Dịch bệnh tay, chân, miệng tăng cao ở các tỉnh phía bắc

Cập nhật: 22/7/2012 | 9:43:40 PM

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu những năm trước bệnh tay, chân, miệng (TCM) chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía nam, thì đến thời điểm này, các tỉnh phía bắc có số người mắc cao nhất cả nước, chiếm 43,9% tổng số ca mắc. Nhiều địa phương như: Hải Phòng, Bắc Cạn, Hòa Bình là "điểm nóng" về tình hình dịch. Ngành y tế và chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và nhất là không để xảy ra các trường hợp chết người.

Ðiều trị bệnh tay, chân, miệng tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.  

So với cả nước, bệnh TCM xuất hiện ở Bắc Cạn muộn nhất (cuối tháng 8-2011), nhưng sau đó nhanh chóng tăng cao, lây lan ra diện rộng. Tuy tổng số người mắc bệnh không nhiều, nhưng đây là địa phương có tỷ lệ người mắc TCM cao nhất cả nước, với tỷ lệ 279,6/100 nghìn dân. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4, Bắc Cạn có 345 ca mắc bệnh, thì từ tháng tư đến nay, số người mắc bệnh tăng lên 863 trường hợp ở 80 trong tổng số 122 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. BS Nguyễn Thái Hồng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, nhận định: Bệnh dịch trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Ðáng chú ý, bệnh lây lan đến nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, những nơi trình độ dân trí thấp, điều kiện chữa trị gặp nhiều khó khăn. Theo BS Hồng, yếu tố làm gia tăng bệnh TCM thông thường là ở những nơi có mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội, nhưng với thực tế của Bắc Cạn, sự lây lan cũng nhanh không kém, đó là điều kiện và ý thức vệ sinh tại nơi cư trú, trường học, cộng đồng thấp, khiến bệnh lan truyền nhanh. Hiện nay chỉ có khoảng 40% số hộ dân trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh. Ở hầu hết các trường học, nhất là các trường mầm non, thiếu các công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, ý thức phòng, chống bệnh của đội ngũ giáo viên mầm non không đồng đều. Ðịa bàn tỉnh rộng lớn, truyền thông chưa đến được hết các thôn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, dẫn đến việc người dân khó tiếp cận được những kiến thức phòng, chống bệnh cần thiết và khi trẻ mắc bệnh thì không được phát hiện kịp thời... Những đặc điểm và nguyên nhân nêu trên làm cho bệnh TCM tăng cao, lây lan nhanh trong thời gian vừa qua tại Bắc Cạn.

Xếp ngay sau Bắc Cạn là thành phố Hải Phòng. Theo thống kê của ngành y tế địa phương, trong sáu tháng đầu năm, toàn thành phố có 4.738 trường hợp mắc bệnh TCM. Trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ chưa phát hiện trường hợp nào, 14 quận, huyện còn lại của thành phố đều xuất hiện bệnh TCM. Cao nhất là huyện Thủy Nguyên với 757 trường hợp, huyện Vĩnh Bảo 525 trường hợp, An Lão 473 trường hợp, Kiến Thụy 446 trường hợp... Trong số trẻ em mắc TCM, có tới hơn 91% là trẻ dưới năm tuổi. Riêng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho 2.465 trẻ em mắc TCM, trong đó có tới 68 trường hợp mắc bệnh ở mức độ ba. Bệnh viện đa khoa Kiến An và bệnh viện đa khoa các quận, huyện cũng tập trung điều trị cho các trường hợp mắc bệnh TCM ở mức độ một và 2a, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Thời gian qua, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có những diễn biến phức tạp. Các trường hợp mắc bệnh tăng lên từng ngày, mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và địa phương. Ðiều đáng lo ngại là nhiều ổ dịch TCM đã xuất hiện ở các nhà trẻ. Hiện nay, Hòa Bình là tỉnh có số ca ghi nhận mắc bệnh đứng thứ tư của miền bắc. Nguyên nhân làm cho bệnh TCM diễn biến phức tạp và lây lan rộng là do công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn như bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, nhất là tỷ lệ người lành mang trùng lên đến tới 50,5%...

Ðể phòng, chống bệnh TCM, hiện nay các ngành chức năng và các địa phương đã và đang tích cực cử cán bộ y tế xuống các địa bàn hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống. Ðồng thời, các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến cơ sở chuẩn bị đầy đủ thuốc men, giường bệnh để khám chữa bệnh kịp thời cho những bệnh nhân mắc bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt các công tác phòng, chống dịch bệnh, TP Hải Phòng đã cấp 2,3 tỷ đồng đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, thuốc, hóa chất, phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế Hải Phòng cùng các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về cách phòng, chống bệnh TCM, nhất là trong hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, các khối đoàn thể thanh niên, phụ nữ, trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và các địa bàn dân cư... Cùng với đó, thành phố chỉ đạo khử trùng tại các ổ dịch, xử lý môi trường ở các bãi rác, bãi thải, Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng tăng lượng Cloramin B trong nước máy, tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương...

Các đơn vị chức năng của ngành y tế Hòa Bình đang tổ chức giám sát, hướng dẫn xử lý những nơi mới phát sinh bệnh; tổ chức trực dịch 24/24 giờ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống; thực hiện điều trị kịp thời cho người bệnh. UBND tỉnh Hòa Bình đang yêu cầu các đơn vị chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch; tuyên truyền cách phòng, chống đến người dân. Ðồng thời, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhất là các gia đình có trẻ dưới năm tuổi. Các đoàn thể xã hội cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác, đưa việc phòng, chống dịch vào nội dung trong các đợt sinh hoạt; chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, vật tư, cán bộ chuyên môn, bố trí khu cách ly, sẵn sàng nhận người bệnh điều trị, giảm tới mức thấp nhất các trường hợp biến chứng, tử vong...

Theo dự báo, bệnh TCM có nguy cơ tiếp tục lây lan mạnh vào tháng 9 và tháng 10 tới, khi các em học sinh chính thức bước vào năm học mới. Tránh nguy cơ này, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ngành y tế địa phương và các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh của nhân dân; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, để đáp ứng yêu cầu phòng và điều trị bệnh.

10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc/100 nghìn dân cao nhất

STTĐịa phươngSố mắcTỷ lệ mắc/100 nghìn dân
1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Bắc Cạn

Hải Phòng

Đà Nẵng

Yên Bái

Bà Rịa-Vũng Tàu

Hòa Bình

Lào Cai

Lạng Sơn

Đồng Tháp

Vĩnh Phúc

859

4809

2261

1881

2081

1487

1152

1310

2324

1341

279.6

251.0

244.0

243.2

200.6

181.1

180.1

171.8

133.9

128.5

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

(Nguồn: nhandan.org.vn)

In bản tin