Hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa:Mong chờ của nhiều phía

Cập nhật: 3/7/2012 | 8:12:08 AM

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đang được Sở Y tế tích cực xây dựng để trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện trong năm 2012 này.

Khoa học và công nghệ được ứng dụng trong dự án chính là giải pháp Telemedicine. Telemedicine là một từ ghép bắt nguồn từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” trong tiếng Latin là “mederi” nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được dùng nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu... Giải pháp Telemedicine có thể giúp một bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc của mình khám cho một bệnh nhân cách đó hàng ngàn cây số. Chỉ cần nháy chuột là bác sĩ đã có trong tay đầy đủ thông tin về bệnh sử, thông tin kết quả thăm khám như: Xét nghiệm (xét nghiệm huyết học, sinh hoá, vi sinh, tế bào...), thông tin về chẩn đoán chức năng (điện tim, điện não, hô hấp...), thông tin về hình ảnh (Xquang, siêu âm...). Đó chỉ là một trong rất nhiều ứng dụng của giải pháp Telemedicine.

Một ca hội chẩn qua mạng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình và Bệnh viện Nhi Nghệ An. Ảnh: TL
Một ca hội chẩn qua mạng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình và Bệnh viện Nhi Nghệ An. Ảnh: TL

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được xây dựng tại tỉnh với mục tiêu chung là ứng dụng, triển khai giải pháp hội nghị truyền hình chất lượng cao phục vụ công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa và phòng trừ dịch bệnh từ xa tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Thực hiện dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, có chất lượng cao cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, hải đảo và giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Đồng thời có thể cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nguy kịch với sự trợ giúp kỹ thuật y tế trực tiếp của bệnh viện tuyến trên qua giải pháp Telemedicine mà không phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra là: giải pháp Telemedicine chất lượng cao sẽ được triển khai tại một số bệnh viện; hội chẩn, tư vấn về một số trường hợp bệnh khó giữa bệnh viện tuyến trên và một số bệnh viện tuyến dưới ở các huyện và các vùng sâu, vùng xa, hải đảo thông qua mạng máy tính; hội chẩn, tư vấn các ca bệnh khó từ các Bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt - Đức cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; đào tạo và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y học cho một số bệnh viện tuyến dưới thông qua mạng máy tính; đảm bảo ngành y tế tỉnh sẵn sàng tham gia các hoạt động Telemedicine của Bộ Y tế.

Khi dự án được triển khai, sẽ có 11 địa điểm được đầu tư hệ thống Telemedicine, đó là Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa các khu vực: Cẩm Phả, Móng Cái, Tiên Yên, Đông Triều, Yên Hưng, Vân Đồn và Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Tổng dự toán kinh phí cho dự án là 11 tỷ đồng, bao gồm chi phí: Mua sắm thiết bị, lắp đặt cài đặt kiểm tra và hiệu chỉnh, đào tạo chuyển giao công nghệ, quản lý dự án, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin và các chi phí khác. Dự án dự định thực hiện trong 3 năm (2012-2014) với giai đoạn 1 (năm 2012) chuẩn bị đầu tư; giai đoạn 2 (2012-2013) triển khai dự án, vận hành thí điểm dự án và đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án; năm 2013-2014 chính thức vận hành dự án.

Telemedicine đã được thực hiện nhiều năm nay trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2004, một hội thảo quốc tế về khám và điều trị từ xa được tổ chức tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đến nay, Telemedicine đã có những bước phát triển mới, được ứng dụng trong dự án “Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt -Đức” đã được Nhà nước và Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2003 đến năm 2007. Bên cạnh đó, các Bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Viện Mắt Trung ương, Chợ Rẫy, Hữu Nghị, Nhi đồng 1, Viện Y học Biển v.v.. đã triển khai nhiều hoạt động Telemedicine với các đơn vị tuyến dưới, đạt được nhiều kết quả tốt và ngày càng phát triển. Nói về Telemedicine trong ngành y tế, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Năm 2011, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có khoảng 40 lần tăng cường đến các huyện thực hiện các ca cấp cứu. Đây thường là các ca bệnh nặng, phức tạp, cần sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên cũng như những trang thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, khi chúng tôi ra đến nơi thì bệnh nhân đã qua đời. Do vậy, nếu giải pháp Telemedicine được triển khai thì các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ở vùng xa, hải đảo sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên…”.

Nếu được UBND tỉnh phê duyệt, dự án sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy thế mạnh về phát triển kỹ thuật y học cho các bệnh viện của tỉnh. Đây cũng được coi là bước đầu trong ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa cho các bệnh viện trong địa bàn tỉnh và có thể mở rộng hoạt động với bất kỳ bệnh viện nào ở trên toàn quốc (qua mạng) và các bệnh viện ở các nước có nền y học phát triển khác.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin