Trẻ đầu tiên ở miền Bắc tử vong vì bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 23/9/2011 | 7:31:52 AM

Miền Bắc vừa có bệnh nhi đầu tiên tử vong bị bệnh tay chân miệng. Đang là vụ dịch, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nếu thấy con có một số dấu hiệu của bệnh này phải lập tức đưa đi viện.

Việc phòng bệnh tay chân miệng hiện chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân và khử khuẩn môi trường. Ảnh: P.V
Việc phòng bệnh tay chân miệng hiện chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân và khử khuẩn môi trường. Ảnh: P.V.
 

Hôm qua, TS.Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh nhi đầu tiên tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) tại Hà Nội là cháu gái 3 tuổi (phố Ngọc Hà, quận Ba Đình). Kết quả xét nghiệm dịch tủy cho thấy bệnh nhi dương tính với virus EV71 (virus đường tiêu hóa) gây bệnh TCM.

Điều đặc biệt so với 240 bệnh nhi mắc bệnh TCM điều trị tại bệnh viện Nhi T.Ư từ đầu năm đến nay là bệnh diễn biến nhanh khiến bệnh nhi bị suy cơ tim, phù phổi, phù não.

Bệnh nhi bắt đầu sốt từ ngày 16-9, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 18-9 và được các bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị bệnh TCM mới nhất do Bộ Y tế ban hành với những thuốc hỗ trợ miễn dịch tuần hoàn nhưng cơ thể của bé không đáp ứng với thuốc. Cháu bé tử vong vào trưa ngày 20-9.

TS.Điển cho biết, đây là thể bệnh rất nặng, diễn biến nhanh mà nhiều trẻ nhỏ phía Nam đã mắc và tử vong trong mùa dịch năm nay.

Tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) hiện còn 5 bệnh nhi bị TCM đang điều trị. Chỉ riêng trong tháng 8 và 9 này, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 80 trẻ bị bệnh TCM, trong đó có 3 trường hợp dương tính với virus EV71.

Cần khám khi mới xuất hiện dấu hiệu bệnh

TS.Trần Minh Điển khuyến cáo bệnh TCM thể nhẹ có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên do đang là vụ dịch nên khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh như sốt cao liên tục, nổi các nốt ban đỏ, nốt phỏng cần đưa trẻ đi bệnh viện khám và điều trị. Trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ kê đơn thuốc về nhà dùng, nếu nặng sẽ điều trị nội trú tại bệnh viện.

Thể tối cấp của bệnh TCM đặc biệt nguy hiểm với dấu hiệu sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, giật mình, run người, trẻ đi không vững. Đôi khi có những trẻ đến bệnh viện nhưng bác sĩ không cảm nhận được những cơn run người do thời gian tiếp xúc với bệnh nhi rất ngắn.

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ khi chăm sóc con ốm ở nhà cần theo dõi trẻ liên tục, xem đi kèm với sốt trẻ có những cơn run người, co giật hay không để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh của trẻ chính xác hơn.

Không phải tất cả các bé bệnh tay chân miệng đều có sốt. Những bé sốt thì thường có biến chứng hơn, đặc biệt là có sốt cao liên tục hay sốt liên tiếp hơn 2 ngày. Cách phát hiện sớm là khi trẻ quấy khóc than đau miệng bỏ ăn thì phải tìm hiểu ngay bé có lở miệng không, tìm xem ở lòng bàn tay, bàn chân mông gối có lở bóng nước không.

Với những trẻ nhỏ không biết nói thường có biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, chảy nước miếng nhiều, quấy khóc khi cho ăn là do bé có mụn nước trong miệng làm cho bé đau. Lúc này nên tìm thêm các dấu hiện bóng nước ở những nơi khác. Cách xử trí tốt nhất là theo dõi sát và phát hiện các dấu hiệu biến chứng để mang trẻ đến bệnh viện kịp thời.


(Nguồn: tienphong.vn)

In bản tin