Tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi: Cần quan tâm hơn cho các xã miền núi

Cập nhật: 27/6/2012 | 1:48:54 PM

Không thể phủ nhận rằng, những năm qua, với nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn 16,5%. Tuy nhiên, điều đáng nói là tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, nhất là ở các xã miền núi.

Cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
Cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế phường Hồng Hà, TP Hạ Long.

Hiện nay, mạng lưới chuyên trách phòng chống SDD cho trẻ đã được phủ rộng khắp địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể: Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SDD từ tỉnh đến xã được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của nhiều ban, ngành; Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) tỉnh, khoa CSSKSS ở Trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế tuyến xã cũng được giao nhiệm vụ chuyên trách công tác này. Bên cạnh đó, ở các thôn, khu phố của tỉnh đều có cộng tác viên thực hiện công tác phòng, chống SDD. Thậm chí, thôn có địa bàn rộng còn được bố trí tới 2 cộng tác viên. Trong tổng số hơn 1.600 thôn, khu trên địa bàn toàn tỉnh thì có tới 1.714 cộng tác viên dinh dưỡng. Công tác tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống SDD được quan tâm, mỗi năm tuyến tỉnh, tuyến huyện tổ chức gần 30 lớp. Việc mua sắm các thiết bị vật tư thiết yếu phục vụ chương trình phòng chống SDD cũng được chú trọng. Ngoài vật tư của T.Ư cấp, Trung tâm CSSKSS tỉnh còn chủ động mua thêm sổ sách chuyên môn dành cho chuyên trách, cộng tác viên SDD; in ấn tờ rơi, pano, khẩu hiệu truyền thông dinh dưỡng phát đến hộ gia đình và thôn xóm. Ngoài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi tuyền thông… các địa phương, đơn vị còn tổ chức hội thi kiến thức mẹ - sức khoẻ con; đến gia đình có con SDD và bà mẹ mang thai để trao đổi cách chăm sóc trẻ em... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, cán bộ y tế và CTV dinh dưỡng đã tổ chức đến thăm, tư vấn cho hơn 20.000 lượt hộ gia đình về dinh dưỡng cho trẻ. Các đoàn thể trên địa bàn cũng chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm đến phòng, chống SDD. Trung bình một năm, mỗi thôn tổ chức 1 buổi thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh từ năm 2007 đến nay đã hỗ trợ SDD cho 1.438 trẻ ở khoa nhi các bệnh viện, trường nội trú các xã vùng sâu, vùng xa. Nhờ những nỗ lực đó, công tác phòng chống SDD cho trẻ đã có kết quả đáng kể, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD về cân nặng giảm mạnh từ 28,1% vào năm 2001 xuống còn 16,5% như hiện nay.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các địa phương mới chỉ chú trọng phòng chống SDD về cân nặng cho trẻ, còn phòng chống SDD thể thấp còi chưa được quan tâm đúng mức, từ việc đo chiều cao đến tư vấn dinh dưỡng phát triển chiều cao cho trẻ, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 101.300 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó, trẻ em dưới 2 tuổi khoảng 42.000 người. Tỷ lệ suy dinh dưỡng về chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi năm 2011 trên địa bàn còn tới 26,9%, chỉ thấp hơn trung bình của toàn quốc là 0,6%. Vừa qua, Trung tâm CSSKSS tỉnh cùng một số đơn vị liên quan đi cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, cho thấy, nhiều địa phương có tỷ lệ SDD về chiều cao lớn, như: Tiên Yên 28,6%, Hoành Bồ 24,6%, Đầm Hà 23%, Ba Chẽ 21,24%. Thậm chí, Bình Liêu, tỷ lệ này còn tới 34%, Hải Hà 37,98%. Cá biệt có những xã ở Hải Hà, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về chiều cao chiếm đến một nửa như Quảng Thịnh hơn 44%, Quảng Đức trên 60%... Điều này cho thấy, các địa phương chưa thực sự đẩy mạnh phòng, chống SDD về chiều cao cho trẻ. SDD thấp còi phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc là hậu quả của một quá trình tích luỹ bắt đầu xảy ra từ thời kỳ bào thai và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi thường ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khoẻ và bệnh tật trước mắt và lâu dài. Trẻ thấp còi sẽ có chiều cao thấp ở tuổi trưởng thành ảnh hưởng đến tầm vóc nòi giống dân tộc. Sự thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài làm giảm khả năng nhận thức, trí thông minh, kết quả học tập, năng suất lao động. Trẻ bị SDD thấp còi thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm hệ miễn dịch và sau này cũng dễ có nguy cơ thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…

Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn chính là chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng ở các thôn, khu. Trong tổng số 186 xã, phường, thị trấn với hơn 1.700 cộng tác viên dinh dưỡng thì Chương trình Quốc gia phòng, chống SDD chỉ cấp tiền hỗ trợ cho cộng tác viên thuộc 20 xã, phường, thị trấn trọng điểm của tỉnh trong chương trình giám sát (do Viện Dinh dưỡng quốc gia chọn ngẫu nhiên hàng năm). Số còn lại tham gia chủ yếu dựa vào lòng nhiệt tình, trong khi, để đến các gia đình, tiền xăng xe của đội ngũ này cũng khá tốn kém, nhất là các thôn bản xa xôi, hẻo lánh. Bởi vậy, việc tháo gỡ khó khăn về chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng hiện nay rất quan trọng. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống SDD cho trẻ dưới 5 tuổi, nhất là SDD về chiều cao cần tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin