Bộ Y tế lý giải nguyên nhân tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ sau sinh

Cập nhật: 26/7/2013 | 8:44:51 AM

Quyết định giữ nguyên lịch tiêm chủng viêm gan B sơ sinh của Bộ Y tế khiến người dân băn khoăn, bởi theo nhiều chuyên gia, việc tiêm quá sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là ở những bà mẹ không mang vi rút này...

TS Nguyễn Văn Bình (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) đã có cuộc trao đổi với báo chí, lý giải cho quyết định này của Bộ Y tế.
 
Bộ Y tế lý giải nguyên nhân tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ sau sinh

Thưa ông, sau 4 ca tử vong sơ sinh sau tiêm vắc xin viêm gan B vừa qua, người dân rất lo lắng, không dám cho con em tiêm vắc xin này. Nhiều chuyên gia cho rằng nên thay đổi lịch tiêm chủng cho trẻ đối với vắc xin này? Vì sao, Bộ Y tế lại đưa ra quyết định giữ nguyên lịch tiêm chủng?

Đúng là vấn đề có tiêm hay không tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh được dư luận rất quan tâm. Vì thế, chiều 24/7 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp với 2 hội đồng, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin và Hội đồng đánh giá tai biến của vắc xin. Các chuyên gia đầu ngành đã cùng thảo luận vấn đề này, đưa ra nhiều tình huống (như trẻ vừa sinh non nớt, có thể gây ra những phản ứng có hại…). Tuy nhiên, tất cả bằng chứng đưa ra cho thấy thấy lịch tiêm vẫn nên được giữ nguyên ở mũi tiêm 24 giờ sau sinh nhằm bảo vệ trẻ khỏi các bệnh xơ gan, ung thư gan mà trẻ có thể sẽ mắc do nguy cơ mẹ truyền vi rút viêm gan B sang con trong cuộc đẻ.

Mũi tiêm 24 giờ đầu đối với trẻ được đặt ra để bảo vệ khoảng 150.000 trẻ có nguy cơ trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra hằng năm.

Nhưng trên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng mắc viêm gan B, thưa ông?

Mục tiêu tiêm mũi vắc xin này là giảm thiểu tốt nhất nguy cơ lây truyền từ bà mẹ mang vi rút viêm gan B sang con. Cũng có ý kiến cho rằng, nên xét nghiệm trước sinh tất cả các bà mẹ để phân loại tiêm. Tuy nhiên, việc này không đơn giản bởi số lượng phải xét nghiệm rất lớn (khoảng 1,5 triệu xét nghiệm mỗi năm), trong khi đó, ở vùng sâu vùng xa để tổ chức được việc xét nghiệm này rất khó khăn.

Bên cạnh đó những trường hợp các bà mẹ mắc viêm gan nhưng đang ở giai đoạn cửa sổ, kết quả xét nghiệm dù âm tính nhưng sinh con vẫn có thể lây truyền.

Vậy ở những tuyến bệnh viện có xét nghiệm trước sinh cho các bà mẹ, những người âm tính với HbsAg có thể hoãn tiêm sơ sinh không thưa ông?

Về lý thuyết những người mẹ không mang vi rút viêm gan B thì không cần phải tiêm mũi 24 giờ cho trẻ sơ sinh. Nhưng không ai có thể chắc chắn, người mẹ đó không mang vi rút. Vì giai đoạn cửa sổ khi mới mắc bệnh có thể kéo dài  3 - 4 tháng. Trong thời kỳ này do chưa có kháng thể nên xét nghiệm kết quả có thể cho âm tính, nhưng trong thời kỳ này sinh con có thể lây truyền.

Sau 5 năm kể từ đợt xảy ra các ca tai biến liên tiếp liên quan đến vắc xin này, nay lại thêm 4 ca tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B,  Bộ Y tế có tính đến phương án thay thế một vắc xin viêm gan B khác an toàn hơn không, thưa ông?

Các vắc xin sử dụng trong tiêm chủng phải an toàn. An toàn ở đây là với các phản ứng đau tại  chỗ, sốt chứ không phải nói đến an toàn ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Tất cả trường hợp có phản ứng nặng, nhẹ trong tiêm chủng đều phải ghi chép đầy đủ có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đã được kết luận không phải do vắc xin. Còn nếu có 1 trường hợp khẳng định do vắc xin gây ra tử vong thì chắc chắn vắc xin đó không được sử dụng trong chương trình tiêm chủng.

Hiện tại, một số bệnh viện đã ngừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh, nhiều bậc phụ huynh cũng từ chối tiêm cho con vì lo lắng. Bộ Y tế sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Bộ Y tế sẽ rà soát lại tất cả các bệnh viện, các cơ sở tiêm chủng vẫn phải tiếp tục vận động bà mẹ tiêm đúng lịch để trẻ được bảo vệ tốt nhất. Còn các phụ huynh, chúng tôi mong các bà mẹ vì lợi ích của con mình, của cộng đồng vẫn cho trẻ tiêm theo quy định.

Các bà mẹ nên yên tâm cho con tiêm, bởi những chứng cứ khoa học này đã được công bố trên toàn thế giới. Hiện có  81 nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore... vẫn tiêm vắc xin viêm gan B ở 24 giờ sau sinh. Đây là những nước có tỷ lệ phụ nữ mang vi rút viêm gan B cao, nên đều áp dụng tiêm mũi trẻ sơ sinh.

Chuyên gia của các nước này cũng khẳng định, tiêm vắc xin viêm gan B càng chậm bao nhiêu thì giá trị bảo vệ của vắc xin càng kém đi. Trên các cơ sở này, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên tiêm cho trẻ sau 24 giờ sau sinh.

Thưa ông, mất bao lâu thời gian để có kết luận về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị. Nhiều sai sót về quy trình tiêm chủng cho 3 trẻ này cũng đã được chỉ ra. Bộ Y tế sẽ xử lý như thế nào với những sai phạm về quy trình tiêm chủng này?

Kết luận ban đầu về 3 trường hợp tử vong này là sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Chính Bộ Y tế cũng thấy chưa thỏa mãn về kết luận này. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cùng với Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục kiểm tra vắc xin để xem tính an toàn của vắc xin như thế nào. Bên cạnh đó, các phủ tạng của những trẻ tử vong đó đã được gửi tới cơ quan chức năng khác để làm rõ thêm.

Chúng tôi đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới để gửi các mẫu bệnh phẩm, mẫu vắc xin tới các phòng thí nghiệm của quốc tế để tìm ra những nguyên nhân chính xác nhất.

Về những sai sót đã được chỉ trong quy trình tiêm chủng cho 3 trẻ sơ sinh này, tùy vào từng sai sót cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó tới sự tử vong của trẻ như thế nào, người thực hiện không đúng sẽ có những hình thức kỷ luật tương ứng.

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin