Nghành y tế tinh gọn để hiệu quả hơn: Bài 3 "Thận trọng, chắc chắn và quyết liệt"

Cập nhật: 12/5/2014 | 2:22:51 PM

Sau loạt bài phản ánh về vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế của ngành Y tế được đăng tải trong chuyên đề này, rất nhiều cán bộ nhân viên y tế, người dân trong tỉnh bày tỏ ý kiến băn khoăn. Để rộng đường dư luận, giúp bạn đọc hiểu thêm về quan điểm, chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế của ngành Y tế, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện cùng Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện.

- Với số đầu mối cơ sở và cán bộ viên chức nhiều thứ 2 trong toàn tỉnh, quan điểm của ngành trong việc tinh giản bộ máy biên chế như thế nào, thưa đồng chí?.

 

Đồng chí Vũ Xuân Diện.
Đồng chí Vũ Xuân Diện.

+ Đúng là hiện nay, ngành Y tế có 44 đơn vị trực thuộc ở tuyến tỉnh, tuyến huyện (kể cả văn phòng Sở Y tế), 10 phòng khám đa khoa khu vực và 186 trạm y tế xã, phường. Theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước thì toàn ngành cần có 7.712 biên chế. Tuy nhiên, số biên chế được giao năm 2013 chỉ có 4.645 biên chế, ngành mới sử dụng 3.869 người. Tổng số biên chế chưa sử dụng: 776 biên chế. Để đảm bảo đủ người làm việc, ngành Y tế đã chủ động sử dụng các loại hợp đồng lao động, dành biên chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi đơn vị đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Bởi vậy, vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế của ngành cần được thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, nhưng vẫn phải quyết liệt. Trước mắt, chúng tôi tập trung điều chỉnh chức năng tại trạm y tế, trung tâm y tế và thu gọn đầu mối y tế ở tuyến xã và tuyến huyện để có sự đầu tư tập trung hơn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Từ đầu năm 2014, chúng tôi đã tổ chức 2 đợt với 27 đoàn để khảo sát toàn bộ thực trạng hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã trên địa bàn, từ đó, xây dựng phương án điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của các đơn vị để tránh sự chồng chéo lãng phí.

 

- Quan điểm chung là vậy, còn thực tế triển khai cụ thể ở tuyến xã thì như thế nào, thưa đồng chí?

 

+ Tuỳ vào điều kiện của từng trạm, ngành sẽ đề xuất cắt bỏ những chức năng, nhiệm vụ không phát huy hiệu quả hoặc không cần thiết. Trên cơ sở rà soát, ngành chia các trạm y tế xã theo 3 mô hình. Cụ thể: Đối với các xã ở xa các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, địa bàn và giao thông khó khăn có nhu cầu khám chữa bệnh, khám quản lý thai nghén, sinh đẻ… tại trạm y tế của người dân còn cao thì duy trì thực hiện đầy đủ 11 chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; đồng thời, từng bước hiện đại hoá các cơ sở y tế ở xa trung tâm tạo điều kiện để đồng bào có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với những dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng hơn. Đối với các xã, phường, thị trấn ở gần các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, địa bàn và giao thông tương đối thuận lợi, người dân trong xã không có nhu cầu sinh đẻ hoặc khám phụ khoa, khám thai… tại trạm y tế thì sẽ bỏ chức năng đỡ đẻ thường và khám chữa bệnh thông thường tại trạm. Tuy nhiên, các trạm sẽ bổ sung chức năng tham gia quản lý nhà nước về VSATTP, quản lý hành nghề y tế tư nhân. Một số địa bàn trọng điểm có thể bổ sung thêm các cơ sở điều trị Methadone. Trên cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ này, ngành sẽ tiến hành điều chỉnh nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp, tránh dàn trải.

 

- Hiện nay, hệ thống y tế tuyến huyện ở các địa phương chưa đồng nhất, nơi duy trì mô hình Trung tâm y tế vừa thực hiện khám chữa bệnh vừa làm công tác dự phòng, nhưng nơi thì lại tách bệnh viện riêng, trung tâm y tế riêng. Vậy, khi thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế ngành có thống nhất theo một mô hình nào không?

 

+ Với hệ thống y tế tuyến huyện, sau khi rà soát, chúng tôi đề xuất sáp nhập bệnh viện với trung tâm y tế. Như vậy, ở tuyến này sẽ tập trung được cơ sở vật chất, nhân lực, giảm bớt bộ phận kế toán, thủ quỹ, hành chính, bảo vệ… Tuy sáp nhập, nhưng chúng tôi chỉ đạo phải ưu tiên quan tâm cho công tác dự phòng theo quan điểm, sáp nhập để dự phòng tốt hơn; những kỹ thuật liên quan đến xét nghiệm, kế hoạch hoá gia đình sẽ được khối khám chữa bệnh thực hiện; còn khối dự phòng tập trung chuyên vào phòng chống, giám sát dịch bệnh, quản lý hệ thống y tế tuyến xã, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

 

Năm 2013 về trước, trung tâm dân số KHHGĐ tuyến huyện do ngành Y tế quản lý. Tuy nhiên, do công tác này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành và đặc biệt là chính quyền địa phương mới phát huy hiệu quả. Bởi vậy, chúng tôi đã đề xuất và được UBND tỉnh, Bộ Y tế đồng ý chuyển TT dân số KHHGĐ về UBND huyện quản lý. Ở tuyến huyện còn có phòng y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế. Theo tôi, để tinh gọn hơn nên sáp nhập 2 đơn vị này vào thành một.

 

Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả

- một trong những bệnh viện hạng II của tỉnh.

 

- Vậy với tuyến huyện, sau sát nhập sẽ dôi dư đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động, vậy ngành sẽ sử dụng đội ngũ này thế nào, thưa đồng chí?

 

+ Đây cũng là bài toán khó với chúng tôi. Ngành Y tế sẽ xây dựng những kế hoạch cụ thể và có lộ trình. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề riêng của ngành Y tế, tỉnh cũng cần phải có chỉ đạo chung.

 

- Hiện nay nhiều đơn vị y tế vẫn thiếu bác sĩ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vậy việc tinh giản bộ máy biên chế liệu có ảnh hưởng đến thu hút đội ngũ này, thưa đồng chí?

 

+ Từ năm 2011, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị dành chỉ tiêu biên chế để thu hút bác sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lực lượng khác chỉ thực hiện hợp đồng. Chính bởi vậy mà đến nay, ở khối điều trị trong toàn ngành, mặc dù được giao tới 2.543 biên chế, song thực tế mới chỉ có 2.079 biên chế, vẫn còn tới 476 biên chế chưa tuyển người. Quan điểm của ngành hiện đang chỉ đạo các đơn vị chỉ tuyển dụng đối tượng có chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ. Trước mắt, các đơn vị dừng không ký thêm hợp đồng. Đơn vị nào tuyển hợp đồng phải báo cáo Sở xem xét và phải tổ chức thi tuyển hợp đồng công khai, minh bạch.

 

- Vậy với tuyến tỉnh, ngành có thực hiện tinh giản bộ máy biên chế, thu gọn các đầu mối?

 

+ Hiện nay, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị tuyến tỉnh sắp xếp lại các khoa, phòng, xác định vị trí việc làm của từng cán bộ viên chức. Việc thu gọn bộ máy quản lý ở tuyến này chúng tôi cũng đang tích cực xem xét và thực hiện phải chờ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã dự kiến đặt lộ trình thực hiện thu gọn đầu mối quản lý của các đơn vị này từ năm 2016.

 

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin