Báo động tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện

Cập nhật: 23/9/2011 | 6:49:14 PM

Theo thống kê của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 600.000/7,5 triệu bệnh nhân nhập viện là nạn nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Tình trạng này hiện đang có xu hướng gia tăng đáng kể và tạo ra một thách thức lớn đối với các bệnh viện, đặc biệt trong thời điểm tình trạng quá tải đang diễn ra phổ biến tại hầu hết các Bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương.

Tỉ lệ NKBV là một tỉ lệ rất quan trọng, phản ánh chuyên môn của một bệnh viện, đồng thời có liên quan đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế. Tỉ lệ NKBV trên toàn thế giới từ 3,5 – 10% tổng số người bệnh nhập viện, và ở bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bị mắc NKBV. 

 

 Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân dẫn đến NKBV. 
(Nguồn ảnh: suckhoedoisong.vn)

Tại Việt Nam, tình trạng bệnh viện quá tải vẫn kéo dài, cơ sở vật chất khám chữa bệnh xuống cấp tạo điều kiện cho nguy cơ nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Vi khuẩn có thể có mặt ở khắp mọi nơi trong bệnh viện, từ phòng mổ đến những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, quần áo, thậm chí, cả nắm cửa phòng, máy điều hòa... nếu không được khử khuẩn. Theo một nghiên cứu mới đây tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhiều nhất là khoa chăm sóc đặc biệt (52%), khoa ngoại (28%), khoa nội (19%). Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), qua nghiên cứu cho thấy, mỗi ca NKBV sẽ kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày, viện phí trung bình mỗi ngày là 192.000 đồng, ước tính chi phí phát sinh do NKBV vào khoảng 2,8-3 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng NKBV, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm nay là nguyên nhân chính dẫn gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các chất thải y tế nếu không được xử lý một cách khoa học cũng sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong việc lây nhiễm. Theo thống kê, có tới 12% chất thải y tế nguy hại có nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế. Các chất thải nguy hại này có thể xâm nhập qua da (qua một vết thủng, trầy xước hoặc vết cắt trên da), qua các niêm mạc (màng nhầy), qua đường hô hấp (do xông, hít phải) hoặc qua đường tiêu hóa. Phương tiện lây truyền từ các chất thải y tế như phân, các chất nôn, các loại dịch tiết, đờm, mủ, máu, tất cả các sản phẩm của máu và dịch tiết… Các chất thải y tế này nếu như không được xử lý triệt để thì khả năng lây nhiễm của chúng cho người khác rất cao.

NKBV hiện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tình trạng này tiếp tục gia tăng có thể gây nên bội nhiễm và cũng là nguyên nhân làm vi khuẩn gây nhiễm trùng ngày càng đa kháng thuốc. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy NKBV làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Để hạn chế tình trạng này, các cơ sở y tế cần có chiến lược giám sát nhiễm trùng bệnh viện. Ngoài ra, việc rửa tay đúng kỹ thuật cũng sẽ giúp loại trừ tối đa vi khuẩn và giảm 50% số ca nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn cũng giảm một nửa. Với vai trò phòng bệnh quan trọng như thế, rửa tay sạch được xem là liều "vaccine” tự chế có hiệu quả cao, giúp cứu sống hàng triệu người./.

(Nguồn: cpv.org.vn)

In bản tin