khuyến cáo 6 biện pháp phòng bệnh, gồm: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; sát khuẩn tay; người có triệu chứng cần tự cách ly và liên hệ cơ sở y tế, tránh tiếp xúc gần với người mắc đậu mùa khỉ; người có yếu tố dịch tễ không tiếp xúc với động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đậu mùa khỉ lan rộng tại một số khu vực châu Âu vào tháng 5, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch ở khu vực ngoài châu Phi. Sau đó, dịch bệnh tăng liên tục về số nhiễm và số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh. Đến nay, đã có 75 nước phát hiện ca nhiễm, tổng cộng hơn 16.000 ca mắc.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Còn CDC Mỹ nói chủng virus đậu mùa khỉ Tây Phi có tỷ lệ tử vong là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
(Nguồn: vnexpress.net)