Không có gì bất thường!
Ngày 29/8/2011 Tổ chức FAO cảnh báo sự tăng trở lại của dịch cúm A/H5N1 ở các đàn chim và gia cầm do có sự biến đổi, lây truyền và lưu hành phổ biến của vi rút cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2 ở nhiều nước châu Á. Vi rút biến đổi này có đặc điểm di truyền giống với các vi rút 2.3.2 được phân lập trước đó (từ năm 2004) ở Đài Loan, Hồng kông và nam Trung quốc. Tại Việt Nam, ở các tỉnh phía Bắc có sự lưu hành chủ yếu vi rút cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2 ở các đàn gia cầm thi ở các tỉnh phía Nam vẫn lưu hành chủ yếu vi-rút cúm A/H5N1 phân nhóm 1.
“Sự biến đổi nhỏ này của vi-rút cúm gia cầm không có gì bất thường và đáng ngạc nhiên. Trong qua trình tiến hóa trong tự nhiên của vi-rút, đặc biệt khi vi-rút này thường xuyên lưu hành ở gia cầm. Và sự biến đổi này chưa đủ để tạo ra một chủng vi-rút mới”, TS Hiển nói. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, vẫn cần phải tăng cường giám sát vi-rút đang lưu hành ở gia cầm để sớm phát hiện ra sự thay đổi của vi-rút và đưa ra các chiến lược khống chế dịch phù hợp dịch ở gia cầm và bảo vệ sức khỏe con người.
TS Hiển cũng cho biết, trước cảnh báo của FAO, ngày 30/8/2011, Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo rằng dựa trên các thông tin hiện có, sự biến đổi này của vi-rút không làm tăng các nguy cơ về y tế công cộng đối với con người. Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tản phát và lẻ tẻ ở người, chủ yếu ở khu vực có sự lưu hành của vi-rút ở gia cầm, qua tiếp xúc với gia cầm hay môi trường bị nhiễm vi-rút và chưa có sự lây truyền từ người sang người.
Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ vẫn giám sát các chủng vi-rút cúm ở người, bao gồm cả vi-rút cúm A/H5N1 cho thấy toàn bộ các chủng vi-rút cúm A/H5N1 phân lập ở người trong giai đoạn 2007-2010 thuộc nhóm 2.3.4 (về đặc điểm di truyền cũng như đặc tính kháng nguyên), tương đồng với vi-rút cúm A/H5N1 lưu hành trên gia cầm tại miền Bắc Việt Nam trong cùng giai đoạn. Phân nhóm 2.3.4 đã lần đầu xác định tại Việt nam vào tháng 10/2005 và đã hoàn toàn thay thế cho nhóm 1 (lưu hành tại Việt nam giai đoạn 2003-2005) tại miền Bắc Việt nam. Phân nhóm này cũng được phát hiện tại một số nước trong khu vực : Lào, Nam Trung quốc… Đến nay, chưa phát hiện sự kết hợp, tái tổ hợp của vi-rút cúm gia cầm A/H5N1 và vi-rút cúm theo mùa lưu hành tại cùng thời điểm.
Không nên chủ quan!
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ vẫn rất lo ngại vi-rút có thể tiếp tục có biến đổi nhỏ trong quá trình tiến hóa tự nhiên dần dần thành các biến đổi lớn hay tái tổ hợp với các vi-rút cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng vi-rút cúm mới có khả năng lây truyền từ người sang người. Do đó việc quan trọng cần làm là phải tăng cười công tác giám sát vi-rút cúm ở gia cầm để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và ngăn chặn lây truyền từ gia cầm sang người.
Ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm ở người thường xảy ra vào mùa đông xuân.Trong khi đó, việc dự phòng bệnh rất khó khăn vì vi rút cúm A/H5N1 hiện đang lưu hành ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn vịt dưới dạng lành mang vi rút mà không có biểu hiện bệnh nên người dân không thể biết được là gia cầm đã bị bệnh để đề phòng. Hơn nữa, đã trải qua 17 tháng kể từ ca nhiễm cúm A/H5N1 mới nhất, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm mới trên người dễ khiến ng ười dân sinh tâm lý chủ quan, cho là dịch đã được thanh toán hoàn toàn, mà không thực hiện thường xuyên các biện pháp dự phòng vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân, Ngoài ra, gần đây vi rút đã biến đổi sang phân nhóm 2.3.2 do đó vắc xin không có tác dụng nữa.
Vì thế, để phòng tránh bệnh dịch này, người dân cần phải thực hiện tốt việc vệ sinh trong chăn nuôi,thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng các thuốc sát khuẩn, tiêu huỷ và tiêm vắc xin đối với gia cầm .. Điều này sẽ làm giảm cơ hội con người tiếp xúc với vi rút. Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặng dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 mới. Trường hợp ca mới nhất ghi nhận là đầu tháng 4/2010. Trong các năm từ 2007-2010, mỗi năm có từ 5-7 ca bệnh ở người. Tổng số ca bệnh tích lũy mắc cúm A/H5N1 ở người từ 2003 đến nay ở Việt nam là 119, và tổng số tử vong là 59 người. Các ca bệnh xảy ra lẻ tẻ và tản phát ở các tỉnh, đa số là có tiếp xúc hay ăn thịt hay sản phẩm gia cầm bệnh, tập trung chủ yếu vào mùa đông xuân, chưa có bằng chứng lây từ người sang người.
|