Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân: Vì sao nhiều người chưa mặn mà?

Cập nhật: 3/8/2012 | 7:45:36 AM

Nếu so với các tỉnh, thành trong nước, diện phủ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh cao hơn, với 75% dân số có thẻ (trung bình cả nước là 64%). Tuy nhiên, phần lớn số thẻ mới chỉ tập trung ở đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, đối tượng chính sách, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các xã thuộc chương trình 135... và đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Còn với người dân bình thường, nhất là ở khu vực nông thôn, việc vận động họ tham gia BHYT khá khó khăn.

Những nỗ lực

Có thể khẳng định, trong những năm qua, nhất là từ khi Luật BHYT chính thức được áp dụng (1-10-2009), ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua thẻ BHYT. Ngoài tuyên truyền tại chỗ, tuyên truyền trong các cơ sở y tế trên địa bàn, Bảo hiểm xã hội tỉnh còn phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến những quy định, lợi ích của việc tham gia BHYT. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã in ấn, phát hơn 14.000 tờ rơi, hơn 340 áp phích để phát cho các huyện thị, cơ sở y tế. Bảo hiểm y tế tuyến huyện cũng được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các xã, các ngành của huyện để tuyên truyền trên hệ thống loa, đài của địa phương. Về phía các bệnh viện, trung tâm y tế  cũng tăng cường hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ phục vụ khám, chữa bệnh BHYT. Thậm chí, nhiều bệnh viện còn bố trí thêm bàn khám, người đón tiếp, hướng dẫn cho bệnh nhân có thẻ BHYT như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy… Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện đầy đủ việc rà soát, cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người có công… trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã chi 70 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách. Các đối tượng khác như: Hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên… cũng được hỗ trợ một phần để mua thẻ BHYT kịp thời. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã phát hành được gần 860.300 thẻ bảo hiểm y tế.

Nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ phải chi trả viện phí khá cao cho mỗi ca phẫu thuật. (Ảnh: Phẫu thuật xương đùi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy).
Nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ phải chi trả viện phí khá cao cho mỗi ca phẫu thuật. (Ảnh: Phẫu thuật xương đùi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy).

Người dân vẫn chưa mặn mà

Mặc dù BHYT của tỉnh đã phủ tới 75% dân số, nhưng lại rơi vào những đối tượng được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn, đối tượng bắt buộc tham gia. Thậm chí, với người thuộc hộ cận nghèo, được hỗ trợ tới 50% chi phí mua BHYT thì số lượng tham gia cũng chỉ chiếm hơn 7%, được 2.428 thẻ; trong khi đó, toàn tỉnh có hơn 9.000 hộ cận nghèo với gần 34.000 khẩu. Tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp là do đời sống của họ còn nhiều khó khăn. Với họ, số tiền vài trăm nghìn cũng là cả một gia tài lớn. Bởi vậy, khi thấy sức khoẻ còn đảm bảo, họ không thiết tha mặn mà tham gia BHYT. Người thuộc hộ cận nghèo đã vậy, với học sinh, sinh viên thuộc diện đối tượng bắt buộc, việc tham gia BHYT cũng chưa đạt hết chỉ tiêu. Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có khoảng 229.000 học sinh, sinh viên thuộc các khối phổ thông, giáo dục thường xuyên, dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên nghiệp; song chỉ có gần 172.900 người tham gia BHYT.

Nếu những đối tượng trên, việc vận động mua BHYT đã khó thì đối tượng tự nguyện lại càng khó hơn, nhất là ở những gia đình thuộc nhóm làm nông, lâm, ngư nghiệp, người lao động tự do… Đến nay, toàn tỉnh mới có gần 88.500 người thuộc nhóm này mua thẻ BHYT; trong đó nhiều người  mua thẻ vì  mắc các bệnh mãn tính, bệnh nặng. Ngoài nguyên nhân hoàn cảnh gia đình khó khăn, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện chưa cao là do công tác tuyên truyền về BHYT chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù ngành Bảo hiểm xã hội đã tăng cường hơn trong việc phối hợp với các ngành, địa phương làm công tác tuyên truyền, nhưng số đợt, số lượng còn thấp dẫn đến người dân chưa hiểu được ý nghĩa nhân văn của BHYT trong chia sẻ cộng đồng giữa người khoẻ và người ốm và đề phòng cho chính mình. Trong khi đó, mạng lưới làm công tác BHYT hiện nay mới đến được tuyến huyện. Còn ở tuyến xã chỉ có các đại lý, nhưng nơi đăng ký mua thẻ lại không thống nhất. Nguyên nhân là do Bảo hiểm xã hội tỉnh phân cấp cho bảo hiểm xã hội tuyến huyện tự ký hợp đồng mở đại lý lập danh sách, bán bảo hiểm y tế ở tuyến xã. Do đó có tình trạng, nơi thì ký với UBND xã, nơi lại ký với hội phụ nữ hoặc trạm y tế. Điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu nhưng cũng không biết mua thẻ BHYT nơi đâu.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII đã thông qua Nghị quyết Quy định mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập do địa phương quản lý. Theo đó, có tới 428 dịch vụ điều chỉnh giá với mức áp dụng trung bình 82% khung giá tối đa theo quy định của Thông tư liên tịch 04 giữ Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Như vậy, hầu hết các dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh sẽ tăng giá đáng kể. Khi ốm đau, chi phí khám chữa bệnh của người dân sẽ rất cao nếu không có BHYT hỗ trợ. Bởi thế, việc thực hiện BHYT toàn dân hiện nay có ý nghĩa rất lớn, nhưng để thực hiện được tốt hay không phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương.

Thu Nguyệt
 

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Đồng chí Ngô Văn Chiến, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh: “Rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương”
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến công tác BHYT cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, tuy tỷ lệ dân số của tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế cao so với nhiều tỉnh, thành khác nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa tham gia BHYT, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong bối cảnh giá nhiều dịch vụ y tế hiện nay tăng lên, việc tham gia BHYT tự nguyện sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khi chẳng may ốm, đau phải khám, điều trị bệnh. Trước thực tế hiện nay mạng lưới cán bộ làm công tác BHYT chưa thể phủ đến được tận các thôn bản, khu phố, chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống bảo hiểm các huyện, thị, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân. Chúng tôi luôn mong nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để tỉnh hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 mà Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.

Bác sĩ Bùi Văn Được, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Thịnh (Hải Hà): Phải có kinh phí để tuyên truyền
Quảng Thịnh là xã miền núi của huyện nên số người được Nhà nước hỗ trợ BHYT khá lớn. Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2012, xã có 1.059 lượt người đến khám, chữa bệnh tại Trạm bằng BHYT. Bảo hiểm xã hội của huyện cũng hợp đồng với nhân viên y tế của trạm để bán thẻ BHYT tự nguyện cho người dân, song số đối tượng mua không đáng kể. Ngay cả với 29 hộ cận nghèo của xã được hỗ trợ tới 50% chi phí mua thẻ thì cũng chỉ có 20 hộ tham gia mua, nhưng cũng không hết cho các thành viên trong gia đình. Mặc dù trạm đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, song các đợt tuyên truyền còn manh mún, chưa theo chủ đề mà chủ yếu lồng ghép trong các chiến dịch như: Tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khoẻ sinh sản… Nguyên nhân, một phần là do trạm không có kinh phí để tổ chức tuyên truyền riêng về bảo hiểm y tế. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng không hỗ trợ trạm kinh phí tuyên truyền, vận động người dân.

Anh Vũ Văn Tâm, 32 tuổi, khu 1, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên: “Chi tiêu còn hạn chế nên khó mua thẻ BHYT”
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Có chút năng khiếu nên tôi chọn làm nghề vẽ tự do. Thu nhập từ nghề này không ổn định, bấp bênh. Tháng nào có hợp đồng hoặc bán được tranh thì cũng chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng. Hơn nữa, khoản tiền này còn phải chắt chiu lo cho cuộc sống của gia đình có 7 miệng ăn. Dù biết rõ những lợi ích do BHYT mang lại nhưng tôi thấy sức khoẻ của mình hiện nay khá ổn định nên việc tham gia BHYT là chưa thực sự cần thiết. Thêm nữa, nếu mua thẻ BHYT tôi sẽ phải trích một phần không nhỏ từ  thu nhập kiếm được nên hiện tôi chưa thể tham gia mua thẻ.

Đồng chí Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Hạ Long: “Đảm bảo quyền lợi sát sườn cho người dân”
Những năm gần đây, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều. Bởi so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, thành phố được đánh giá là nơi có trình độ dân trí cao, khá đồng đều. Tính đến 30-7-2012, số người tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn thành phố là 26.517 người. Nhằm giúp người dân hiểu và nắm bắt được quyền lợi khi tham gia BHYT, BHXH thành phố đã phối hợp với các phường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo người dân trong các buổi sinh hoạt phường hay họp tổ dân, khu phố. Bên cạnh đó, để triển khai Luật BHYT và các văn bản liên quan quy định về đối tượng, quyền lợi, mức đóng BHYT đối với các đối tượng trong xã hội, hằng năm, chúng tôi đã cấp phát hàng trăm tờ rơi về “Những điều cần biết về BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo”); hàng chục tờ áp phích tại 21 cơ sở y tế trên địa bàn...


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin