BỆNH GHẺ - CẦN CHẨN ĐOÁN ĐÚNG VÀ ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI
Cập nhật: 6/5/2024 | 11:37:25 AM
Thời gian gần đây, PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA DA LIỄU CDC QUẢNG NINH tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh ghẻ đến khám và điều trị.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Phòng khám đã tiếp nhận 469 bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh về da liễu, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân mắc bệnh ghẻ, nhiều trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.
Mới đây, cháu N.V.T, 8 tuổi được gia đình đưa đến khám tại Phòng khám Da liễu CDC Quảng Ninh với triệu chứng bị ngứa ở vùng lưng, bụng, tay chân, ngứa nhiều về ban đêm. Trước đó, gia đình có mua một số loại thuốc trị ngứa thông thường ở tiệm thuốc tây về bôi cho con, nhưng tình trạng vẫn cứ tái diễn làm cho giấc ngủ của con không được ngon.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu T. mắc bệnh ghẻ. Theo lời kể, cháu T. tham gia lớp học võ và để chung quần áo, dùng chung đồ với nhiều bạn học, trong đó có bạn bị mắc ghẻ. Cũng may, trường hợp của cháu chưa lây sang người trong gia đình. Cháu được bác sĩ kê thuốc dùng tại nhà, đồng thời người nhà bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, nhất là những vật dụng tiếp xúc với da như quần áo, chăn gối, ga giường, nệm…
Nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh ghẻ được thăm khám tại Phòng khám chuyên khoa da liễu CDC Quảng Ninh
BS.CKI Nguyễn Thị Hoài, Phòng khám da liễu CDC Quảng Ninh cho biết, tại Việt Nam, bệnh ghẻ hiện vẫn khá phổ biến. Đặc biệt, đối với trẻ em có thể gặp khó khăn khi cảm nhận về triệu chứng của bệnh cũng như miêu tả đặc điểm bệnh với người lớn, dẫn đến phát hiện bệnh muộn, khó điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoài cũng cho biết, không chỉ ở trẻ em, mà có không ít trường hợp bệnh nhân là người lớn trước khi đến khám ở Phòng khám Da liễu CDC đã từng bị chẩn đoán và điều trị nhầm do bệnh ghẻ khởi phát khá giống với bệnh vảy nến, viêm da cơ địa. Những người bệnh này do không được khám và điều trị đúng hoặc tự ý dùng các thuốc uống và bôi ngoài da khiến triệu chứng bệnh đôi khi không còn điển hình, thương tổn lan rộng; Gãi nhiều sẽ khiến da trầy xước, nổi mụn và rộp nước, chảy máu, gây sẹo, biến chứng chàm hóa. Khi gãi ngứa có thể sẽ tạo ra những vết thương hở trên da, đây sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào da gây bội nhiễm, thậm chí có thể theo đường máu đến các cơ quan khác. Tình trạng ngứa khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, suy nhược cơ thể, làm việc kém hiệu quả. Đồng thời bệnh còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Bệnh ghẻ là bệnh do kí sinh trùng ghẻ (còn gọi là Sarcoptes Scabiei hominis) gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người bằng hai đường: Đường trực tiếp qua tiếp xúc thông thường và đường lây gián tiếp là qua các vật dụng như giường chiếu, chăn màn, quần áo dùng chung.
Bất kỳ đối tượng nào, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều có thể mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên đối tượng dễ bị nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như ngủ chung, dùng chung màn, khăn, chiếu, gối với người bị ghẻ. Người có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ bị mắc bệnh hơn. Nguy cơ mắc bệnh ghẻ gặp nhiều hơn ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém, hoặc nơi ở đông đúc, chật hẹp, sống tập thể, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt, như ký túc xá, nhà trẻ… , có thể xuất hiện thành ổ dịch.
Bệnh ghẻ gây ra sẩn mụn nước nổi nhiều nhất là ở các vùng da non như kẽ ngón tay, cổ tay, vùng rốn, ngực, mông, các nếp gấp...trên cơ thể
Các dấu hiệu điển hình của bệnh ghẻ là:
- Ngứa nhiều về đêm, sẩn mụn nước nổi nhiều nhất là ở các vùng da non như kẽ ngón tay, cổ tay, vùng rốn, ngực, mông, các nếp gấp, vùng sinh dục, bẹn, mặt trong cánh tay và đùi.
- Hình ảnh “đường hầm” do cái ghẻ đào trong lớp sừng khi đẻ trứng ở vị trí cổ tay, lòng bàn tay, ngón tay và mặt bên ngón đôi khi còn gặp ở lòng bàn chân, sinh dục, mông… Đường hầm có hình ngoằn nghèo, màu trắng nhạt kèm theo vảy da và mụn nước. Ở đầu đường hầm có mụn nước 1 - 2 mm đường kính, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ.
- Thời gian ủ bệnh của bệnh ghẻ thường 4-6 tuần.
Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hoá thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, như vảy nến, tổ đỉa, viêm da cơ địa, nấm da…. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết các dấu hiệu bệnh ghẻ sớm và không được điều trị kịp thời, dứt điểm, bệnh có thể tái phát dai dẳng và lây cho người khác, thậm chí lây cho cả cộng đồng, nguy hiểm hơn là dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Để phòng ngừa bệnh ghẻ một cách hiệu quả, người dân cần:
- Giữ thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, môi trường sống thoáng đoãng sạch sẽ;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: Kẽ các ngón tay, bẹn, rốn...
- Đối với người bệnh: cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Quan trọng nhất là cách vệ sinh đồ đạc, quần áo trong quá trình điều trị. Quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh phải được ngâm xà phòng đậm đặc, luộc nước sôi, phơi ngoài nắng cách xa với đồ dùng của những người xung quanh. Người bệnh cần được cách ly để tránh bệnh lây lan. Đồ dùng cá nhân, đồ đạc vệ sinh hoặc cho vào túi nilon buộc kín trong ít nhất 72 giờ vì ghẻ thường chết khi không kí sinh trên người trong 2-3 ngày.
PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA DA LIỄU - TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT QUẢNG NINH là địa chỉ uy tín khám, tư vấn, điều trị các bệnh về da, trong đó có bệnh GHẺ.
Khi có những triệu chứng nghi ngờ: mụn nước nổi rải rác trên các vùng da mỏng, ngứa nhiều về đêm, có thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sần đóng vảy gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gặp ở những người cùng sinh hoạt chung… người dân có thể liên hệ PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA DA LIỄU - TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT QUẢNG NINH để được các bác sĩ chẩn đoán xác định và tư vấn điều trị đúng cách.
- Địa chỉ Phòng khám: Tầng 1, Tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, Phố Hải Phúc, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long
- Liên hệ: 02033 551 188
(Nguồn: Quỳnh Trang (CDC QN))