Những quốc gia bị dịch sởi ghé thăm

Cập nhật: 19/4/2014 | 7:36:24 PM

Một điều không ngờ là Mỹ và châu Âu, nơi có điều kiện chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới lại bị dịch sởi ghé thăm trở lại bởi các bà mẹ bỏ mũi tiêm.

Sởi trở lại EU do các mẹ không tuân thủ lịch tiêm phòng.
Sởi trở lại EU do các mẹ không tuân thủ lịch tiêm phòng.

Sởi bùng phát tại Mỹ năm 2013

Thanh toán dịch sởi năm 2000, năm 2013 Mỹ lại hứng chịu sự càn quét của virut này. Năm 2013, sởi đồng loạt khởi phát tại Columbia, NewYork, Bronx với 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp 3 lần mức trung bình (60 ca/năm) trong vòng 10 năm. Theo thống kê, 90% trường hợp mắc bệnh đều do các bé không được tiêm phòng đủ mũi hoặc bỏ hoàn toàn không tiêm phòng sởi. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em Mỹ không được đưa đi tiêm phòng là lý do tôn giáo. Một số người lại tin rằng tiêm chủng có thể gây ra chứng tự kỷ ở trẻ. Điểm đặc biệt là hầu hết các trường hợp mắc sởi mới đều đến từ châu Âu (gần 50%). Trong số này có 6 ca từ Đức, 4 ca từ Anh, 4 ca liên quan tới Ba Lan và 2 ca bắt nguồn từ Italy.

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật thông tin về bệnh sởi trên toàn cầu

Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mặc dù bệnh đã có vaccin an toàn, hiệu quả và chi phí thích hợp. Sởi là một bệnh rất dễ lây và nguy hiểm, nguyên nhân gây ra bởi một loại virut. Vào năm 1980, trước khi tiêm chủng rộng rãi, bệnh sởi khiến gần 2,6 triệu người chết mỗi năm. Trong năm 2012, đã có 122.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu - với khoảng 330 trường hợp tử vong mỗi ngày hoặc mỗi giờ có 14 trường hợp tử vong.

Tiêm phòng bệnh sởi đã làm giảm 78% số ca tử vong giai đoạn năm 2000 và 2012 trên toàn thế giới.

Sởi là bệnh vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở các khu vực của châu Phi và châu Á.

Hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh sởi mỗi năm.

Đại đa số (hơn 95%) bệnh sởi tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Vaccin chủng ngừa bệnh sởi đã được sử dụng trong 50 năm qua theo các chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Vaccin rất an toàn, hiệu quả và không tốn kém. Chi phí ít hơn 1USD để chủng ngừa cho trẻ em chống lại bệnh sởi.

Trên thực tế, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, Mỹ đã tuyên bố loại trừ dịch sởi vào năm 2000. Tuy nhiên, sau đó thỉnh thoảng vẫn bùng phát những đợt dịch nhỏ giữa những người chưa được tiêm vaccin. Tuy nhiên, 2013 là năm sởi bùng phát mạnh mẽ nhất.

Trước đó, dịch sởi mới nhất xảy ra tại Mỹ trong thời gian từ 1989 - 1991, trong đó có hơn 55.000 trường hợp nhiễm sởi và 123 người đã tử vong. Trong giai đoạn 2001 - 2011, nước Mỹ ghi nhận tổng số 911 ca mắc sởi, trung bình chưa tới tỷ lệ 1/1 triệu người dân. Một trong những nguyên nhân khiến sởi lây lan nhanh là do việc cách ly bệnh nhân không kịp thời của bác sĩ.

Sởi “ghé” châu Âu năm 2011

Châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng bệnh sởi từ năm 2011 với các vụ dịch lớn ở Pháp, Romani và Ukraina. Nhiều vụ dịch lớn năm 2013 xảy ra ở Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Nga. Tổ chức Y tế Thế giới cũng ghi nhận trên 26.000 trường hợp bệnh sởi tại 36 quốc gia châu Âu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2011, với 83% xảy ra ở Tây Âu với 9 trường hợp tử vong và 7.288 ca nhập viện. Tại Bulgaria, dịch sởi bùng phát mạnh nhất. Bà Martin cho biết: “Đã có 1 ổ dịch lớn vào đầu tháng 4 năm 2009 và kéo dài tới năm 2010 với hơn 24.000 trường hợp mắc bệnh và 24 người chết tại Bulgaria”. Các quan chức y tế Anh cũng xác nhận có 53 trường hợp mắc sởi trong những tháng đầu năm 2011 và một vài trường hợp là do đi du lịch tới các nước có dịch sởi.

Năm 2011, Pháp cũng trải qua một đợt bùng phát dịch sởi trên diện rộng cũng do nhiều trẻ em không được tiêm phòng. Theo thống kê do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 21/4/2011, tại Pháp đã ghi nhận 4.937 trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2011, một con số quá lớn nếu so với 5.090 trường hợp trong cả năm 2010.TS. Rebecca Martin, phụ trách Chương trình vaccin phòng bệnh EU của WHO, cho biết: “Khoảng 30% trẻ em Pháp đã không được tiêm chủng”.

2013, châu Phi cũng hứng dịch sởi

Nước đầu tiên xuất hiện dịch sởi tại lục địa đen là Cộng hòa dân chủ Congo. Nước này đứng đầu danh sách dịch sởi năm 2011 với hơn 134.000 trường hợp và năm 2012 với gần 74.000 trường hợp. Những trường hợp này có thể chỉ đại diện ít hơn 1/10 số ca thực tế. Năm 2013, là 54.000 ca bệnh và gần 800 trường hợp tử vong.

Ngoài Công Gô, Nigeria cũng đối mặt với dịch sởi trên quy mô lớn toàn quốc với gần 29.000 trường hợp tập trung vùng Tây Bắc nhưng lan rộng tất cả các bang của Nigeria. Theo thông tin giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới, các quốc gia châu Phi khác có dịch sởi lớn bao gồm Angola, Benin, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Congo, Ethiopia, Gabon, Kenya, Mali, Sudan, Togo and Uganda.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin