Chuyển hóa các tế bào máu thành tế bào gốc: Bước đột phá mới của y học

Cập nhật: 1/10/2012 | 7:47:25 PM

Công nghệ tế bào gốc là một bước đột phá của y học hiện đại, đã mở ra cho nền y học những hướng mới và hy vọng mới trong việc chữa trị. Kể từ khi tìm ra tế bào gốc, các nhà khoa học không ngừng tìm cách để có thể tạo ra loại tế bào này và ứng dụng nó trong điều trị các căn bệnh nan y .

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, thành tựu quan trọng nhất của các nghiên cứu về tế bào gốc đó là việc nhân bản tế bào gốc mà không cần lấy từ tế bào phôi thai. Và cho đến nay, các phương pháp tạo tế bào gốc chủ yếu từ 4 nguồn chính. Nguồn thứ nhất là từ các phôi thai đang phát triển.
 
Nguồn thứ 2 là tách trực tiếp tế bào gốc từ các mô của cơ thể trưởng thành như mô máu, tủy sống, mô thần kinh…; Nguồn thứ 3 là sử dụng các chủng virut đặc biệt để tác động và chuyển hóa các tế bào của cơ thể trưởng thành thành tế bào gốc; Nguồn thứ 4 được áp dụng gần nhất là tách các tế bào gốc từ dây rốn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tất cả các phương pháp trên đều gặp phải những trở ngại như đạo đức, nguồn cung tiềm ẩn nguy cơ đột biến gene và giá thành cao nên việc áp dụng rộng rãi trong điều trị y học là vô cùng khó khăn. 
 Ảnh: Minh họa

Trước tình trạng trên các nhà nghiên cứu tại Viện Johns Hopkins (Mỹ), đã nghiên cứu và thành công trong việc ứng dụng phương pháp mới để chuyển hóa các tế bào máu thành tế bào gốc đây là một bước đột phá mới cho việc áp dụng rộng rãi tế bào gốc vào việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh nan y. Phương thức tạo tế bào gốc hoàn toàn khác biệt nhờ nguồn máu được rút ra trực tiếp từ cơ thể người bệnh.

Bình thường các tế bào chuyên biệt của cơ thể không thể thay thế được nhờ vào các quá trình tự nhiên nếu chúng bị hư hại nghiêm trọng hay mắc bệnh. Tế bào gốc được dùng để tạo ra những tế bào chuyên biệt khỏe mạnh và có đầy đủ chức năng, thay thế những tế bào bị chết hay hoạt động sai lệch. Việc thay thế tế bào bị bệnh bằng tế bào lành mạnh, được gọi là liệu pháp tế bào, tương tự như tiến trình cấy ghép cơ quan, thay vì cấy ghép cơ quan thì chỉ cấy tế bào.
 
Ví dụ đối với bệnh Parkinson, tế bào gốc được dùng  để  tạo một loại tế bào thần kinh  đặc biệt tiết ra dopamine (Dopa/ dopamine: một amino axit bất thường dùng trong  điều trị  bệnh Parkinson). Những tế bào thần kinh này, trên lý thuyết có thể được cấy ghép vào bệnh nhân; tại đó chúng sẽ thiết lập lại mạng lưới thần kinh và phục hồi chức năng, trong điều trị căn bệnh này.

Sau khi nghiên cứu thành công phương pháp chuyển hóa các tế bào máu thành tế bào gốc, hiện chất lượng của các tế bào được tạo ra vẫn đang trong quá trình kiểm tra. Nhưng phương pháp mới đã mở ra khả năng to lớn trong việc sử dụng tế bào gốc để chữa trị cho nhiều nhóm bệnh lý khác nhau như: gãy xương, thoái hóa xương; nhồi máu cơ tim; đái tháo đường; Pakinson; da liễu: như liền sẹo, làm đẹp… Nghiên cứu này đã đem lại nhiều hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y và có thể thay thế được các bộ phận cơ thể bị lão hóa.   

(Nguồn: Sức khỏe& Đời sống)

In bản tin