Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 (24-28/9) Ấn tượng Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Cập nhật: 1/10/2012 | 8:05:04 PM

Một tuần làm việc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã khép lại. Một tuần làm việc hào hứng với các chương trình nghị sự dày đặc, gần như không còn để hở khoảng trống, với các sự kiện bên lề diễn ra vào giờ ăn trưa hoặc chiều tối. Các đại biểu trong đó có Bộ trưởng Y tế của 22 nước trong khu vực, đã tụ họp tại Việt Nam trong tiết trời thu để cùng bàn thảo các vấn đề sẽ quyết định vận mệnh sức khoẻ cho 1,8 tỷ người dân trong khu vực.

Tây Thái Bình Dương: Tăng tốc các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG)

Hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới Tây Thái Bình Dương diễn ra lần này trùng với Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở New York. Tại New York, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon các vấn đề sức khoẻ toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO cũng đã gửi thông điệp tới hội nghị, trong đó biểu dương những thành tựu của khu vực: “Khu vực đã mang đến những thông tin vui cho thế giới. Tây Thái Bình Dương sắp trở thành khu vực thứ hai của WHO, sau châu Mỹ, được chứng nhận là đã loại trừ sởi. Tỷ lệ sởi đã giảm xuống mức ấn tượng. Năm nay chỉ có 2 ca tử vong vì sởi tại khu vực, giảm đến 99% so với năm 2003. Các nước trong khu vực đã đạt tiến bộ lớn trong giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 2%. Thậm chí những mục tiêu đầy tham vọng đã được đề ra cho tới năm 2017”.

Các đại biểu tại Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63. Ảnh: T.Minh.

Có thể nói, các thành tựu đạt được trong khu vực nhờ nỗ lực của Trung Quốc, quốc gia chiếm đến 75% dân số khu vực (trên 1,344 tỷ dân) trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và bao phủ y tế toàn dân. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng góp phần vào mục tiêu chung của khu vực.

TS. Margaret Chan cũng nêu rõ “Các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) đã cho chúng ta thấy rằng sức khoẻ được đặt vị trí cao trong bất kể chương trình phát triển nào”. Thời hạn hoàn thành MDG là vào năm 2015. Cho tới nay, Trung Quốc, các đảo quốc cùng 3 nước Đông Dương nhờ phát triển hệ thống y tế, đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ ban đầu, bao phủ y tế và tiêm chủng mở rộng đã góp phần tăng tốc cho tiến độ MDG. Việt Nam là nước đã hoàn thành sớm trước thời hạn tất cả các MDG.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc còn biểu dương khu vực vì nỗ lực phòng ngừa các bệnh không truyền nhiễm hiện đang đe doạ sức khoẻ cư dân toàn cầu, mà điển hình là quyết tâm giảm tỷ lệ hút thuốc lá. “Tây Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên đưa ra mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá. Các bạn đã đưa ra bản báo cáo xem liệu các nước trong khu vực có thể giảm hút thuốc thường xuyên 10% vào năm 2014. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc thực hiện đầy đủ Hiệp định khung Kiểm soát Thuốc lá sẽ là cú hích phòng ngừa các bệnh không truyền nhiễm đơn giản mà hữu hiệu nhất.”

Nỗ lực cho vận mệnh sức khoẻ của 1,8 tỷ người dân

Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh mang ý nghĩa trọng đại khi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang trong tiến trình cải cách để đáp ứng với các nhu cầu của thời đại mới nhằm biến ngôi nhà của Tổ chức Y tế Thế giới thành ngôi nhà chung của nhân loại trong thế kỷ 21 cho các cư dân khoẻ mạnh trên hành tinh. Các bệnh dịch mới nổi như SARS, H1N1,..rồi các thảm hoạ như động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vừa qua cho thấy WHO cần một cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực dập dịch hay cứu trợ nhân đạo, giải quyết khủng hoảng. Rồi mục tiêu trợ giúp của WHO cũng hướng tới các chương trình ưu tiên trọng điểm của từng nước. Điều này đòi hỏi WHO phải có một cơ chế tài chính linh hoạt và một tầm nhìn cũng như chiến lược mới. Chính vì vậy, mà trong kỳ họp lần này, các nước đảo quốc cùng các quốc gia phát triển như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,..cùng nhau bàn bạc, chia sẻ các vấn đề y tế của từng nước cũng như ưu tiên của họ để WHO có thể phân bổ ngân sách chương trình và điều phối các nguồn lực một cách hữu hiệu nhất, nhằm mang lại sức khoẻ và thịnh vượng cho 1,8 tỷ cư dân của khu vực.

Có thể nói, các quốc đảo như Samoa, Solomon, Marshall, Micronesia, Papua New Guinea, Vanuatu, Tokelau, Fiji,…đã đóng vai trò rất tích cực tại các diễn đàn. Với phần đông Trưởng đoàn là các Bộ trưởng Y tế, các đảo quốc xinh đẹp nơi tràn ngập gió và sóng biển đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới các vấn đề sức khoẻ của khu vực. Với đa phần các đảo là các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, các bờ biển tuyệt đẹp ở Thái Bình Dương, thì việc gìn giữ môi trường xanh, trong lành, và cứu giúp cư dân khỏi các bệnh dịch là điều quan trọng sống còn, góp phần thu hút khách du lịch và phát triển bền vững. Các đảo quốc đã lồng ghép tầm nhìn của WHO vào chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2018 và cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến. Chẳng hạn như đối với vấn đề an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp…, các chuyên gia WHO, FAO cùng một số nước khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, đánh thuế các thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ, thắt chặt quản lý đồ ăn sẵn và đồ ăn vặt bán cho học sinh, hướng dẫn người dân có lối sống lành mạnh. Đặc biệt, dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ em được Bộ trưởng các nước Tây Thái Bình Dương đặt tầm quan trọng, vì nó sẽ quyết định sức khoẻ của thế hệ tương lai sau này. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời của trẻ em, trong đó có việc bú sữa mẹ, chế độ giảm muối và transfat, sẽ góp phần giảm nguy cơ các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường, huyết áp,..sau này. Nếu làm được điều đó, sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan của xã hội tương lai.

Một nội dung nữa hết sức quan trọng là bao phủ y tế toàn dân, mà Tổng giám đốc Margaret Chan đang đệ trình lên LHQ để tiến tới đưa ra Nghị quyết Đại hội đồng LHQ về BHYT toàn dân. Theo bà Margaret: “WHO và các quốc gia thành viên đang đối mặt với hai nhiệm vụ lớn là cải cách WHO và đưa sức khoẻ vào chương trình phát triển sau năm 2015. Một trong những cách tốt nhất để ứng phó với các thử thách như MDG, biến đổi khí hậu, thiên tai thảm hoạ, giá y tế tăng cao, giá lương thực tăng, lão hoá,…là đưa BHYT toàn dân vào chương trình phát triển sau năm 2015.”

Cũng theo bà Margaret Chan, tài liệu Lancet đưa ra chỉ rõ những tác động tích cực của BHYT đối với sức khoẻ toàn dân, và đưa ra những bài học làm thế nào để cải cách tài chính công có thể thực hiện tại các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Phong trào toàn cầu tiến tới BHYT toàn dân có thể là bước chuyển vĩ đại thứ ba trong y tế, sau bước chuyển nhân khẩu học vào cuối thế kỷ 18 và bước chuyển dịch tễ học bắt đầu vào thế kỷ 20. Chiến lược tài chính y tế của khu vực sẽ đóng góp vào bao phủ y tế toàn dân như tầm nhìn phát triển hệ thống y tế ở Tây Thái Bình Dương.

Tại khu vực, Hàn Quốc là quốc gia đã hoàn thành bao phủ BHYT 100% vào năm 1998, sau 12 năm thực hiện. Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ trong việc bao phủ đến 80%, Việt Nam: 64% và đề ra mục tiêu 90-95% trong tương lai, Nhật: 100%; Singapore: 90%. Australia hàng năm chi đến trên 120 tỷ USD (chiếm đến trên 9% GDP) cho y tế, trong đó 100% chi phí tại bệnh viện, 75% chi phí khám bệnh được nhà nước bao cấp. Hội nghị 63 lần này thực sự là một diễn đàn lớn để sẻ chia nhằm đưa toàn khu vực tiến về phía trước trong việc mang lại sức khoẻ cho thế hệ tương lai.

Việt Nam ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế

Kỳ họp lần này thực sự ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam thân thiện, hiền hoà, mến khách. Tiết mục những ca khúc quốc tế được chơi trên đàn bầu và các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam thể hiện tình đoàn kết khi 35 quốc gia thành viên cùng tụ họp tại thủ đô ngàn năm văn hiến. Việc lễ khai mạc diễn ra ở Nhà Hát Lớn, một công trình kiến trúc đẹp mang ý nghĩa văn hoá đã mở màn cho một tuần làm việc đầy hứng khởi và hiệu quả. Tại phiên làm việc đầu tiên của kỳ họp, tất cả các Trưởng đoàn trong đó có các Bộ trưởng Y tế đều chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hội nghị và bày tỏ tình cảm sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Sau khi kết thúc kỳ họp, các Bộ trưởng đều đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Hội nghị và cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thể hiện rất xuất sắc khả năng của mình. Thậm chí, Uỷ ban khu vực còn đưa ra một Nghị quyết để ghi nhận những đóng góp của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị, và đại diện các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ đã tham gia đóng góp cho Hội nghị.

Không chỉ là một diễn đàn y tế lớn bàn thảo các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu, đây còn là một diễn đàn của hợp tác, phát triển, của tình hữu nghị và tinh thần đoàn kết. Các quốc gia cùng chia sẻ một đại dương: Thái Bình Dương đã thảo luận các vấn đề y tế trong tình hữu nghị ấm áp, xen lẫn với những tiếng cười và đùa vui dí dỏm. Không chỉ chia sẻ với các bạn bè quốc tế các thành công trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mà Việt Nam còn chia sẻ với các bè bạn một nền văn hoá truyền thống. Bộ trưởng Y tế Brunei – Pehin Dato Adanan Yusof đã nhận xét: “Việt Nam luôn dẫn đầu danh sách địa điểm mà người ta muốn ghé thăm. Đất nước này là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn gìn giữ những giá trị lịch sử và di sản văn hoá giàu truyền thống. Chúng tôi chỉ cần nhìn xung quanh là có thể thấy sự duyên dáng và thanh lịch của Hà Nội. Như rặng tre, một trong những biểu tượng của Việt Nam, người ta trông có thể mỏng manh, duyên dáng và có thể bị gió cuốn đi. Nhưng ngược lại, người Việt Nam lại là một dân tộc mạnh mẽ, nghị lực và đầy quyết tâm, giống như một bụi tre, biểu tượng cho tình đoàn kết. Đó là tình đoàn kết đã đưa đất nước tới như ngày hôm nay. Chúng tôi mong muốn được học hỏi từ kinh nghiệm của đất nước các bạn về những thành công và tiến bộ đặc biệt trong lĩnh vực y tế.”

Tinh thần hữu nghị, đoàn kết đã được Việt Nam thể hiện rất ấm áp qua việc tổ chức một mạng lưới tình nguyện viên từ các bệnh viện, các trường Đại học Y, Dược để làm cán bộ liên lạc và hướng dẫn cho các đoàn gồm 400 đại biểu quốc tế. Thậm chí sát đến ngày khai mạc, các đại biểu chưa đăng ký làm thủ tục visa (theo quy định phải mất 1 tuần) vẫn được Bộ Ngoại giao Việt Nam giải quyết nhanh gọn. Chuyến tham quan tới một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới: Vịnh Hạ Long như một luồng gió mới mang tới cho các đại biểu sau một tuần làm việc căng thẳng. Và quà tặng cho các đại biểu là một cuốn sách dày song ngữ Anh-Việt “Thăng Long ngàn năm Văn hiến” sẽ là kỷ niệm lưu dấu ấn trong trái tim các bè bạn quốc tế về một thành phố hiền hoà nơi đã diễn ra các phiên thảo luận quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương.


(Nguồn: Sức khỏe& Đời sống)

In bản tin