"Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm văcxin sởi để phòng bệnh"

Cập nhật: 18/4/2014 | 7:45:37 PM

Không nên đến bệnh viện đang bị quá tải ở thời điểm có dịch sởi, đưa người nhà đi tiêm nếu chưa có miễn dịch, chủ động tránh xa nơi đông người là giải pháp mà các chuyên gia đưa ra trong buổi phỏng vấn trực tuyến về bệnh sởi sáng nay.


PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời phỏng vấn về tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi

 

- Xin bác sĩ cho biết tính đến nay tổng số ca mắc bệnh sởi ở Hà Nội là bao nhiêu? Tại sao lại có những trẻ tiêm văcxin rồi vẫn nhiễm bệnh? (Nguyễn Sơn Hồng, 44 tuổi, Nam Đồng, Đống Đa, Hà nội)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng:

Hiện nay số mắc sởi tại Hà Nội là 1.062 trường hợp, có tại 26 quận, huyện. Không thành ổ dịch tập trung mà rải rác, do Hà Nội có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Văcxin sởi là một trong những văcxin có hiệu lực cao nhất, nhưng chỉ đạt hiệu lực khoảng 90%. Như vậy trong số 100 trẻ được tiêm, sẽ có một số trẻ tiêm rồi vẫn có khả năng mắc bệnh. Điều này phụ thuộc vào hiệu lực của văcxin và sự đáp ứng miễn dịch của trẻ.

Do đó, hiện nay ở Việt Nam tổ chức tiêm chủng sởi cho trẻ 2 mũi vào lúc trẻ 18 tháng tuổi, thay vì chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi như trước kia. Vì trước kia không có điều kiện nên chỉ tiêm một mũi đối với văcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với văcxin MR (Sởi và Rubela), mũi một lúc 1 tuổi và mũi nhắc lại lúc 4-6 tuổi để củng cố miễn dịch cho trẻ.

- Xin tiến sĩ cho cháu hỏi, cháu đọc trên báo được biết sởi năm nay có những triệu chứng khác thường, diễn biến nhanh. Vậy làm thế nào để phân biệt sớm được bệnh sởi ạ? (Đỗ Diệu Hằng, 27 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương:

Bản thân tôi đã tham gia điều trị nhiều dịch sởi. Trước năm 1987 chúng ta vẫn có dịch sởi xảy ra thường xuyên, vì lúc đó chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng tốt như hiện nay. Trong các vụ dịch đó, bệnh sởi cũng diễn biến rất nặng, tùy từng năm. Vấn đề là năm nay, bản thân tôi nhận thấy, nhiều cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ. Có thể do các bà mẹ trước đây chưa từng tiêm phòng sởi một cách đầy đủ, vì vậy không có kháng thể truyền cho con. Vì vậy, các cháu mắc sởi sớm. Chúng ta cần lưu ý tiêm phòng sởi một cách đầy đủ theo đúng khuyến cáo của chương trình tiêm chủng. 

Để phân biệt sớm bệnh sởi: Hiện nay bệnh sởi vẫn còn xuất hiện rải rác, vì vậy đối với bất kể ai chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi, và có biểu hiện sốt, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. 

- Tại sao đến bây giờ Bộ Y Tế vẫn chưa công bố dịch sởi để mọi người biết và phòng tránh. Nhiều người ở quê không đọc báo mạng thì không thể biết tình hình bệnh lại nghiêm trọng như thế. Trong khi Philippines mới có hơn 25 trẻ tử vong do sởi mà họ đã công bố dịch rồi. Việc không công bố dịch có lợi gì? Thực sự tôi thấy rất lo sợ vì nhà có hai con nhỏ. Xin cảm ơn. (Ha Thu, 30 tuổi, 53 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Hiện nay việc công bố dịch được thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch phụ thuộc vào thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay các địa phương này thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.

Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch không có nghĩa là không thông báo cho người dân và không triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Thực tế trong thời gian qua Bộ Y tế đã huy động cao độ các nguồn lực vào phòng chống bệnh sởi. Ngay từ đầu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi, rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi này và quyết tâm hoàn thiện trong tháng 4/2014. Một số các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... có mắc sởi nhưng đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ và không còn ca bệnh.

Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cung cấp thông tin cho người dân và đồng thời đôn đốc quyết liệt chiến dịch tiêm chủng văcxin, nhằm kiểm soát một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.

Phó giáo sư tiến sĩ Trần Đắc Phu. 

- Xin bác sĩ cho biết, cách tốt nhất để phòng chống bệnh sởi? (Trần Việt Khoa, 27 tuổi, Tân Bình, Hồ Chí Minh)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Để phòng chống bệnh nói chung cần lưu ý mấy điểm sau: 

- Thường xuyên nghe thông báo của ngành y tế về các bệnh dịch

- Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra.

Trong giai đoạn này, khi dịch sởi đang diễn ra, các bạn cần lưu ý mấy điểm sau:

- Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người và người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, để tránh tình trạng mang vi khuẩn virus trong môi trường về cho các cháu. 

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của các cháu để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, để đưa đi khám. 

Hiện nay với bệnh sởi đã có văcxin phòng rất đặc hiệu. Vì vậy chúng ta cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế. Nếu các cháu được tiêm đầy đủ hai mũi sẽ có tác dụng phòng bệnh một cách chắc chắn. 

- Xin hỏi, bệnh sởi lây qua các đường nào. Cách phòng tránh hiệu quả (ngoài tiêm văcxin)? (Phạm Đạt, 32 tuổi, Nam Định)

- Ông Trần Đắc Phu:

Bệnh sởi là bệnh có khả năng lây truyền rất cao. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. 

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm văcxin sởi để phòng bệnh. Ngoài ra, các biện pháp phòng tránh không đặc hiệu khác đã được tôi trình bày ở trên.

- Tôi thấy tình hình dịch sởi bùng phát nhanh quá và tập trung nhiều ở thành phố lớn như Hà Nội. Con tôi gần 9 tháng, đã từng bị viêm phổi lúc 4 tháng. Tôi sợ không dám đưa con ra ngoài vì nghĩ xung quanh môi trường có thể nhiễm bẩn virus sởi nên tôi nhốt con ở trong nhà 24/24. Xin hỏi các chuyên gia là tôi làm như thế có gì hại cho bé và có thể tránh được việc lây lan sởi không (tôi cũng đã nhắc nhở mọi người trong gia đình khi ra ngoài về phải vệ sinh mặt mũi tay chân, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với bé). (Thúy An, 30 tuổi, Hà Nội)

 

- Ông Bùi Vũ Huy:

Đúng là tại thời điểm này có rất nhiều trường hợp nhiễm sởi được phát hiện. Việc chị bảo vệ con như vậy không có gì là sai. Tuy nhiên, chị cần lưu ý rằng, khi chúng ta - những người lớn - ra môi trường ngoài vẫn có thể mắc virus sởi nhưng không có biểu hiện bệnh, do chúng ta đã mắc sởi hay tiêm phòng sởi. Tuy nhiên có thể lại truyền virus sởi này khi chúng ta bế ẵm, chăm sóc trẻ mà chưa tắm rửa vệ sinh. Vì vậy, cách tốt nhất, cháu đã đủ 9 tháng, chị nên liên hệ ngay với y tế cơ sở chịu trách nhiệm tiêm chủng tại địa phương để được tiêm ngừa văcxin sởi theo lịch hẹn, tránh phải chờ đợi hoặc bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho cháu. 

- Sởi là một trong những bệnh nằm trong chính sách được tiêm chủng bắt buộc của quốc gia. Vậy tại sao trong đợt dịch này trẻ em lại mắc bệnh nhiều như vậy. Có phải số trẻ này chưa chích ngừa, chích chưa đủ liều hay văcxin có vấn đề. Con tôi năm nay đươc bốn tuổi theo sổ tiêm ngừa của cháu thì cháu đã tiêm được 2 lần, như vậy có đủ liều hay chưa? (Huỳnh Thanh Tuấn, 38 tuổi, Kiên Giang)

- Ông Trần Đắc Phu:

Sởi là một trong những bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nghĩa là được tiêm miễn phí và theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì bắt buộc mọi người phải đi tiêm chủng để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Nếu như số người tiêm ít quá thì sẽ ảnh hưởng tới sự bùng phát và lây lan dịch bệnh. Qua thống kê số trẻ mắc bệnh thời gian qua, phần lớn là các cháu chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi.

Văcxin sởi là một trong những văcxin rất an toàn, các phản ứng nặng sau tiêm chủng rất ít, các cháu đã tiêm chủng thì gần như không mắc bệnh. Nên tôi khẳng định rằng không phải do chất lượng văcxin mà do các cháu chưa được tiêm chủng nên mắc bệnh. Còn con bạn 4 tuổi, đã tiêm 2 lần thì đã đủ liều tiêm chủng.

- Hiện nay theo tôi được biết cả Hà Nội có 4 điểm tiêm phòng, giờ nào cho con đi tiêm cũng chật ních người... Tại sao Bộ y tế không năng động mở thêm nhiều điểm tiêm phòng sởi cho bé tại các quận, huyện để giảm bớt tần suất cho các trung tâm đã có sẵn? (Lê Quốc Nghiệp, 30 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Hiện nay việc tiêm văcxin cho trẻ em có hai hình thức tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm văcxin dịch vụ. Bạn đề cập các điểm tiêm chủng ở đây theo tôi nghĩ là hình thức tiêm chủng dịch vụ. Hình thức tiêm chủng dịch vụ được thực hiện bởi các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, các cơ sở này cũng phải có được cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng được nhu cầu và các đơn vị này phải tự cân đối thu chi.

Tuy vậy hiện nay ngành y tế đang triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng xã, phường. Và bạn có thể đưa con bạn đến đó tiêm hàng tháng. Tuy vậy để tiếp thu ý kiến của bạn chúng tôi cũng sẽ làm việc với ngành y tế Hà Nội, có thể ngày càng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

- Tôi nghe nói có một số trẻ đến bệnh viện để chữa bệnh khác mà bị lây sởi. Vậy cách phòng sởi của bé trong bệnh viện là thế nào để mọi người có hướng phòng chống. (Trần Khánh Hòa, 48 tuổi, Nam Định)

- Ông Trần Đắc Phu:

Sởi là một bệnh lây nhiễm rất cao theo đường hô hấp, gần như là trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có khả năng lây bệnh. Và trẻ bị nhiễm virus sởi gần như 100% có biểu hiện bệnh lý. Việc trẻ em đi đến bệnh viện để chữa các bệnh khác mà tiếp xúc với nguồn lây là có khả năng mắc bệnh sởi. Hiện tại, ở bệnh viện mà có số trẻ mắc sởi đông, không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp cách ly do bị quá tải, các bệnh nhân đến khám không được theo luồng riêng, không được phân tách các bệnh truyền nhiễm riêng, trẻ em nằm quá đông, thậm chí nằm chung giường bệnh thì khả năng mắc sởi có thể xảy ra. Tôi cũng lưu ý không phải chỉ có lây nhiễm sởi mà còn có thể lây nhiễm các bệnh khác.

Chính vì vậy trong thời gian qua một số bệnh viện tuyến trung ương quá tải, không có điều kiện cách ly tốt nên có một số trường hợp đến điều trị các bệnh khác mà bị nhiễm sởi. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu thiết lập các bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân sởi, giải quyết quá tải cho Bệnh viện Nhi trung ương. Nhân đây tôi cũng khuyên rằng nếu như các bà mẹ có con em mắc bất kỳ một bệnh nào cần lên đến cơ sở y tế tuyến cơ sở để được khám và tư vấn nên điều trị ở tuyến nào là phù hợp. Và những bệnh nhẹ thì có thể điều trị ở nhà hoặc những cơ sở y tế tuyến dưới, không đi lên tuyến trên nơi đang điều trị những bệnh nhân sởi, vì ở đó có nguồn lây bệnh.

- Ông Bùi Vũ Huy:

Câu hỏi của chị hoàn toàn có thật. Bản thân tôi cũng tham dự nhiều hội nghị quốc tế và đưa vấn đề này ra thảo luận. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới đều cho rằng, chúng ta cần cố gắng hạn chế sự lây nhiễm trong bệnh viện đến mức tối đa. Vì vậy trong ngành y tế chúng tôi đã có thêm một chuyên ngành mới là chống nhiễm khuẩn bệnh viện. 

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy.

Còn vì sao có hiện tượng lây chéo này: Có nhiều lý do. Để hiểu rõ hơn tôi xin giải thích cụ thể: thông thường các bệnh, diễn biến theo các giai đoạn như sau: giai đoạn ủ bệnh tính từ lúc virus hoặc vi khuẩn xâm nhập cơ thể cho đến khi có biểu hiện đầu tiên. Giai đoạn này thường kéo dài 1-2 tuần. Tiếp theo là giai đoạn bệnh bắt đầu biểu hiện, thường kéo dài 2-5 ngày, giai đoạn này bệnh chưa rõ ràng. Tiếp theo là giai đoạn  bệnh biểu hiện rõ ràng, mà chúng ta có thể chẩn đoán được dựa vào khám bệnh. Điều quan trong là các bệnh có thể lây lan ra xung quanh ngay từ cuối giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn bệnh bắt đầu biểu hiện, đặc biệt lây truyền qua đường hô hấp như sởi, cúm... Điều này là ngoài ý muốn của thầy thuốc. 

Tại một cơ sở y tế, khi có quá nhiều bệnh nhân, chúng ta sẽ khó quản lý việc lây truyền nói trên và các cháu sẽ có nguy cơ lây nhiễm thêm các bệnh khác. 

Vì vậy ngành y tế đã đưa ra các biện pháp phòng chống bệnh như: thực hiện tiêm chủng để hạn chế bớt những bệnh ngừa được bằng văcxin, thông báo dịch để mọi người cùng phòng tránh, tránh tụ họp nơi đông người để tránh lây lan bệnh.

Trong câu hỏi của chị làm thế nào để phòng được sởi, chúng ta cần phải thực hiện tiêm chủng theo đúng lịch của ngành y tế đã ban hành. Nên khám chữa bệnh tại cơ sở gần nhất, tránh tập trung tại một cơ sở để hạn chế mọi sự lây lan. 

- Bệnh sởi đang bùng phát toàn thành phố vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh bệnh cũng như nên ăn uống những thực phẩm như thế nào để phòng ngừa bệnh sởi. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh chúng ta cần làm gì? (Nguyễn Thị Thúy Hòa, 25 tuổi, 22 Lý Thái Tổ, hoàn Kiếm Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Để phòng chống bệnh sởi thì việc tiêm văcxin là biện pháp tốt nhất. Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác chúng tôi đã trình bày ở trên.

Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, trẻ cần nghỉ học, không cho tiếp xúc với các trẻ khác và cần đưa trẻ đến y tế cơ sở để được khám và hướng dẫn, tránh việc đưa trẻ thẳng lên các bệnh viên tuyến trên gây quá tải cũng như làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. 

- Con tôi đã tiêm mũi ba trong một (Sởi Quai bị Rubella- loại Priorix ) lúc tròn 24 tháng tuổi. Bác sĩ hẹn 4 năm sau tiêm nhắc lại. Giờ mới được 1 năm kể từ ngày tiêm mũi một thì cháu có phải cho con đi tiêm ngay mũi nhắc lại không? Hiện cháu bị ho và sổ mũi thì có phải chờ hết bệnh đó mới được tiêm không?  (Nguyễn Thị Diệu Thùy, 31 tuổi, Thanh Xuân Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Con chị đã tiêm một mũi văcxin ba trong một lúc 24 tháng tuổi. Mũi 2 văcxin sởi có thể tiêm được khi cách mũi 1 phải ít nhất từ một tháng trở lên. Như chị cho biết đến nay con đã tiêm mũi được một năm cho nên có thể tiêm mũi 2 sớm hơn lịch hẹn. Tuy nhiên chị cho biết cháu đang có sốt và sổ mũi nên để cháu khỏe mạnh thì mới đi tiêm chủng.

- Trẻ lớn đã chích ngừa sởi, được miễn dịch nhưng vẫn có thể mang virus sởi và lây truyền cho trẻ nhỏ, có phải như vậy không? (Do Tuy Vi, 32 tuổi, số 23 đường DD10, P Tân hưng Thuận quận 12 TP HCM)

- Ông Trần Đắc Phu:

Khi trẻ đã được tiêm văcxin thành công và có miễn dịch với sởi thì trẻ sẽ được bảo vệ không bị mắc sởi, và không mang virus sởi để lây truyền cho người khác.

- Thưa bác sĩ, cách nhận biết bé mắc bệnh sởi là gì. Gia đình khó nhận biết khi bé sốt: sốt siêu vi, sốt xuất huyết, sốt do viêm amidan, sốt do chân tay miệng, sốt do sởi. Mong câu trả lời của bác sĩ? (Phan Thi Khanh Linh, 36 tuổi)

- Ông Bùi Vũ Huy

Điều anh chị lo lắng là hoàn toàn đúng. Vì vậy, cách tốt nhất khi trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, nên đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn đầy đủ. Đối với riêng bệnh sởi, tôi có một vài gợi ý nhận biết sau:

- Thường xuất hiện ở các cháu chưa được tiêm phòng sởi

- Trẻ có sốt cao, 39-40 độ, kèm theo mắt kèm nhèm, ho nhiều, ho khan, chảy nước mũi, thậm chí có tiêu chảy phân lỏng 1-2 lần trong ngày.

- Đến ngày thứ 3 của sốt sẽ thấy ban sởi mọc, thông thường bắt đầu ở vùng sau tai, trán, mặt, lan dần xuống cổ, thân mình và chân tay. 

Đây là các dấu hiệu chính. Tuy nhiên, anh chị vẫn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được tư vấn đầy đủ hơn. 

- Cho tôi hỏi con trai tôi 3 tuổi, cháu đã tiêm phòng 2 mũi sởi, tiêm theo dịch vụ, mũi 3 trong 1. Thế khả năng phòng sởi có được 100% không ạ. Tôi đang mang thai được 12 tuần, tôi tiêm phòng văcxin mũi tổng hợp: sởi, quai bị, rubella từ tháng 3/2010 (trước khi sinh cháu đầu). Thế khả năng phòng sởi của tôi khi mang thai lần này được 100% không ạ. (Nguyen Thi Huong, 28 tuổi, Hưng Yên)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cháu bé 3 tuổi đã tiêm được 2 mũi sởi dạng văcxin phối hợp 3 trong một (sởi, quai bị, rubella là rất tốt). Thông thường sau khi tiêm 2 mũi văcxin phòng sởi đúng lịch thì khả năng bảo vệ đạt từ 90-95%. Và như vậy, có thể có khả năng bảo vệ không bị mắc sởi.

Hiện chị mang thai được 12 tuần, đã tiêm phòng một mũi tổng hợp từ năm 2010. Về mặt lý thuyết nếu lần tiêm đó thành công và chị có miễn dịch sởi sau khi tiêm thì miễn dịch đó có thể bảo vệ được cho con từ 6 đến 9 tháng sau sinh. Tuy nhiên tỷ lệ tạo được miễn dịch sởi chỉ đạt được miễn dịch 85%. Trong một số trường hợp bà mẹ có miễn dịch nhưng miễn dịch yếu thì khả năng truyền sang con không cao và trẻ không có khả năng bảo vệ.

- Bé nhà tôi được 11,5 tháng và mới được tiêm mũi 3 trong 1 lần đầu tiên ngày hôm qua. Vậy xin hỏi các bác sĩ thường thì sau khi tiêm bao lâu thì thuốc mới phát huy tác dụng phòng tránh? Và trong thời gian chờ thuốc phát huy tác dụng, các bé vẫn có thể bị lây sởi đúng không ạ? Xin cám ơn các bác sĩ. (Đặng Ngọc Anh, 32 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cháu được tiêm văcxin 3 trong 1 được hiểu là cháu đã được tiêm văcxin phòng ba bệnh sởi - quai bị và rubella.

Thông thường, sau khi tiêm văcxin phải cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Trong thời gian cơ thể chưa có miễn dịch bảo vệ thì vẫn có nguy cơ phơi nhiễm và mắc bệnh. 

- Tôi vừa sinh con được 25 ngày, liệu tôi có thể tiêm phòng mũi sởi hoặc mũi 3 trong 1 sởi quai bị rubella để truyền miễn dịch cho con tôi qua đường sữa mẹ không vì trước khi có bầu tôi chưa tiêm và cũng không biết lúc nhỏ tôi có được tiêm không? Xin chân thành cảm ơn (Đào hồng thuận, 32 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Nếu bạn chưa chắc chắn về tình trạng tiêm phòng sởi của bạn và bạn chưa bị mắc sởi thì có thể đi tiêm văcxin sởi để phòng  bệnh cho bạn. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chi tiết khi đến tiêm chủng. Miễn dịch sởi từ mẹ truyền sang con chủ yếu qua con đường rau thai khi mang thai. Miễn dịch sởi truyền qua sữa mẹ sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng cho trẻ để phòng bệnh, tuy nhiên rất ít.

- Chào các bác sĩ, con cháu 26 tháng tuổi, đã chích ngừa sởi đủ 2 lần, vậy nguy cơ mắc sởi với con cháu nếu có trong trường hợp nào ạ. Cám ơn ạ.(Trần Trọng Nguyển, 34 tuổi, Bình Chánh, HCM)

- Ông Trần Đắc Phu:

Con bạn hơn 2 tuổi, đã được tiêm phòng sởi 2 lần. Như vậy về cơ bản đã đáp ứng đủ liều tiêm văcxin sởi. Thông thường sau khi tiêm 2 mũi sởi đúng lịch thì khả năng bảo vệ được đạt từ 90-95%.

- Con tôi được 4 tháng tuổi chưa đến 9 tháng tuổi để đủ tuổi được tiêm văcxin. Vậy cháu phải làm sao để phòng tránh bệnh. (Đỗ Tuấn, 32 tuổi, 35/40/191 Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng)

- Ông Trần Đắc Phu:

Hiện nay việc tiêm sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng mũi 1 vào lúc trẻ 9 tháng, và mũi 2 là lúc trẻ 18 tháng. Như vậy con bạn được 4 tháng tuổi có thể vẫn còn có miễn dịch từ mẹ truyền sang, trong trường hợp bạn có miễn dịch với bệnh sởi do đã được tiêm văcxin phòng sởi hoặc đã mắc sởi. Tuy vậy, cũng có những trẻ khi sinh ra không có đủ miễn dịch nên có thể mắc sởi dưới 9 tháng. Vì vậy tốt nhất trong thời gian chưa đến lịch tiêm, bạn không để con tiếp xúc với nguồn lây, tức là không tiếp xúc với bệnh nhân sởi.

- Cho cháu hỏi cách phòng tránh sởi cho trẻ em dưới 9 tháng. Cháu nghe được thông tin tắm hạt mùi sẽ giúp trẻ phòng tránh bệnh sởi, liệu thông tin này có đúng hay không? (Trần Thị Thu Trang, 28 tuổi, nam định)

- Ông Trần Đắc Phu:

Để phòng bệnh sởi biện pháp quan trọng nhất là tiêm văcxin. Tuy nhiên, lịch tiêm chủng hiện nay của Việt Nam thì bắt đầu tiêm sởi mũi một lúc 9 tháng tuổi để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho trẻ. Với những trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm văcxin thì các bà mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây: 

Không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bệnh viện, phòng khám - nơi đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi. Người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ. Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm văcxin sởi đúng lịch.

Hiện nay không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi có tác dụng phòng tránh bệnh sởi.

- Xin bác sĩ cho biết khi bé được chuẩn đoán là bị mắc sởi thì có thể cho điều trị tại nhà không vì sợ đến cơ sở y tế quá đông và lây nhiễm bệnh khác như tiêu chảy... Trường hợp như thế nào thì phải buộc đến bệnh viện?(nguyễn thị liên, 34 tuổi, Ba vì - Hà Nội)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Điều băn khoăn của chị là hoàn toàn hợp lý, tôi cũng rất thông cảm. Bước đầu, chị nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, đừng nên đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh. Cần xin ý kiến đầy đủ về cách chăm sóc cháu tại nhà, sau đó chị có thể chăm sóc con tại nhà theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. 

Chị cần lưu ý mấy điểm sau: 

- Khi trẻ sốt cần dùng thuốc hạ nhiệt, nên dùng thuốc đặt hậu môn vì loại thuốc này tan dần trong 6 tiếng giúp duy trì nhiệt độ luôn luôn dưới 38,5 độ, phòng nguy cơ co giật cho các cháu. 

- Chú ý vệ sinh: bao gồm vệ sinh răng miệng, vệ sinh mắt, mũi, vệ sinh da. Chị có thể tắm cho cháu bằng nước ấm và xà phòng, nhưng nên tắm nhanh ở nơi kín gió. 

- Chú ý đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ. 

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, ví dụ như: đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc có biểu hiện đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đi khám lại ngay, để bác sĩ sẽ xem xét và quyết định trẻ có cần nhập viện điều trị. 

- Con tôi hiện nay 14 tháng tuổi và chưa tiêm văcxin sởi mũi 1 do khoảng thời gian qua đợi tiêm văcxin 5 trong 1 trước cùng một số văcxin khác nên chưa kịp tiêm văcxin sởi. Tôi thắc mắc liệu bây giờ tiêm có trễ hay không? Hiệu quả của việc tiêm sởi trên 12 tháng có bị giảm hay không? Khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 là bao lâu? (Quốc Linh, 28 tuổi, 86 Nguyễn Huệ, TP. Huế)

- Ông Trần Đắc Phu:

Lịch tiêm sởi cho trẻ mũi 1 là vào lúc trẻ 9 tháng, để phòng cho trẻ không bị mắc sởi. Trường hợp con của bạn 14 tháng tuổi vẫn chưa mắc, đó là điều may mắn. Và ngay lập tức bạn phải cho con đi tiêm phòng sởi mũi 1. Việc tiêm phải ít nhất sau nửa tháng trở đi mới có thể có miễn dịch và trong thời gian chờ có miễn dịch phải giữ không để cho con tiếp xúc với các nguồn lây.

- Tôi xin hỏi một số câu hỏi sau:

1. Sau khi tiêm mũi 1 thì bao lâu cơ thể sinh ra kháng thể, có khả năng phòng bệnh?
2. Sau khi đã mắc sởi thì trẻ có bị mắc lại không? Ví dụ trẻ vừa khỏi sởi và đi học trở lại thì có lo lại bị lây từ các bạn khác không?

Cảm ơn tiến sĩ (Lê Văn Minh, 40 tuổi, Hai Bà Trưng, HN)

- Ông Trần Đắc Phu:

Sau khi tiêm văcxin cơ thể cần 2 đến 3 tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Sau khi trẻ đã bị mắc sởi xác định thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi bền vững suốt đời. Chính vì vậy, những trẻ đã được xác định mắc sởi bằng xét nghiệm thì không cần phải tiêm văcxin sởi. Tuy nhiên, những trường hợp nghi mắc sởi mà không có chẩn đoán xác định thì vẫn cần phải tiêm văcxin sởi như quy định.

- Chị của em đang bị sởi, chị đang trong thời kì mang thai (khoảng 6 tuần). Tình trạng bệnh:
- Đã qua 6 ngày, đến ngày thứ 5 vẫn sốt cao (39-40), mắt có biểu hiện đau và bị viêm võng mạc, các vết chấm đỏ xuất hiện rất nhiều trên mặt và toàn thân. Bác sĩ cho biết bệnh này khoảng mấy ngày là sẽ hết sốt, biểu hiện của những ngày sau như thế nào ạ.

- Ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào ạ ?

Rất mong nhận được câu trả lời của bác sĩ. Chân thành cảm ơn ! (Nguyễn Kim Tuyến, 26 tuổi, K511/17 Trưng Nữ Vương - Tp Đà Nẵng)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Đối với tình huống cụ thể này, cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện nay, Bộ y tế đã ban hành các phác đồ điều trị, bao gồm cả các trường hợp như người thân của chị. Vì vậy, chị hãy bình tĩnh phối hợp với các bác sĩ tại cơ sở điều trị để chăm sóc, theo dõi. 

Cần lưu ý rằng, ở phụ nữ có thai cũng như ở trẻ nhỏ, người già, bệnh sởi thường diễn biến kéo dài hơn và dễ xuất hiện các biến chứng. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh phối  hợp với các bác sĩ để xử trí cho phù hợp. 

- Thưa bác sĩ, con em 2 tuổi, đã chích ngừa sởi lần 1. Theo sổ chích ngừa, thì năm sau con em mới chích nhắc lại. Em có nên đưa con đi chích nhắc lại ngay bây giờ không hay đợi đến lịch chích là năm sau? (Trần Lê Thủy Tiên, 29 tuổi, 149B Huỳnh Thúc Kháng, P. An Nghiệp, Cần Thơ)

 - Ông Trần Đắc Phu:

Lịch tiêm chủng của các loại văcxin được khuyến cáo theo các nhà sản xuất. Con bạn đã tiêm được một mũi văcxin, việc tiêm mũi 2 thực hiện theo lịch do các nơi bạn các nơi đã khuyến cáo đưa ra. Tuy vậy, bạn có thể cho con đi tiêm mũi 2 sớm hơn lịch hẹn nhưng phải cách mũi 1 trên một tháng.

- Con tôi 13 tháng tuổi, khi cháu 11 tháng bị bệnh sởi, đã chữa khỏi. Lúc 12 tháng tuổi tôi cho cháu chích ngừa mũi 3 trong 1 gồm quai bị, rubela, sởi. Vậy cháu có phải chích ngừa sởi nhắc lại nữa không? và chích vào thời điểm nào?
Cám ơn (Hoàng Lê Mai, 40 tuổi, 26 Tam bình, Tam phú, Q Thủ Đức TPHCM)

- Ông Trần Đắc Phu:

Về lý thuyết khi cháu đã mắc sởi là có miễn dịch rất bền vững, không bị mắc sởi lần 2. Tuy vậy việc chẩn đoán mắc sởi cũng có khi không chính xác vì có rất nhiều các loại sốt phát ban do các nguyên nhân khác chẩn đoán nhầm với sởi. Vì vậy, cháu vẫn phải đi tiêm đủ liều văcxin sởi theo chỉ dẫn của điểm tiêm chủng.

1/ Con trai tôi đã tiêm phòng văcxin đầy đủ 2 mũi sởi. Liệu cháu còn có thể bị nhiễm virus sởi nữa không?
2/ Một số tài liệu cho rằng khi bị sởi, cha mẹ không được tắm cho trẻ khi trẻ đang nổi ban. Một số tài liệu khác lại cho rằng vẫn phải tắm cho trẻ và chỉ kiêng nước lạnh và kiêng gió. Vậy, xin bác sĩ cho lời khuyên? (Nguyễn Như Quỳnh, 28 tuổi, 178 Tôn Đức Thắng-Đống Đa- Hà Nội)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Chị đã quan tâm đến con như vậy là rất tốt. Một khi các cháu đã được tiêm phòng hai mũi sởi thì bệnh sởi không xảy ra đối với cháu. Tuy nhiên, chị cần lưu ý một số điểm sau: 

Bệnh sởi là dạng bệnh có sốt và phát ban. Một số loại virus khác cũng gây sốt và phát ban, đôi khi làm chúng ta bị nhầm lẫn với sởi. 

Thông thường, khi chúng ta tiêm một mũi sởi thì đảm bảo phòng bệnh cho các cháu được tiêm từ 80 đến 90% vì một số lý do như tại thời điểm tiêm trẻ đang có bệnh, chưa đáp ứng với văcxin... Vì vậy tiêm mũi thứ 2 nhằm bao phủ cho 10-15% còn lại chưa được bảo vệ bởi mũi một. 

Về việc tắm cho trẻ khi mắc sởi, đây là câu hỏi mà tôi phải đương đầu từ ba chục năm nay. Theo kinh nghiệm chăm sóc và điều trị các cháu bị bệnh sởi của tôi, tôi nhận thấy rằng những trường hợp không được tắm rửa vệ sinh thường hay có biến chứng hơn và bệnh kéo dài hơn. Chị cần lưu ý rằng khi các cháu sốt cao hay ra mồ hôi sẽ gây tắc lỗ chân lông, vì vậy hay gây viêm nhiễm ngoài da hoặc do không vệ sinh mắt dẫn đến viêm loét giác mạc, hoặc không vệ sinh răng miệng dẫn đến viêm loét miệng, nấm miệng, thậm chí là cam tẩu mã. Vì vậy các cụ vẫn thường gọi là sởi chạy hậu. Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, ở nơi kín gió và không nên tắm lâu. 

- Tôi xin được hỏi các bác sĩ là khi còn nhỏ tôi đã từng bị lên sởi vậy bây giờ để bảo vệ cho mình tôi có nên đi tiêm văcxin sởi hay không? Cháu lớn nhà tôi năm nay 9 tuổi cũng đã tiêm 2 mũi 3 trong 1 khi còn nhỏ, vì quên nên tôi chưa cho cháu đi tiêm mũi 3 nhắc lại. Vậy có cần thiết phải cho cháu đi tiêm ngay mũi 3 không thưa bác sĩ? (Nguyễn Ngọc Minh Anh, 34 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Về lý thuyết cơ bản đã mắc sởi thì có miễn dịch bền vững và không bị mắc nữa. Nhưng cũng có rất nhiều bệnh phát ban khác gây nhầm lẫn với sởi. Bạn có thể đi tiêm phòng nếu muốn. Con bạn đã tiêm đủ 2 mũi văcxin sởi, đã có miễn dịch và không cần tiêm mũi 3 nữa.

- Cháu nhà tôi 3,5 tuổi. Cả 2 vợ chồng đều đi làm xa, phần lớn thời gian cháu ở cùng ông bà nên bây giờ không biết chính xác cháu đã tiêm phòng sởi hay chưa? Xin hỏi bác sĩ là nếu cháu đã tiêm phòng rồi mà nay tiêm tiếp thì có ảnh hưởng gì không? Hoặc có biện pháp nào để kiểm tra là cháu đã tiêm phòng sởi rồi hay chưa không ạ?  (Truong Thi Kim Cuc, 32 tuổi, Nghi Loc - Nghệ An)

- Ông Trần Đắc Phu:

Thông thường trẻ đi tiêm văcxin sẽ được các cơ sở y tế lưu vào sổ theo dõi tiêm chủng và được phát phiếu tiêm chủng cá nhân. Chị nên kiểm tra kỹ tình trạng tiêm chủng của cháu qua sổ hoặc phiếu tiêm chủng. Nếu thực sự không có bằng chứng nào là cháu đã được tiêm văcxin sởi, cháu vẫn cần được đi tiêm chủng để phòng bệnh.

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy.

- Cháu nhà tôi được 32 tháng tuổi. Cháu bị ho và sốt 3 ngày nay, gia đình đã cho cháu uống thuốc kháng sinh đến hôm nay cháu đã bớt sốt, nhưng có lúc cháu thở có tiếng khò khè. Hôm qua thấy cháu xuất hiện một số mảng đỏ ở cổ phía dưới cằm, nhưng nay chưa thấy vùng đỏ lan rộng thêm. Cháu rất lười ăn. Vậy xin hỏi bác sĩ có phải cháu có triệu chứng bệnh sởi không, nếu bị nên chăm sóc cháu như thế nào, có nên cho cháu đến bệnh viện kiểm tra không? (Phạm Văn Trịnh, 34 tuổi, TP Thái Bình)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Trong trường hợp chị mô tả, chắc chắn cháu đang bị ốm và có dấu hiệu cần phải đi khám, ví dụ trẻ có tiếng thở khò khè... mặc dù biểu hiện mảng đỏ ở cổ phía dưới cằm không giống ban sởi. Chị nên đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ khám, đánh giá và hướng dẫn điều trị phù hợp, không nên đến các cơ sở y tế đang tập trung đông bệnh nhân để tránh lây bệnh cho các cháu. 

- Trẻ chưa bị sởi, đã tiêm 2 mũi văcxin sởi, có nên thử máu cho trẻ xem thử có kháng sởi không ạ? (HONG, 30 tuổi, da nang)

- Ông Trần Đắc Phu:

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Bộ Y tế trẻ cần được tiêm hai mũi văcxin phòng bệnh sởi. Khi trẻ được tiêm văcxin sởi hai mũi đúng lịch thì khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi có thể đạt 90 - 95% nên không cần thiết phải thử máu để tránh các nguy cơ có thể gặp phải.

- Trước khi có ý định mang thai vợ tôi có tiêm mũi sởi quai bị và Rubela thì sau khi sinh bé nhà tôi có miễn dịch sởi không ạ? (Nguyễn Nam, 31 tuổi, Hoàng Mai Hà Nội)

- Ông Bùi Vũ Huy::

Cảm ơn anh chị đã biết lo cho bản thân và cho các cháu. Việc tiêm phòng của chị như vậy trước khi có thai sẽ tạo được kháng thể phòng 3 bệnh trên và kháng thể này sẽ kịp truyền sang cháu. Tôi hy vọng rằng cháu không bị sởi. Tuy nhiên, anh chị cần đưa cháu đi tiêm phòng sởi khi cháu tròn 9 tháng và tiêm đủ 2 mũi theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Vì khi trẻ 9 tháng, kháng thể của mẹ truyền cho con đã hết. 

- Chào bác sĩ. Tôi có 2 câu hỏi:

1. Con tôi hiện nay được 7 tháng tuổi. Còn 2 tháng nữa mới tới lịch tiêm mũi sởi đầu tiên mà hiện nay dịch sởi đang diễn biến phức tạp, tôi rất lo con tôi sẽ bị lây nhiễm. Cho tôi hỏi liệu có tiêm chủng trước 9 tháng được hay không? Và cách chăm sóc trẻ để phòng ngừa dịch sởi như thế nào là tối ưu nhất?
2. Tôi năm nay 28 tuổi và cũng chưa tiêm phòng sởi. Vậy tôi có đi tiêm phòng sởi được hay không? và tiêm ở bệnh viện tuyến nào? Rất mong nhận được câu trả lời của bác sĩ? (Triệu Thị Thảo, 28 tuổi, Chiêm Hóa, Tuyên Quang)

- Ông Trần Đắc Phu:

Như đã trả lời ở trên, lịch tiêm chủng văcxin sởi mũi 1 bắt đầu từ lúc 9 tháng tuổi để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho trẻ. Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác ngoài văcxin cho những trẻ chưa đến tuổi đã được tôi nói ở trên.

Nếu chị 28 tuổi mà chưa được tiêm chủng và chưa bị mắc bệnh sởi thì vẫn rất cần thiết phải đi tiêm văcxin sởi để phòng bệnh.

- Với những cháu đã tiêm phòng mũi 1, chưa tới lịch tiêm mũi 2 thì khả năng phòng bệnh được 80-85%, vậy % này được hiểu là gì? Nếu tôi hiểu là khả năng bị nhiễm bệnh là 20%-15% và khi nhiễm vẫn nặng như chưa tiêm hay nếu có bị sởi thì diễn biến sẽ đỡ nặng so với cháu chưa tiêm? Hiện tôi nghe nhiều thông tin khác nhau về cách giải thích % này mong phó giáo sư giải đáp giúp. (Vũ Duy Thuận, 43 tuổi, Xuân Trường, Nam Định)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Điều băn khoăn của chị là đúng. Tôi xin giải thích cụ thể như sau: 

Về nguyên tắc, khi sản xuất văcxin sởi, các nhà sản xuất cố gắng đảm bảo hiệu quả phòng bệnh của văcxin sởi đến 90%.

Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả tiêm chủng, như sức khỏe của bản thân mỗi trẻ (một số trẻ đang có bệnh kín đáo, hoặc giai đoạn ủ bệnh chưa biểu hiện ra ngoài - những trường hợp này khi tiêm thì đạt hiệu quả thấp hơn) và một số lý do khác ngoài mong muốn của ngành y tế. 

Số lượng 80-85% là số trẻ chắc chắn đã được bảo vệ sau tiêm mũi 1. Đây là kết quả đánh giá của chương trình tiêm chủng, chúng ta không thể chắc chắn cháu nào đã đạt hiệu quả và cháu nào chưa. Vì vậy, sau nhiều năm cân nhắc, ngành y tế quyết định phải tiêm ngừa sởi 2 mũi để những trường hợp chưa được bảo vệ bằng mũi 1 sẽ được bảo vệ bằng mũi 2. Tổ chức y tế thế giới cũng hướng dẫn những người được tiêm phòng đủ 2 mũi sẽ có miễn dịch cả đời, và đủ kháng thể truyền cho con, với phụ nữ. 

- Cháu đang bị sởi, đã nhập viện đa khoa tỉnh được 4 ngày, các mụn trên mặt cháu đã bay hết, nhưng vẫn bị sốt và ho khan giọng vào đêm và sáng sớm. Trường hợp như cháu có vấn đề gì không các bác sĩ? (Phạm Quý Khương, 30 tuổi, hải dương)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Trong ngành y chúng tôi việc khám bệnh cụ thể để đánh giá rất quan trọng. Chính những người thầy thuốc đang khám chữa cho cháu sẽ là người đánh giá sát nhất tình trạng của cháu. 

Tuy nhiên, cháu vẫn bị sốt và khàn giọng nghĩa là bệnh cháu chưa ổn định hẳn, có thể cháu có biến chứng nhẹ trên đường hô hấp, có thể đây là lý do khiến các bác sĩ vẫn giữ cháu ở bệnh viện để tiếp tục theo dõi, điều trị. Chị nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để được giải thích, tư vấn để yên lòng hơn. 

 1. Con gái lớn tôi năm nay 8 tuổi, cháu đã tiêm phòng sởi mũi 1 tháng 3/2007 và mũi 2 tháng 10/2007, đúng lịch tiêm mũi 3 là năm 2011 nhưng gia đình quên chưa tiêm. Anh chị cho hỏi cháu có nên tiêm tiếp mũi thứ 3 không và nếu tiêm thì quá thời gian lâu như thế có ảnh hưởng gì không?

2. Cháu bé nhà tôi đã tiêm sởi mũi 1 lúc 15 tháng tuổi, theo lịch tiêm mũi 2 là năm 2017, gia đình muốn tiêm trước mũi 2 có được không, và tiêm thời gian nào là tốt nhất. Xin cảm ơn.(phạm huy tiến, 36 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

1. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và lịch tiêm chủng của Bộ Y tế, lịch tiêm văcxin sởi là 2 mũi. Mũi 1 bắt đầu từ lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi. Nếu trẻ đã được tiêm 2 mũi đúng lịch thì có thể bảo vệ phòng bệnh sởi 90-95%. Nếu ở địa phương tổ chức chiến dịch tiêm phòng mà cháu thuộc đối tượng của chiến dịch thì vẫn cần tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

2. Mũi 2 văcxin sởi có thể được tiêm khi khoảng cách với mũi 1 phải ít nhất một tháng trở lên. Nếu điều kiện chị/anh không thể đưa con theo lịch hẹn thì cháu có thể đi tiêm mũi 2 văcxin sởi sớm hơn.

- Cháu họ tôi bị sởi và đã khỏi cách đây 1 tuần, nay ông bà (là người chăm sóc bé) lại đến nhà tôi chơi, liệu còn có thể gây lây bệnh sang con tôi không? Bé nhà tôi 1 bé 6 tuổi, tiêm phòng đầy đủ và 1 bé 2,5 tuổi chưa tiêm phòng. (Trần Thu, 32 tuổi)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Chị cần lưu ý rằng vào mùa xuân ở miền Bắc Việt Nam có một số bệnh thường lưu hành, ví dụ như cúm, sởi, thủy đậu, thậm chí bệnh chân tay miệng. Thông thường, chúng ta rất khó phòng tránh tất cả các bệnh đang phổ biến trong môi trường mặc dù chúng ta cố gắng phòng tránh. Vì vậy, cách tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ những loại văcxin đã có ở nước ta, và áp dụng thêm các biện pháp vệ sinh cơ bản như vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường... để hạn chế đến mức tối đa nguy cơ mắc bệnh. 

- Ông Trần Đắc Phu:

Bệnh sởi lây lan mạnh trong khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho tới 4 ngày sau khi phát ban. Sau thời điểm này mức độ lây nhiễm giảm đi nhiều và khi khỏi bệnh hầu như không còn khả năng lây bệnh. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, để phòng bệnh nói chung và phòng bệnh sởi nói riêng, gia đình, kể cả ông bà cha mẹ rất cần vệ sinh cá nhân tốt như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế, ẵm, chăm sóc trẻ...

Cháu bé 2,5 tháng tuổi nếu chưa được tiêm văcxin sởi thì gia đình cần đưa bé đi tiêm sớm. 

- Con cháu tối qua bắt đầu sốt 38 - 39 độ. Sáng nay thấy nổi mẩn khắp người trừ khuôn mặt, mẩn chìm dưới da và lan khắp người. Liệu bé có khả năng bị sởi không ạ? Bác cho cháu hỏi thêm có xét nghiệm nào xác định sởi không ạ? Cháu cảm ơn. (mẹ su, 27 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Gia đình cần cho cháu nghỉ học, tránh cho cháu tiếp xúc với các trẻ khác và đưa cháu đến y tế cơ sở để được khám và hướng dẫn. Tại các cơ sở y tế, cháu sẽ được khám và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sởi.

- Con cháu bị sốt cao hơn 39 độ sau 2 ngày có kèm tiêu chảy nhẹ, cháu cho ra bệnh viện huyện để thử máu thì bác sĩ kết luận sốt virus và tiêu chảy nhẹ. Sau đó bác sĩ kê thuốc về uống, 1 ngày sau cháu hết sốt nhưng vẫn tiêu chảy nhẹ ( ngày đi 2-3 lần, và vài lần són ít). và mặt cháu bắt đầu nổi ban đỏ, ban nổi dày đặc, 2 ngày sau đó thì bay hết. Hiện tại bây giờ con cháu vẫn còn tiêu chảy nhẹ và lại bắt đầu ho và sổ mũi. Cháu thấy lo sợ con nhiễm sởi. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên. (Nguyễn Thị Ngân, 26 tuổi, Hà Nội)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Đầu tiên chị cần hiểu rằng trong môi trường chúng ta đang lưu hành nhiều loại virus khác nhau gây sốt và phát ban, ví dụ như sởi, rubella, virus đường ruột... Vì vậy để khẳng định sởi, các bác sĩ phải làm xét nghiệm tìm được virus sởi. Tuy nhiên điều này không cần thiết trong thực hành chăm sóc chữa bệnh vì việc chữa khỏi bệnh cho các cháu là thực sự cần thiết hơn. 

Trong trường hợp con chị, cháu đã bị nhiễm virus, hiện nay ban đã bay nhưng cháu vẫn có thể còn một số dấu hiệu của bệnh, cũng như có một vài biến chứng sau nhiễm virus. Chị nên tiếp tục đưa cháu đến khám để được các bác sĩ theo dõi tiếp, hướng dẫn chăm sóc và điều trị phù hợp cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Đôi khi chúng ta cần phải kiên nhẫn, không nên nóng vội. Điều quan trọng là các cháu khỏi bệnh, khỏe mạnh.

Các chuyên gia tham gia phỏng vấn trực tuyến. 

- Con tôi 31 tháng, khi cháu còn nhỏ được đưa đến trung tâm tiêm phòng theo lịch nhưng do sơ suất tôi để mất sổ theo dõi tiêm phòng nên không biết chính xác cháu đã tiêm phòng sởi được đủ 2 mũi chưa. Xin hỏi nếu tôi đưa cháu đi tiêm phòng sởi nữa, giả sử nếu cháu đã tiêm đủ 2 mũi thì tiêm thêm mũi thứ 3 có nguy hại gì không? (Trần Thị Hiền, 40 tuổi)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Một khi chị đã tiêm phòng tại các cơ sở y tế, thì tại đó thường có sổ lưu các mũi tiêm phòng của các cháu. Chị có thể nhờ các bác sĩ kiểm tra lại hộ. Tuy nhiên, chị cũng cần nhớ được những ngày cháu được đến tiêm để nhân viên y tế dễ tìm.

- Vợ tôi đang mang thai ở tuần 37. Có thể sẽ sinh em bé trong thời gian dịch sởi đang bùng phát. Vậy bác sĩ có thể có biết cách phòng tránh lây sởi cho bé và mẹ sau khi sinh. Cảm ơn bác sĩ. (Chu Tuấn, 29 tuổi, Hà Nội)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Điều băn khoăn lo lắng của anh là đúng. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng bệnh sởi sẽ sớm chấm dứt trong vòng 1-2 tuần tới. Chị nhà anh và gia đình cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh hô hấp, đeo khẩu trang và hạn chế giao tiếp khi không cần thiết để phòng tránh các bệnh dịch nói chung, để hạn chế các nguy cơ mắc bệnh cho các cháu sau sinh.

- Xin bác sĩ cho hỏi con em được gần 6 tháng, nặng 6 kg. Cháu bị phát ban 2 ngày nay, lúc đầu ở mặt sau lan dần xuống bụng, lưng và chân tay. Cháu thỉnh thoảng mới bị sốt 38,5 độ C, đôi lúc cháu có bị ho nhưng không khò khè, không bị thở gấp, không sổ mũi. Như vậy cháu có phải là bị sởi không và có bị biến chứng viêm phổi không ạ? Hiện cháu được chăm sóc ở nhà để theo dõi vì em đọc tin các bệnh viện đều quá tải mà nếu trẻ bị ốm nhẹ mà đưa vào viện lại bị lây chéo nhiều bệnh nên em chưa dám đưa cháu vào viện. Em có nên đưa con vào nhập viện hay không?
  (Phùng Thu Giang, 28 tuổi, số 11 ngõ 121/95 Kim Ngưu- HBT-HN)

- Ông Bùi Vũ Huy:

Trong trường hợp như chị tả, rất giống với biểu hiện của bệnh sởi, mặc dù ở các cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi, bệnh không điển hình như chúng ta thường thấy. Điều quan trọng tôi thấy rằng chị đang chăm sóc con tốt, vì vậy chị nên cố gắng tiếp tục chăm sóc cháu. Nếu cháu có biểu hiện bất thường, nên đưa đến kiểm tra lại tại cơ sở y tế gần nhất, không nhất thiết phải đến các bệnh viện lớn để tránh bệnh lây lan như chị đang lo lắng.  

- Con tôi hiện nay 3 tuổi. Cháu chưa được tiêm văcxin ngừa sởi lần nào. Hiện nay, sức khỏe của cháu bình thường. Có nên tiêm văcxin phòng sởi cho cháu vào thời điểm đang có dịch này hay không thưa các chuyên gia? Xin cảm ơn.

  (Pham Thanh, 38 tuổi, P212 nha A3 Thanh Xuan Bac)

- Ông Bùi Huy Vũ:

Chị cần lưu ý rằng đối với trẻ chưa được tiêm phòng sởi thì hiện tại cũng như tương lai sau này, cháu vẫn có nguy cơ mắc sởi. Vì vậy chị nên tiêm phòng sởi cho cháu càng sớm càng tốt, như khuyến cáo của ngành y tế. Để tránh phải chờ đợi cũng như tránh tập trung đông người dễ lây chéo các bệnh, chị nên liên hệ trước với cơ sở tiêm chủng để có lịch hẹn trước và đến tiêm ngừa sởi. 

Với tư cách là một người thầy thuốc, tôi mong rằng, tất cả mọi bệnh dịch không xảy ra. Chúng ta cần lưu ý rằng, một khi bệnh dịch xảy ra, dù bất kỳ bệnh gì, sẽ có một tỷ lệ nhất định số người bị bệnh tử vong. Ngành y tế có trách nhiệm chăm sóc và chữa bệnh cho những người bệnh để hạn chế đến mức tối đa tỷ lệ tử vong cũng như giúp bệnh nhân chóng hồi phục. Tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đến kết quả điều trị này ngoài mong muốn của những người thầy thuốc. 

Quay lại vấn đề bệnh sởi, khi bệnh nhân đến với chúng tôi quá nhiều, tôi đã làm một điều tra sơ bộ và nhận thấy rằng: 

- Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do chưa tiêm phòng. 

- Hiện nay các bà mẹ vẫn còn chủ quan với bệnh sởi, không nghĩ được những hậu quả của bệnh này. 

- Chúng ta cần lưu ý rằng hằng năm nhà nước phải đầu tư một lượng tiền lớn để mua văcxin phòng sởi, nhưng chúng ta đã chủ quan bỏ qua, gây lãng phí và hậu quả là để bệnh sởi tái xuất hiện trở lại. 

Tôi mong rằng, không chỉ riêng với bệnh sởi, các bậc cha mẹ hãy phối hợp tốt với ngành y tế để bảo vệ phòng tránh các bệnh tật cũng như bảo vệ sức khỏe cho các cháu, để trẻ luôn được khỏe mạnh, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin