Cúm gia cầm A/H10N8 có gì lạ?

Cập nhật: 23/12/2013 | 11:15:41 AM

Mùa lạnh đang đến, một số bệnh đang có cơ hội xuất hiện, trong đó có bệnh cúm gia cầm, đặc biệt ở Trung Quốc đã xuất hiện mội loại cúm gia cầm mới (A/H10N8) làm chết 1 người. Đó là cụ bà 73 tuổi ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), được đưa đến bệnh viện ngày 30/11 trong tình trạng hệ miễn dịch và các cơ suy yếu, tăng huyết áp, đau tim, sốt cao và tử vong 6 ngày sau đó. Được biết, bệnh nhân đã từng tiếp xúc với gia cầm sống ở một khu chợ của địa phương.

Theo thống kê của các nhà chuyên môn thì từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 3 loại virus cúm mới xuất hiện ở Trung Quốc. Hồi đầu năm 2013, đã xuất hiện ca nhiễm cúm H6N1, sau đó là cúm H7N9 làm hơn 140 người nhiễm bệnh ở nước này và đến nay là ca tử vong đầu tiên vì cúm H10N8.

Cúm gia cầm A/H10N8 có gì lạ?

Cơ quan chức năng Hồng Kông kiểm tra gia cầm tại khu vực giáp giới với Trung Quốc đại lục.          Ảnh: AFP

Lần đầu tiên gây bệnh trên người

Virut cúm gia cầm H10N8 là một trong 15 chủng virut cúm gia cầm khác nhau đã được biết đến từ trước tới nay, nhưng không giống 2 chủng virut cúm gia cầm H5N1 và H7N9. Theo thống kê cho biết, loại virut cúm gia cầm H10N8 trước đó chưa từng được phát hiện ở người và trường hợp bệnh nhân 73 tuổi tử vong do loại virut H10N8 là trường hợp đầu tiên. Một số nhà chuyên môn ở Trung Quốc cho rằng virut cúm H10N8 trước đó chỉ được tìm thấy trên các loài chim hoang dã, nay đã biến đổi với khả năng lây nhiễm sang người nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy khả năng lây từ người sang người của virut này.

Thực ra chủng virut cúm gia cầm H10N8 không phải mới phát hiện gây bệnh cho gia cầm, nhưng gây bệnh cho người là lần đầu tiên bắt gặp. Bởi vì theo WHO, chủng virut H10N8 đã được phát hiện trên gia cầm từ năm 1965 tại ít nhất 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tại Trung Quốc, kể từ đầu năm 2013, quốc gia này đã chứng kiến sự xuất hiện của 3 loại virut cúm mới trên người là H6N1, H7N9 và tới nay là H10N8. Trong đó, chủng virut H7N9 đã khiến hơn 100 người bị lây nhiễm tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông. Mặc dù vậy, đây là lần đầu tiên có báo cáo về trường hợp nhiễm H10N8 trên người và gây tử vong. Để hiểu biết rõ khả năng lây lan của chủng virut H10N8, trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành xem xét  chuỗi gen của virut H10N8 để đánh giá nguy cơ lây nhiễm sang người của chúng. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá ban đầu, bệnh nhân tử vong vừa nêu là một trường hợp đặc biệt và nguy cơ loại virut này lây nhiễm ở người là rất thấp. Mặc dù vậy, chúng ta không được chủ quan, coi thường mà phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng.

Cúm gia cầm A/H10N8 có gì lạ?

Tiêu bản virut H10N8.

Luôn cảnh giác, không được xem thường

Vì vậy, để ngăn chặn các bệnh dịch do virut cúm gây ra ở gia cầm, thủy cầm  lây lan sang người cần có các biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Muốn làm tốt việc này thì cần có sự tham gia thật tích cực của toàn dân, các cấp, các ngành. Các ngành chủ trì quan trọng nhất là thú y, quản lý thị trường và y tế cần có các biện pháp càng thật cụ thể càng mang tính động đồng và khả thi cao thì mới hy vọng ngăn chặn được dịch bệnh xảy ra. Cần ngăn chặn triệt để gia cầm, thủy cầm, thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, thủy cầm thẩm lậu qua biên giới, nhất là biên giới Việt - Trung.

Đối với con người, tuy chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhưng làm thế nào hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh và trong điều kiện bắt buộc phải tiếp xúc (người chăn nuôi, người giết mổ gia cầm) thì phải có biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cần thực hiện vệ sinh cá nhân và ăn uống hợp vệ sinh như rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc hoặc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, chim cảnh. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm. Cần có thói quen cho mọi thành viên trong gia đình, các cháu học sinh ở các lớp học mẫu giáo, lớp học bán trú (có ăn uống tại trường) có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Những người làm công tác chăn nuôi cần có bảo hộ tốt như đi ủng, tay cần có găng và miệng, mũi phải có khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Những loại dụng cụ dùng trong giết mổ, phân phối thịt gia cầm, thủy cầm cần được sát khuẩn bằng cách luộc nước sôi. Không dùng các loại dụng cụ (dao, thớt) chế biến thực phẩm tươi sống chung với thực phẩm chín. Không giết mổ, không ăn các loại gia cầm ốm, chết và không mua các loại gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin