Các địa phương cận kề vùng dịch chủ động phòng tránh
Cập nhật: 21/6/2012 | 2:05:52 PM
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt tại huyện Đông Triều với 21/21 xã và thị trấn đều có lợn nhiễm dịch. Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn và chống dịch, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng rất khó kiểm soát. Đặc biệt là các địa phương có vị trí tiếp giáp với vùng dịch là TP Uông Bí và TX Quảng Yên.
Thành phố Uông Bí, địa phương tiếp giáp gần nhất với vùng dịch Đông Triều nguy cơ lây lan dịch trên đàn lợn của thành phố là rất cao. Đặc biệt ngày 22-5 tại 5 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Phương Nam đã xảy ra hiện tượng lợn ốm chết không rõ nguyên nhân. Ngay lập tức, UBND thành phố đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và thực hiện nhanh chóng, triệt để các biện pháp ngăn chặn tránh nguy cơ dịch tai xanh lây lan trên đàn lợn. Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp phòng chống dịch, thành phố đã chỉ đạo các địa phương có lợn chết chưa rõ nguyên nhân phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột và hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời, nghiêm ngặt kiểm soát, nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc. Tổ chức tiêu huỷ lợn chết, thành lập các chốt kiểm dịch động vật để hạn chế tối đa việc vận chuyển lợn bệnh ra vào địa bàn. Đồng chí Trần Ngọc Hoán, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố chưa xuất hiện trường hợp lợn bị nhiễm bệnh tai xanh, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn đang được theo dõi chặt chẽ, công tác tiêm phòng bệnh tai xanh trên đàn lợn đã cơ bản hoàn tất với 10.831 mũi, các chốt kiểm dịch đã được thiết lập trên những cung đường giao thông chính, các cửa ngõ ra vào thành phố để kiểm soát chặt chẽ nhất là các trường hợp lợn không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn gây dịch bệnh…”.
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch tai xanh. Trong ảnh: Vệ sinh cho đàn lợn tại gia đình chị Nguyễn Thị Thơm xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). |
Thị xã Quảng Yên được đánh giá là một địa phương có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong 4 năm từ 2008-2011 trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra trường hợp lợn bị nhiễm bệnh tai xanh. Tuy nhiên, từ đầu năm cho đến thời điểm này, mặc dù dịch tai xanh đang có những diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan cao thì trên địa bàn TX Quảng Yên chưa có trường hợp nào bị mắc bệnh tai xanh. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT qua đợt kiểm tra tình hình dịch bệnh và tiêm phòng trên địa bàn thị xã, hiện tại đàn lợn trên địa bàn sinh trưởng và phát triển ổn định, có một số trường hợp lợn ốm nhưng là do mắc các bệnh thông thường, cán bộ thú y địa phương đã kiểm tra và chữa trị kịp thời. Đồng chí Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: “Đây là kết quả của việc thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ trên đàn lợn trong thời gian qua. Để phòng các bệnh kế phát do vi khuẩn ở lợn, thị xã đã thực hiện nghiêm túc công tác tiêm vắc xin phòng các bệnh thường xảy ra trên đàn lợn như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tiêu chảy... Hiện nay công tác phòng dịch trên địa bàn vẫn được thực hiện triệt để, thị xã đang đẩy nhanh việc tiêm phòng 25.000 liều vắc xin tai xanh cho đàn lợn, cũng như thực hiện triệt để việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.”
Cùng với các địa phương gần vùng dịch, tất cả địa phương khác trong tỉnh cũng đã vào cuộc quyết liệt, việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm được đẩy mạnh, nhiều chốt kiểm dịch động vật đã được hình thành trên các cung đường để hạn chế tối đa tình hình lây lan dịch bệnh giữa các vùng, các hộ chăn nuôi đều được tuyên truyền ý thức tự bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình và báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương trong trường hợp gia súc, gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời xử lý, tránh dịch bệnh lây lan rộng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát không vận chuyển, giết mổ gia súc trong và ngoài vùng có dịch; các vùng nguy cơ và vùng đệm quanh vùng dịch cần tăng cường kiểm soát lưu thông, phun khử trùng hạn chế dịch bệnh lây lan; kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ tại vùng có dịch; tăng cường bảo vệ các trang trại, cơ sở giống trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp… Đặc biệt sau đợt kiểm tra của đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã đề nghị các địa phương cần có biện pháp tăng cường hơn nữa công tác thông tin, kiểm soát tình hình dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại. Tại các địa phương xuất hiện dịch, cần tiếp tục nắm bắt nhanh và sớm nhất các thông tin dịch bệnh, phát hiện sớm và khoanh vùng các vùng dịch bệnh, kiến nghị với Sở NN&PTNT có biện pháp tăng cường hỗ trợ để xử lý các tình huống dịch bệnh; khôi phục, phát triển đàn lợn nái; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin tai xanh, kiểm soát mua bán, vận chuyển động vật trên địa bàn.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)