Tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi

Cập nhật: 7/4/2014 | 9:36:46 AM


Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, dễ lây lan và có thể gây thành các vụ dịch lớn; bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mặc, viêm não dễ dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sởi là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, riêng trong năm 2012 đã ghi nhận 122.000 trường hợp tử vong, ước tính mỗi ngày có khoảng 330 trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn cầu.




 Từ cuối năm 2013 đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp nghi mắc sởi tại 59 tỉnh, thành phố. Lứa tuổi mắc chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo qui định. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, các địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành. Đến nay, số mắc sởi tại nhiều địa phương có xu hướng giảm chậm nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, trong đợt dịch này đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi. Nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng chống dịch sởi Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ, người dân quan tâm đến sức khỏe của các cháu với việc thực hiện tốt nội dung sau:

 1. Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi.

2. Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.

3. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin