Yên tâm đưa trẻ đi tiêm phòng

Cập nhật: 20/5/2013 | 7:33:17 AM

Trước tình hình cả nước có không ít trường hợp trẻ gặp biến chứng sau tiêm chủng, thời gian qua, công tác tiêm phòng càng được ngành Y tế coi trọng hơn. Các giải pháp nâng cao chất lượng tiêm chủng đã được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo sát sao và có những cách làm cụ thể.

Các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Cao Xanh (Hạ Long) đã có ghế ngồi chờ, không còn phải đứng như những năm trước đây.
Các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Cao Xanh (Hạ Long) đã có ghế ngồi chờ, không còn phải đứng như những năm trước đây.

Ghi từ Trạm Y tế Cao Xanh

Ngày tiêm chủng mở rộng tháng 4 năm nay, không khí ở Trạm Y tế phường Cao Xanh (TP Hạ Long) khá thoáng đãng dẫu phường có tới 350 trẻ dưới 1 tuổi. Bế con ngồi nghỉ tại phòng theo dõi sau tiêm, chị Lê Thị Thanh Hương, tổ 10, khu 1, phường Cao Xanh cho biết: “Trước đây, mỗi lần đưa đứa đầu nhà tôi đi tiêm đều phải chen nhau. Các ông bố, bà mẹ vây kín bàn tiêm, trời lạnh còn đỡ, mùa hè nóng bức cả y tá, cả trẻ nhỏ và bố mẹ mướt mát mồ hôi. Nhưng đứa thứ hai này lại khác, chúng tôi không phải chờ lâu. Cán bộ y tế tư vấn kỹ về vắc xin, việc theo dõi trẻ sau tiêm. Trước khi tiêm, con tôi còn được cán bộ y tế kiểm tra sức khoẻ”.

Không chỉ chị Hương mà tâm lý thoải mái và yên tâm là nhận xét chung của hầu hết các ông bố, bà mẹ đưa con đến tiêm tại Trạm Y tế phường Cao Xanh theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Bản thân mỗi cán bộ y tế cũng không bị áp lực nặng nề trong ngày tiêm như trước kia. Trạm Trưởng Hoàng Văn Sơn cho biết: “Hơn một năm trở về trước, thực hiện tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, chúng tôi chỉ bố trí vào một ngày. Bởi vậy, lượng trẻ dưới 1 tuổi đổ về đây rất lớn. Các ông bố, bà mẹ bế con chen chúc đợi tiêm nên cán bộ y tế cũng bị áp lực. Trong một bàn tiêm lại có rất nhiều loại vắc xin nên rất dễ nhầm…”. Cũng theo anh Sơn, hơn một năm trở lại đây, thực hiện chỉ đạo từ trên, Trạm đã sắp xếp lại quy trình tiêm. Thay vì đổ dồn tiêm trong 1 ngày, Trạm bố trí tiêm vào 3 ngày 24, 25, 26 hàng tháng. Trong đó, ngày 24 tiêm cho phụ nữ có thai, sáng 25 tiêm cho trẻ mũi sởi, lao (chia 2 phòng tiêm riêng); còn chiều ngày 25 và cả ngày 26 Trạm bố trí tiêm vắc xin Quinvaxem (khi Cục Quản lý dược chưa có quyết định tạm dừng). Do số lượng trẻ tiêm loại vắc xin Quinvaxem đông, Trạm hẹn buổi tiêm theo khu phố. Khi trẻ đến tiêm phòng lao, sổ tiêm chủng được cán bộ y tế gắn lịch tiêm để các gia đình nắm rõ. Bởi vậy, mỗi buổi tiêm, trạm chỉ phải đón tiếp khoảng 40-50 trẻ. Nhờ đó, trong trạm không còn cảnh ùn tắc, bố mẹ trẻ cũng được tư vấn theo dõi trẻ kỹ càng hơn.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Trạm Y tế phường Cao Xanh chỉ là 1 trong 186 trạm y tế tuyến xã trên địa bàn toàn tỉnh đổi mới quy trình tiêm chủng mở rộng nhằm nâng cao chất lượng tiêm. Thạc sĩ Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trước nhiều vấn đề liên quan đến công tác tiêm chủng, năm nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy chủ đề là “Năm nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng” nhằm thúc đẩy các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã chú trọng vấn đề tiêm chủng cho trẻ, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ đi tiêm và hạn chế thấp nhất những biến chứng sau tiêm”.

Được biết, cách đây hơn một năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị y tế chú trọng quy trình tiêm chủng, đảm bảo mỗi buổi chỉ tiêm từ 40-50 trẻ. Bởi vậy, các trạm đã giãn ngày tiêm thay vì chỉ đổ dồn vào 1 buổi tiêm trong tháng như trước đây. Trong ngày tiêm, các trạm bố trí theo mô hình: Phòng đón tiếp để hướng dẫn các bà mẹ đưa con đến tiêm; phòng tiêm; phòng chờ theo dõi phản ứng sau tiêm. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 4 năm nay, phòng tiêm ở các trạm, ngoài bàn tiêm còn  kê thêm bàn tư vấn để tư vấn tại chỗ, sau khi tư vấn, kiểm tra sức khoẻ cho trẻ xong, nếu đủ điều kiện, trẻ được chuyển sang bàn tiêm. Mỗi phòng tiêm đảm bảo cùng lúc chỉ có 1 bà mẹ bế trẻ được tư vấn và 1 trẻ được tiêm. Có như vậy, việc khám, phân loại trẻ tiêm mới kỹ càng hơn, cán bộ y tế không bị áp lực và kiểm soát tốt liều tiêm.

Bên cạnh việc đảm bảo tốt mô hình điểm tiêm tại các trạm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn chỉ đạo các trạm y tế chú trọng kỹ thuật tiêm, quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin. Tất cả các trạm trên địa bàn đều có dây chuyền bảo quản vắc xin như: Tủ lạnh, tủ làm mát, phít đựng vắc-xin, nhiệt kế. Khoa sản của các Bệnh viện cũng được Trung tâm cấp tủ lạnh bảo quản vắc-xin. Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn đều có điện nên việc bảo quản vắc-xin thuận lợi. Với những xã chưa có điện lưới, Trung tâm cấp cho trạm hộp chứa đá (bảo quản văc-xin được khoảng 7 ngày). Thay vì trung tâm y tế tuyến huyện phải đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để lấy vắc xin tiêm chủng như trước, 2 năm trở lại đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp vận chuyển vắc xin đến cấp cho các địa phương nhằm đảm bảo tốt chất lượng vắc xin trong quá trình vận chuyển…

Như vậy, với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng được áp dụng, các gia đình đã hoàn toàn có thể an tâm khi đưa con em mình đi tiêm phòng.


(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)

In bản tin