Thờ ơ với hiểm hoạ cúm

Cập nhật: 22/4/2013 | 9:16:23 AM

Những ngày qua, diễn biến về cúm gia cầm đang ngày càng trở nên phức tạp. Ở trong nước, từ đầu năm tới nay đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm tại 15 xã thuộc 4 tỉnh (Khánh Hoà, Tây Ninh, Điện Biên và Kiên Giang). Đặc biệt, trong tháng 4, cúm gia cầm đã xuất hiện trên đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận, đàn chim trĩ ở Tiền Giang và mới đây, một em bé 4 tuổi tại Đồng Tháp đã tử vong vì cúm A/H5N1. Tại Quảng Ninh cũng đã có một ổ dịch cúm H1N1 tại TP Hạ Long nhưng đã được dập kịp thời. Còn tại Trung Quốc, tính đến ngày 18-4 đã có 82 người nhiễm H7N9, trong đó có 17 ca tử vong.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn không ít người dân chủ quan, chưa ý thức hết tầm nguy hiểm của dịch bệnh và thờ ơ với hiểm hoạ.

Mặc dù Quảng Ninh công bố dịch cúm gia cầm đã xuất hiện, song người dân vẫn thờ ơ trước đại dịch khi tại chợ gia cầm vẫn bày bán tràn lan, chủ quầy hàng sẵn sàng giết mổ tại chỗ khi khách có nhu cầu. (Ảnh chụp tại chợ 4, TP Móng Cái).
Mặc dù Quảng Ninh công bố dịch cúm gia cầm đã xuất hiện, song người dân vẫn thờ ơ trước đại dịch khi tại chợ gia cầm vẫn bày bán tràn lan, chủ quầy hàng sẵn sàng giết mổ tại chỗ khi khách có nhu cầu. (Ảnh chụp tại chợ 4, TP Móng Cái).

Gà lậu vẫn qua biên

Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp, các lực lượng chức năng từ trung ương đến tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống gia cầm nhập lậu, chặn các nguồn lây lan. Đặc biệt, tại Quảng Ninh, công tác này càng được chú trọng bởi trên địa bàn tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, nơi cúm H7N9 đang hoành hành. Thế nhưng, trước “siêu lợi nhuận” từ việc buôn lậu gia cầm, nhiều đầu nậu đã bất chấp nguy cơ nhiễm cúm và tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.

Đến thực tế tại Đồn biên phòng Bắc Sơn, TP Móng Cái chúng tôi được Thượng tá Trần Văn Giáp, Chính trị viên, cho biết: “Đồn chúng tôi có chức năng quản lý, giám sát hơn 26km đường biên giới của 3 phường Bắc Sơn, Hải Yên và Ninh Dương thuộc TP Móng Cái. Đây là khu vực có nhiều đường mòn do người dân thường xuyên đi lại để chăm sóc rừng, khu vực rừng sản xuất của dân lại nằm sát đường biên. Trong khi, các đối tượng buôn lậu lại có nhiều hình thức hoạt động khá tinh vi để tránh sự kiểm soát, và lợi dụng những đường mòn này để vận chuyển hàng hoá từ bên kia biên giới vào Việt Nam… nên công tác kiểm tra, kiểm soát hết sức khó khăn”. Quả thật, đi dọc đường biên giới thuộc địa phận TP Móng Cái, chúng tôi đếm không xuể những đường mòn len lỏi từ biên giới vào khu dân cư. Đấy còn chưa kể khu vực biên giới trên biển rất khó kiểm soát. Để ngăn chặn gia cầm nhập lậu, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều giải pháp rất quyết liệt. Lực lượng liên hợp Hải quan - Biên phòng đã tăng cường thêm lực lượng cán bộ kiểm soát, tổ chức tuần tra trên sông Ka Long cả ngày và đêm. Các đồn biên phòng cũng phối hợp tốt với chính quyền địa phương để tuyên truyền, đề cao cảnh giác với các hoạt động khả nghi trên địa bàn. Công an TP Móng Cái cũng đã phối hợp với đội Quản lý thị trường số 4 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, lên danh sách các đối tượng buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm; tổ chức ký cam kết, giám sát, theo dõi, chỉ đạo lực lượng tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường…

Mặc dù vậy, tình trạng buôn lậu gia cầm vẫn tiếp diễn bất chấp cả nguy cơ dịch bệnh và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. Anh Ty Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Móng Cái cho hay: “Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn thành phố, các cơ quan, đơn vị chức năng đã bắt giữ và xử lý 39 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, tiêu huỷ gần 7 tạ gà thịt nhập lậu, gần 100.000 con gà giống và 14.000 quả trứng… Ngay cả khi dịch H7N9 bùng phát ở Trung Quốc thì tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra, các cơ quan chức năng vẫn bắt giữ được gia cầm nhập lậu…”. Cụ thể, ngày 16-4, sau quá trình theo dõi, lực lượng Công an và đội Quản lý Thị trường số 4 TP Móng Cái đã bắt giữ một xe du lịch chở gần 2.000 con chim bồ câu không rõ nguồn gốc được cho là nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam tại địa phận xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái. Và mới đây nhất, lúc 20 giờ 30 phút ngày 17-4, tại Mốc 1371(3) -500, thuộc khu 6, Hải Hoà, TP Móng Cái, Đồn Biên phòng Hải Hoà đã phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển gia cầm từ đò máy lên bờ sông biên giới. Khi bị phát hiện, các đối tượng trên đã lợi dụng trời tối bỏ chạy, để lại tang vật gồm 69 lồng gà (khoảng 5.000 con gà giống) có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tang vật gồm 69 lồng gà (khoảng 5.000 con gà giống) có nguồn gốc từ Trung Quốc bị Đồn Biên phòng Hải Hoà bắt giữ tối ngày 17-4.
Tang vật gồm 69 lồng gà (khoảng 5.000 con gà giống) có nguồn gốc từ Trung Quốc bị Đồn Biên phòng Hải Hoà bắt giữ tối ngày 17-4.

Thờ ơ trước đại dịch

Thực tế cho thấy, hiện nay một số cơ quan chức năng làm công tác kiểm soát gia cầm nhập lậu gặp khó khăn trong công tác xử lý. Theo các đơn vị này, có bắt giữ được xe chở gia cầm nhập lậu thì cơ quan chức năng cũng không tạm giữ lâu được bởi hết thời hiệu thì phải thả; số tiền phạt hành chính chưa đủ răn đe so với lợi nhuận từ việc buôn gia cầm nhập lậu đem lại. Thêm nữa, mặc dù tỉnh đã dành riêng khoảng kinh phí để các đơn vị thực hiện việc tiêu huỷ, nhưng để thanh toán được phần kinh phí này thì phải qua nhiều thủ tục như: Lập biên bản, xác định khối lượng, chứng từ… khiến các đơn vị “cực chẳng đã” tự bỏ kinh phí để thực hiện tiêu huỷ cho sớm, nhằm tránh mầm bệnh lây lan. Còn khi tiếp cận với một số người chuyên buôn gà lậu, chúng tôi được biết 1kg gà thải chỉ có giá 16.000 đồng, khi vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa có thể bán với giá 70.000 đồng/kg. Với lãi “khủng”, tiền phạt nếu bị bắt cũng không nhiều nên dù biết có dịch cúm gia cầm, các đầu nậu vẫn liều mình buôn gà.

Gia cầm nhập lậu thì như vậy, còn thái độ của người dân thì sao? “Mục sở thị” tại một số chợ đầu mối trên địa bàn TP Móng Cái, TP Cẩm Phả và TP Hạ Long, chúng tôi nhận thấy thực trạng là: Gia cầm bày bán tràn lan, muốn mua gia cầm sống bao nhiêu cũng có. Để phục vụ “thượng đế”, chủ quầy hàng sẵn sàng giết mổ tại chỗ khi khách có nhu cầu, rồi nước thải, lông, nội tạng… được vất ngổn ngang, gây ô nhiễm.

Khi được hỏi, hầu hết chủ các quầy hàng đều trả lời rằng: “Gà tôi bán tại chợ này đều có nguồn gốc xuất xứ, do vậy không sợ dịch bệnh gì cả. Anh nhìn lồng gà mà xem, con nào cũng khoẻ mạnh... Người dân hoang mang với dịch cúm cũng chỉ vì có gà nhập lậu về quá nhiều, không đảm bảo mới có bệnh. Nếu có dịch bệnh thì chính chúng tôi mới là người bị nhiễm đầu tiên”. Đó là cái lý của người bán hàng, còn người mua cũng có lý riêng để bỏ qua dịch bệnh và mua gà như: “Nếu nói là dịch, cứ kiêng, cứ tránh”, “Nhiều nhà giết mổ, mua bán gia cầm mà có thấy ai bị sao đâu?”… Và ngay tại các chợ của TP Hạ Long, nơi mà công tác tuyên truyền về dịch cúm gia cầm đang được thực hiện rất tốt thì tình trạng mua bán gia cầm cũng vẫn diễn ra hết sức sôi động. Thậm chí, tại khu vực gần chợ Hạ Long II còn có những người bán gà rong vào buổi sáng. Những gánh gà rong này không hề có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của gia cầm, không có kiểm dịch mà chỉ có lời đảm bảo của người bán: “Gà Quảng Yên mang ra đấy”. Ấy vậy mà vẫn có người mua. Khi chúng tôi hỏi bà Điệp (trú tại khu 4, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) một người đang chọn mua gà, thì được trả lời: “Nhà tôi làm thanh minh, phải có con gà để cúng chứ. Gà Quảng Yên chứ có phải gà lậu đâu mà sợ. Chọn những con gà khoẻ mua dùng chắc yên tâm thôi”.

Theo số liệu từ  Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã có 11 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện ngày 2-4 tại phường Tuần Châu, TP Hạ Long. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng nơi có bệnh nhân mắc bệnh. Thực trạng đó cũng liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo để người dân nhận biết sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Thế nhưng có vẻ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng “bó tay” trước ý thức của một bộ phận người dân. Mặc cúm hoành hành, người bán gia cầm cứ bán, người mua cứ mua và họ vẫn thờ ơ trước dịch bệnh nhiều hiểm hoạ này.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin