Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6: Tăng cường năng lực phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững

Cập nhật: 15/6/2013 | 2:25:05 PM

Nhân Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH) 15/6 với chủ đề: “Nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường sự hợp tác của các quốc gia trong phòng chống bệnh SXH tại các nước trong khu vực ASEAN”. Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” cấp khu vực tại Hà Nội. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về tình hình bệnh SXH ở nước ta hiện nay.


Tăng cường năng lực phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững  1TS. Nguyễn Văn Bình.

PV: Hiện nay, SXH là một trong số những nguyên nhân chính gây nên gánh nặng về sức khỏe cộng đồng và là mối quan tâm chủ yếu của lĩnh vực y tế công cộng trên toàn thế giới. Xin TS cho biết tình hình bệnh SXH hiện nay ở nước ta như thế nào? Những thách thức mới của Chương trình phòng chống SXH hiện nay của Việt Nam là gì?

TS. Nguyễn Văn Bình: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SXH hiện lưu hành ở trên 100 quốc gia thuộc các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng lưu hành SXH. Hằng năm có từ 50 - 100 triệu trường hợp mắc bệnh SXH. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây dịch thường xuất hiện rải rác trong năm và số mắc cao vào các tháng 7, 8, 9, 10. Số mắc trung bình hằng năm khoảng 100.000 trường hợp và khoảng 100 trường hợp tử vong mỗi năm.

Hiện nay, chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, những trường hợp SXH nặng điều trị rất khó khăn tốn kém. SXH là bệnh do muỗi truyền, có liên quan chặt chẽ đến diễn biến thời tiết, nhiệt độ tăng, mùa mưa đến sớm, kéo dài và trên diện rộng, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ý thức của cộng đồng về tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống SXH ngay trong hộ gia đình còn chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống SXH.

 Vấn đề xã hội hóa công tác phòng chống SXH gặp rất nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo công tác này nên việc phòng chống dịch vẫn chỉ có ngành y tế thực hiện và việc phối hợp giữa ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể còn rất hạn chế. Kinh phí của các địa phương dành cho công tác chủ động phòng chống SXH chưa được kịp thời và đúng mức, chỉ khi xảy ra dịch mới cấp bổ sung kinh phí.

PV:  Với mục tiêu phòng chống bệnh SXH, chúng ta  đã có những giải pháp gì để vượt qua những thách thức trên, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống SXH tại Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 1998. Chương trình được triển khai tại 45 tỉnh của Việt Nam và từ năm 2006 đến nay đã được mở rộng toàn bộ 63/63 tỉnh, thành. 

Ngày 18/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2406/QĐ-TTg phê duyệt hoạt động phòng, chống SXH thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 – 2015. Các hoạt động chính của chương trình được dựa trên hướng dẫn, chiến lược phòng ngừa và kiểm sóat bệnh SXH của WHO. Cụ thể các nội dung chủ yếu như: chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy/lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động, tuyên truyền vận động, xây dựng mạng lưới cộng tác viên hướng dẫn, vận động từng hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Ngoài ra, chương trình đã huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp vào công tác phòng chống SXH. Các biện pháp chủ yếu là:

 Về công tác y tế dự phòng nhằm giảm tỉ lệ mắc: tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Tổ chức các hoạt động phòng chống SXH tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng; phát hiện, xử lý bọ gậy, tuyên truyền vận động người dân tham gia chống dịch. Dựa trên kết quả giám sát dịch tễ, tổ chức xử lý dịch triệt để trong vòng 48 giờ. Ngăn chặn không để dịch phát triển và lan rộng sang các địa bàn khác.

Công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong: các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị, giường bệnh để kịp thời nhận điều trị bệnh nhân, mở rộng đối tượng tập huấn tại các phòng cấp cứu, phòng khám đa khoa tuyến huyện. Coi trọng chất lượng tập huấn, cung cấp những kiến thức cơ bản và thực tiễn về chẩn đoán, điều trị bệnh.

Tuyên truyền: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, cung cấp những hiểu biết về biểu hiện sớm của bệnh cho các bà mẹ và cộng đồng, điều trị kịp thời và cố gắng không để xảy ra tử vong do SXH.

Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp và phối hợp liên ngành: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh có lưu hành bệnh SXH cao để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, huy động nguồn kinh phí của địa phương cho công tác phòng chống SXH. Bộ Y tế đã, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống SXH.

Phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống SXH.

Đầu tư kinh phí và phối hợp với các viện cho công tác nghiên cứu khoa học về bệnh SXH để có giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Đảm bảo cấp đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống SXH.

Việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên, Chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia đã đạt 3 mục tiêu lớn là giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không để dịch lớn xảy ra, đảm bảo đạt các mục tiêu do Chính phủ giao.

Tăng cường năng lực phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững  2Vòng đời của muỗi.

PV: Trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam đã nắm bắt những cơ hội phát triển này như thế nào để có thể khẳng định vị trí trong khu vực?

TS. Nguyễn Văn Bình: Các nước trong khu vực ASEAN đã lựa chọn ngày 15/6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH và hàng năm các hoạt động hưởng ứng ngày này đều được triển khai tích cực, đồng bộ trên cả nước và đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Ngoài ra, WHO cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ cho một số hoạt động phòng, chống SXH như: giám sát bệnh nhân, truyền thông, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ, chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại địa bàn dân cư hay xảy ra dịch SXH.

Năm 2013, Việt Nam vinh dự là nước đăng cai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH cấp khu vực lần thứ 3. Bộ Y tế tổ chức 2 hoạt động chính là Hội thảo phòng chống SXH khu vực vào ngày 14/6/2013 và Mít tinh phát động chiến dịch phòng chống SXH cấp khu vực vào ngày 15/6/2013 với sự tham gia của hơn 1.000 người. Đồng thời, với hoạt động tại Hà Nội, các địa phương khác trên cả nước cũng đồng loạt triển khai mạnh mẽ tháng chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH.

PV: Trân trọng cảm ơn TS!



ASEAN đoàn kết vì một cộng đồng không có SXH

Sáng 14/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức buổi hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự hợp tác của các  quốc gia trong phòng chống SXH. Với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, gồm các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống SXH đến từ các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành của ngành y tế...

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong công tác phòng chống SXH, đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, của chính quyền địa phương, của các ban ngành, đoàn thể và mọi người dân vào các hoạt động phòng chống SXH.

Sáng 15/6, tại Công viên Thống Nhất, Bộ Y Tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH.  


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin