Việt Nam: tâm điểm của dịch đái tháo đường

Cập nhật: 17/6/2013 | 4:57:24 PM

Số người mắc đái tháo đường ở VN tăng 211% chỉ trong 10 năm. Ông Tạ Văn Bình, viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa (Bộ Y tế), cho rằng chúng ta đang ở trong tâm điểm của dịch đái tháo đường. Ông Bình nói:

- Có ba vấn đề dẫn đến tình trạng này mà mức lo ngại tương đương nhau. Trong đó có sự thay đổi về lối sống của người Việt nói chung, đặc biệt ở giới trẻ, khiến sự nguy hiểm của đái tháo đường tăng nhiều. Thứ hai, đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể nói chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm nguy hiểm như bây giờ. Không phải hoài cổ, nhưng ngày trước ra đồng bắt được con cá, con tép về ăn rất ngon và an toàn, nay thì vật nuôi, cây trồng đều có nguy cơ ô nhiễm hóa chất tăng trưởng, bảo quản. Một vấn đề quan trọng nữa là mật độ hoạt động thể lực của người dân hiện nay quá ít, có nhóm nghiên cứu từng đánh giá người Việt chúng ta thuộc nhóm người ít vận động nhất. Bên cạnh đó còn có căn nguyên từ stress, căng thẳng trong cuộc sống.

* Thưa ông, lối sống thay đổi ảnh hưởng như thế nào đến căn bệnh đái tháo đường?

- Tôi chỉ nói đơn giản thế này. Trước đây bữa cơm người Việt có cơm, canh, cà muối, tức là có rau quả, lượng thịt ít hơn nhiều. Tất nhiên là không mong trở lại như thế, nhưng ngày nay thức ăn thô trong bữa ăn ít đi, mà tăng các thức ăn nhanh năng lượng cao, chất xơ ít. Điều này làm quá trình tiêu hóa nhanh lên, quá trình làm rỗng dạ dày nhanh chứ không như trước, năng lượng tích lũy cho cơ thể tăng nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta còn nạp năng lượng từ các thực phẩm khác như bánh kẹo, rượu... Vậy mà hoạt động thể lực lại ít hơn trước, cung (năng lượng) nhiều hơn cầu, để lại năng lượng dư thừa và những chất dư thừa tích lũy lâu ngày sẽ trở thành bệnh lý chuyển hóa. Không chỉ người lớn tuổi, cả những người trẻ, thậm chí trẻ em cũng gặp hiện tượng này. Nay đại đa số gia đình chỉ có hai con, người ta chăm sóc con cái không đúng cách cũng dẫn đến các bệnh lý cho trẻ. Những bệnh lý này không chỉ để lại hậu quả về thể lực mà cả về tâm lý và trí tuệ.

Vừa qua, ở Trung Quốc có gần 30 người tử vong vì bệnh cúm H7N9 mà cả thế giới đã phát sốt, nhưng nếu so với các con số: cứ 10 giây có thêm một người chết vì các bệnh lý liên quan đến đái tháo đường trên thế giới, 30 giây có thêm một người bị cắt cụt chi vì biến chứng đái tháo đường thì đáng là điều để chúng ta suy nghĩ.

* Ông có nói đến stress, vậy stress liên quan gì đến bệnh đái tháo đường?

- Stress đáng sợ vì nó luôn xuất hiện, ở ngoài đường phố, trong công việc, cuộc sống, kể cả trên giường ngủ của mỗi nhà. Một ngày chúng ta gặp 5-7 chuyện stress thì không sao, nhưng ngày nào cũng hàng chục chuyện gây stress thì tỉ lệ nội tiết tố, hormone sẽ không bình thường, dẫn đến thay đổi quá trình chuyển hóa bình thường, làm cơ thể rối loạn, và nếu gặp nhiều stress liên tục, vượt quá sinh lý bình thường sẽ trở thành bệnh lý. Song vấn đề là mỗi cơ thể có sức chịu đựng khác nhau, điều đó giải thích vì sao cùng yếu tố nguy cơ mà người này mắc bệnh, người kia lại không.

* Với những vấn đề như trên, theo ông, phòng bệnh đái tháo đường như thế nào là hiệu quả?

- Đối với từng cá nhân thì phải biết chấp nhận, biết giữ cái gì, bỏ cái gì, đi đường gặp chuyện ức quá về nhà cãi nhau với vợ chồng con cái là hỏng. Cái gì ở ngoài đường hãy để lại ở ngoài đường. Từng cá nhân phải biết đề kháng, tạo cho mình một tinh thần, nghị lực đề kháng stress. Trong ăn uống, phải học cách ăn nhiều vào bữa sáng, ăn trung bình bữa trưa và ăn ít vào bữa tối. Hai là hạn chế những thức ăn không nên ăn nhiều như thức ăn nhanh, đồ uống có gas, nước ngọt, thức ăn rán, nướng, ngược lại ăn nhiều đồ luộc. Về luyện tập thể lực, khuyến cáo của thế giới là ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần, không nên ngủ trưa quá 30 phút vì tuy giấc ngủ trưa rất quý nhưng không nên ngủ dài.

Nên tầm soát đái tháo đường 6 tháng/lần

Bạn trên 40 tuổi và có thêm hai trong số các yếu tố nguy cơ: trong gia đình có người thuộc thế hệ cận kề mắc đái tháo đường type 2; huyết áp từ 130/80 trở lên; chỉ số khối cơ thể từ 23 trở lên; phụ nữ từng sinh con trên 3,8 kg trở lên hoặc có tiền sử sẩy thai, thai lưu liên tục; người có công việc tĩnh tại, ít hoạt động thể lực...

Tại VN, báo cáo của Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết có đến 70% người bệnh bị bỏ sót, dẫn đến chi phí điều trị tốn kém do người bệnh đến bệnh viện khi bệnh ở giai đoạn muộn, nhiều biến chứng. Sau 10 năm, tỉ lệ người mắc đái tháo đường tăng 211%, lên 5,7% người trưởng thành, nhóm tiền đái tháo đường tăng từ 7,7% lên 12,8% người trưởng thành. Đến năm 2012, toàn thế giới đã có 371 triệu người mắc căn bệnh này, đến năm 2020 là 552 triệu người mắc bệnh, nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

(Nguồn: tuoitre.vn)

In bản tin