Mùa mưa, số ca sốt xuất huyết tăng nhanh

Cập nhật: 30/7/2012 | 12:52:29 PM

Hiện đang vào những tháng cao điểm mùa mưa ở các tỉnh phía Nam, theo thống kê của một số địa phương cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh. Y tế các địa phương đang tỏa xuống địa bàn tìm biện pháp giúp dân.

Khánh Hòa: Số ca mắc nhiều nhất khu vực miền Trung

Theo báo cáo của Trung tâm YTDP Khánh Hòa, bệnh SXH xuất hiện rải rác từ đầu năm với số mắc từ 40 - 70 ca/tuần. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở lại đây, số ca mắc tăng mạnh. Hiện trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 80 - 100 ca mắc mới, riêng trong tuần đầu tiên của tháng 7/2012 có đến 160 ca. Hiện tổng số ca mắc SXH trên toàn tỉnh là 1.176 ca, cao nhất khu vực miền Trung.
 
Số ca bệnh xuất hiện ở khắp 8/9 huyện, thị, thành phố; trong đó, địa phương có số mắc cao nhất là Ninh Hòa với 377 ca, Nha Trang 339 ca, Diên Khánh với 195 ca. Đáng chú ý, năm nay, số bệnh nhân SXH độ 3, 4 nhiều hơn những năm trước; có trường hợp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở, co giật, xuất huyết tiêu hóa... Hiện ngành y tế các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh; tuy nhiên người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp để tự phòng bệnh và diệt lăng quăng.
 Hướng dẫn người dân diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH.  Ảnh: Thanh Tâm

Vĩnh Long: Số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước

 

Theo Trung tâm YTDP tỉnh Vĩnh Long, bệnh SXH hiện đã vào mùa. Theo thống kê của trung tâm, từ đầu năm đến nay, bệnh rải đều trên địa bàn 8 huyện, thành phố, số ca mắc luôn cao hơn so cùng kỳ. Đặc biệt, khi mùa mưa bắt đầu, số ca bệnh luôn vượt ngưỡng “đường cong dự báo dịch”. Trước tình trạng bệnh SXH tăng cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch, từ ngày 15/6, Trung tâm YTDP Vĩnh Long đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và dập dịch trên diện rộng.
 
Ông Huỳnh Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Vĩnh Long cho biết, mặc dù người dân đều hiểu nhưng ý thức thực hiện chưa cao. Cụ thể, qua chiến dịch diệt lăng quăng vừa rồi, theo khảo sát của ngành, mật độ hộ gia đình có lăng quăng và muỗi vẫn ở mức cao. Đây là điều thách thức trong công tác phòng chống bệnh SXH hiện nay.

Cà Mau: Gần 1.000 người mắc SXH

Toàn tỉnh Cà Mau có gần 1.000 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu ở các địa phương: TP. Cà Mau 104 ca, huyện Trần Văn Thời 288 ca, huyện Thới Bình 55 ca, huyện Phú Tân 95 ca và huyện Đầm Dơi 192 ca. SXH cũng đang gia tăng nhanh với số lượng ca mắc là 847 ca: TP. Cà Mau 166 ca, huyện Trần Văn Thời 117 ca, huyện Cái Nước 144 ca...
 
Tại TP. Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 90 ca SXH, ngành y tế đã phát hiện 17 ổ dịch nhỏ nằm rải rác ở hầu khắp các xã, phường. Bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, không có trường hợp nào tử vong do SXH, ngành y tế Cà Mau còn kịp thời phun thuốc dập dịch không để bùng phát, lây lan ra diện rộng.  Đang bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa, môi trường ẩm ướt, đây là điều kiện thuận lợi để phát sinh lăng quăng sinh ra muỗi truyền bệnh.
 
Vì thế, ngành y tế Cà Mau đã chủ động phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng bằng cách tuyên truyền diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng các biện pháp dân gian. Đồng thời chia thành từng nhóm nhỏ vào hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiểm tra dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng bằng các biện pháp dân gian, thu gom các vật dụng phế thải xung quanh nhà đọng nước, đồng thời phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quang tại địa bàn dân cư.  

 

(Nguồn: Sức khỏe & Đời sống)

In bản tin