Triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn sởi

Cập nhật: 20/4/2014 | 8:33:19 PM

Các đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi.
22 địa phương có tỷ lệ tiêm vét vaccin sởi dưới 50%.
Thuốc gamma globulin vừa cập nhật trong phác đồ điều trị bệnh sởi sẽ được BHYT thanh toán.
Lây nhiễm chéo sởi có thể gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao hơn.

Lây nhiễm chéo sởi có thể gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao hơn.

Triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn sởi
Bộ trưởng Bộ Y tế họp chỉ đạo về phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: KTDT

Ngày 19/4, đồng loạt các đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình hình thực tế triển khai phòng chống bệnh sởi tại các BV trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó, hàng loạt quyết định của Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng, chống, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế đưa ra trong cuối tuần qua với mong muốn quyết tâm nhanh chóng khống chế dịch bệnh sởi...

Y tế Hà Nội cần giảm tối đa ca mắc sởi bị tử vong

Tại Hà Nội, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại BVĐK Xanh Pôn vào sáng ngày 19/4. Về phía UBND TP. Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Bích Ngọc và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đi cùng đoàn.

Triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn sởi
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác khám chữa bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: KTDT

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội sau khi kiểm tra thực tế công tác điều trị sởi tại BVĐK Xanh Pôn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của tập thể BV Xanh Pôn về những cố gắng trong công tác điều trị bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi và sởi tại đây. Đồng thời yêu cầu, ngành y tế Hà Nội nói chung, BVĐK Xanh Pôn nói riêng cần giảm tối đa ca mắc sởi bị tử vong, hạn chế ca bệnh bị biến chứng; do bệnh sởi lây rất nhanh nên phải có thêm các khu cách ly và điều trị riêng; phân tuyến bệnh nhân từ tuyến dưới, đồng thời bố trí và dành phòng điều trị, hạn chế tối đa quá tải nhằm hạn chế lây nhiễm chồng chéo; các bệnh viện cần phân tuyến riêng các ca nghi sởi ngay từ khi khám sàng lọc... Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị ngành y tế Hà Nội cần phải mở khóa tập huấn về phòng, chống các dịch bệnh liên tục cho các cán bộ y tế từ phường, xã, thị trấn đến tuyến quận, huyện, thị xã. Tuyên truyền để người dân hiểu tác dụng của tiêm chủng nói chung và tiêm vaccin sởi nói riêng, đồng thời triển khai tiêm vaccin sởi trong độ tuổi và tiêm vét sởi.

Cũng tại Hà Nội, sáng 19/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh sởi tại huyện Thạch Thất. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ: Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Thạch Thất cần khẩn trương rà soát lại các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng và tiến hành tiêm vét; các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân có tính tự giác, tăng cường phòng chống bệnh từ cộng đồng và tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tiêm chủng; cần khoanh vùng dịch và dập dịch đối với bệnh nhân ngoài cộng đồng. Các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh một cách cụ thể nhất, tránh việc lây nhiễm trong BV.

Triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn sởi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Thạch Thất - Hà Nội.

Tại phía Nam, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM và 3 BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới về tình hình bệnh sởi. Qua khảo sát thực tế, Thứ trưởng Lê Quang Cường đánh giá TP.HCM đã ứng phó tốt với dịch sởi, việc chẩn đoán, điều trị có hiệu quả, nhất là sử dụng giải pháp thở CPAP (duy trì thở áp lực dương liên tục - một phương pháp hỗ trợ cho trẻ suy hô hấp còn khả năng tự thở) vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả trong chữa bệnh. Đặc biệt, BV Nhi đồng 2 có sáng kiến thành lập Phòng sàng lọc bệnh sởi ngay tại Khoa Khám bệnh; đồng thời đưa những điều dưỡng có kinh nghiệm về sởi tập trung về Khoa Khám bệnh để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của sởi. Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch sởi tại TP.HCM không tăng vọt, nhưng hiện vẫn chưa dừng lại, các đơn vị phải luôn luôn sẵn sàng đối phó. Để hạn chế lây chéo trong các bệnh viện, cần thiết phải phân luồng trong khám và điều trị.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống bệnh sởi

Để tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch sởi, ngày 19/4, Bộ Y tế tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Thông tin tại cuộc họp cho biết, hiện tiêm vét vaccin sởi mới đạt hơn 57%, trong khi theo kế hoạch, trong tháng 4 phải đạt ít nhất 95%. Một số địa phương chưa nỗ lực tiêm sởi do chủ quan vì địa phương có ít bệnh nhân mắc sởi. Bộ Y tế đã công bố danh sách 22 địa phương có tỷ lệ tiêm vét vaccin ngừa sởi chậm, chỉ đạt dưới 50% số trẻ có chỉ định tiêm ngừa tính đến 19/4. Đáng chú ý, tỉnh Cao Bằng mới tiêm được cho 18,15% số trẻ, tỉnh Lai Châu 25%, tỉnh Long An 15,87%, Bình Phước 8,21%, Đồng Nai 27,35%...

Tại cuộc họp, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, mặc dù số ca nhiễm sởi chéo trong BV Nhi TW đã giảm, nhưng vẫn ghi nhận thêm 10 ca trong ngày 19/4, nâng tổng số nhiễm chéo trong 3 ngày qua lên 82 trường hợp. Lây nhiễm chéo sởi có thể gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao hơn.

Triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn sởi
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cùng Đoàn công tác Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Trước đó, chiều ngày 18/4, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh sởi, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Dịch sởi xảy ra hầu hết các nước trong khu vực, kể cả các nước đã công bố loại trừ sởi từ năm 2012 - cũng công bố có ca bệnh trong năm 2014. Trước những câu hỏi của báo giới liên quan đến việc “tại sao Bộ Y tế không công bố dịch sởi?”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Từ năm 2013, trong các văn bản của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh đều nhấn mạnh phải phòng chống dịch sởi. Quyết định 4845/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng quy định, chỉ có 1 ca nghi ngờ mắc sởi cũng phải triển khai các biện pháp phòng chống dù có công bố dịch hay không. Tuy nhiên, theo cách gọi của Tổ chức Y tế Thế giới, khi có dịch bệnh xảy ra thì sẽ có thông báo dịch. Còn công bố dịch thì ở mức độ cao hơn, khi dịch đã vượt quá tầm kiểm soát đối với tỉnh, thành phố, có sự biến đổi độc lực của virut, cần phải áp dụng các biện pháp hành chính cao hơn như hạn chế giao thông, cưỡng chế cách ly. Khi đó cân nhắc công bố dịch và thông báo tình trạng khẩn cấp. Theo đó, đến nay, Việt Nam đã và đang có dịch sởi, với 61/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo ca sởi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, phản ứng của Bộ Y tế ngay khi dịch bệnh xảy ra rải rác ở Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang cuối năm 2013, Bộ đã chỉ đạo các địa phương có các biện pháp cần thiết ngăn chặn, khống chế. Khi dịch lan ra 4 tỉnh thì đã tổ chức tiêm vét vaccin phòng sởi cho cả 63 tỉnh/thành phố (trước đó, năm 2009, ngành y tế chỉ tổ chức tiêm vaccin tại ổ dịch). Bộ Y tế cũng có nhiều công điện chỉ đạo dập ắt ổ dịch sởi. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dường như tình hình vẫn chỉ “nóng về chỉ đạo, lạnh về thực hiện” tức là tình hình triển khai chống dịch ở địa phương rất chậm.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định, Bộ Y tế luôn minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh sởi, kể cả những ca nghi mắc. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp với ngành y tế hướng dẫn người dân biện pháp phòng bệnh, không nên chỉ nghe đồn đoán, gây dư luận hoang mang không tốt. Điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức các biện pháp dự phòng, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.


- BHYT chi trả chi phí thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh sởi: Bộ Y tế cho biết, thuốc gamma globulin vừa cập nhật trong phác đồ điều trị bệnh sởi (ban hành ngày 18/4) sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, kể cả trường hợp không có BHYT. Đây là thuốc chi phí lớn, giúp nâng miễn dịch cho trẻ trong các trường hợp sởi biến chứng.

- Hà Nội đặt điểm tiêm chủng miễn phí tại Trung tâm Y tế dự phòng: Từ ngày 20/4, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ đặt 1 điểm tiêm chủng miễn phí vaccin sởi cho trẻ dưới 6 tuổi tại số 70 Nguyễn Chí Thanh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nếu tình hình nhu cầu của người dân cho trẻ đi tiêm đông thì trung tâm sẽ lên phương án, kế hoạch bổ sung thêm nhiều điểm tiêm vaccin sởi miễn phí khác.

Theo Cục Y tế dự phòng, trong ngày 19/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 116 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 241 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 32 tỉnh, thành phố. Ghi nhận 1 trường hợp nặng xin về có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương và 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi ngày 18/4/2014 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, ngày 18/4, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1327/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin