Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em: Hoạt động trọng tâm, trọng điểm

Cập nhật: 7/3/2014 | 8:16:47 PM

Hiện toàn tỉnh có khoảng 111.800 trẻ em dưới 5 tuổi. Dù kinh phí cho chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh không nhiều (hơn 1,1 tỷ đồng/năm, từ chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương), nhưng với việc lựa chọn, triển khai các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, chương trình đã đạt kết quả khá tốt.

Hướng dẫn ông bố nấu bữa ăn cho trẻ tại buổi thực hành dinh dưỡng, xã Quảng Long (Hải Hà). Ảnh: Phùng Dung (Trung tâm CSSKSS tỉnh)
Hướng dẫn ông bố nấu bữa ăn cho trẻ tại buổi thực hành dinh dưỡng, xã Quảng Long (Hải Hà). Ảnh: Phùng Dung (Trung tâm CSSKSS tỉnh)

Theo chị Nguyễn Thu Hiền, Quyền Trạm trưởng Trạm Y tế phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả): “Năm qua, kinh phí cấp cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng của phường chỉ gần 1,6 triệu đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn này thì rất khó để tổ chức hoạt động. Bởi vậy, chúng tôi phải phối hợp cả với các ngành, đoàn thể để lồng ghép hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ”. Phường Cẩm Thịnh có 11 khu phố với khoảng 1.000 trẻ dưới 5 tuổi. Phường không có nhân viên y tế thôn bản, bởi theo quy định của Bộ Y tế, ở các phường, thị trấn không có chế độ cho nhân viên y tế thôn bản. Bởi vậy, cán bộ, nhân viên Trạm phải thường xuyên vận động đội ngũ cộng tác viên xã hội thực hiện cả việc theo dõi, tư vấn dinh dưỡng cho các gia đình có con nhỏ trên địa bàn; nhắc nhở, vận động gia đình đưa con em đi uống bổ sung vitamin A đầy đủ. Nguồn kinh phí của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng hàng năm chủ yếu được Trạm dùng để tổ chức các buổi truyền thông lồng ghép thực hành bữa ăn dinh dưỡng tại những nơi có nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng cao. Nhờ đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn chỉ còn 7,83%.

Chọn hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng một cách trọng tâm, trọng điểm không chỉ là cách của phường Cẩm Thịnh mà của hầu hết các địa phương hiện nay, bởi nguồn kinh phí cho chương trình này khá eo hẹp. Trước tình hình đó, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh (CSSKSS) - đơn vị được giao quản lý, thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đã chỉ đạo các đơn vị lựa chọn hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Trung tâm tập trung vào tập huấn, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ phụ trách chương trình; mua sắm thêm dụng cụ hoạt động cho các xã; phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật cân, đo trẻ cho đội ngũ cộng tác viên. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với địa phương tổ chức 145 buổi truyền thông dinh dưỡng cho 4.320 ông bố, bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ có thai. Các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đài TTTH địa phương và hệ thống loa, đài của xã, của thôn. Trong các buổi truyền thông trực tiếp cho người dân, trạm y tế xã, phường, thị trấn thường lồng ghép các bữa thực hành dinh dưỡng cho các ông bố, bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ có thai. Năm qua, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã trang bị 166 bộ bếp gas, xoong nấu bột để cấp phát cho các địa phương; mua 2.100 bánh Hebi, 1.945 gói bổ sung đạm để cấp phát cho những trẻ bị suy dinh dưỡng ở 122 xã vùng sâu, vùng xa, miền núi trong tỉnh.

Theo chị Phùng Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh, một trong những khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của chương trình là do đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng hiện nay không có chế độ phụ cấp, hoạt động dựa vào lòng nhiệt tình là chính. Với các thôn, bản có nhân viên y tế còn lồng ghép được; nhưng với các khu phố trung tâm, việc vận động đội ngũ cộng tác viên tham gia tích cực là rất khó khăn, bởi số trẻ trên địa bàn nhiều, trong khi cộng tác viên phải thường xuyên đến gia đình để tuyên truyền, cân cho trẻ… Hiện toàn tỉnh có 1.713 cộng tác viên dinh dưỡng. Trong năm qua, đội ngũ này đã thực hiện 46.558 lượt thăm hộ gia đình có trẻ nhỏ và trẻ bị suy dinh dưỡng để thực hiện truyền thông tại hộ gia đình. Nhờ hoạt động có trọng tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh chỉ còn 15,1%, giảm 0,6% so với năm 2012.

Năm 2014, kinh phí cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng tiếp tục bị cắt giảm chỉ còn 265 triệu đồng. Chị Phùng Thị Kim Dung, cho biết thêm: “Với nguồn kinh phí ít ỏi như vậy, năm nay chúng tôi chỉ tập trung vào tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng tại những xã khó khăn, có tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao”. Với khó khăn về kinh phí hoạt động như vậy, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong phòng chống suy dinh dưỡng, việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn tỉnh vẫn cao, theo kết quả công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia là 26,9% (mức bình quân của cả nước là 25,9%).

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin