Tình hình bệnh tay chân miệng và các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai đến tháng 5/2014

Cập nhật: 19/5/2014 | 9:27:24 PM

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

 

 

 Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số ca mắc bệnh tay chân miệng trung bình hàng năm tại Việt Nam khoảng 100.000 - 150.000 trường hợp/năm, và ghi nhận 30 - 40 trường hợp tử vong.

Năm 2014, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 07/5/2014, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng tại các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc tăng 39,9%, Ma Cao tăng 47,8% và Singapore tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 20.500 trường hợp mắc tại 62 tỉnh /thành phố, ghi nhận 02 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là EV71. Số mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam chiếm 80,4%. Mặc dù số mắc giảm 18,6%, số tử vong giảm 05 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 và số mắc giảm 52,7%, số tử vong giảm 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, số mắc tăng cao cục bộ tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh tăng 23,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 27,9%, Cà Mau tăng 17,2%, Bình Dương tăng 9,5%, Kon Tum tăng 44,6%.

Nhận định

Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh ở nước ta và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, mặc dù số mắc giảm so với năm 2013 bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong đó có một số tỉnh/thành tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Theo thống kê từ những năm trước thì số mắc sẽ thường gia tăng từ tháng tháng 5 trở đi. Trong các tháng tới bước vào thời điểm mùa hè với thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, thêm vào đó bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng đã triển khai

Ngày 02/01/2014, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch với sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan, trong đó bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh có số mắc cao, lưu hành trên phạm vi cả nước cần phải ưu tiên trong chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng chống.

 Để chủ động công tác phòng chống, hạn chế sự gia tăng của bệnh tay chân miệng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 585/CĐ-TTg ngày 06/5/2014 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tiếp theo, Bộ Y tế có Công văn số 2501/BYT-DP ngày 07/5/2014 chỉ đạo các Vụ, Cục, Sở Y tế, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các Bệnh viện tuyến Trung ương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 585/CĐ-TTgCP ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 2335/BYT-DP ngày 29/4/2014 của gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong mùa xuân - hè.

Ngày 06/5/2014, Bộ Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết tại các tỉnh thành phố trọng điểm theo Quyết định số 1577/QĐ-BYT.

Ngày 17/5/2014, Tổ chức Lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” và Hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè” do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động phối hợp trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng cũng đã được triển khai bằng việc phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng ở trường học trong chương trình y tế học đường.

Để chủ động công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho người dân và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống cho cộng đồng, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Cuối tháng 3 năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (ở phía Bắc) và Thành phố Cần Thơ (ở phía Nam) tổ chức phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh tay chân miệng; chủ động đưa thông tin về tình hình bệnh tay chân miệng trên trang thông tin của Cục Y tế dự phòng và cung cấp cho các cơ quan truyền thông; Công văn số 2390/BYT-MT ngày 05/5/2014 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng”.

Tăng cường đẩy mạnh việc thu dung điều trị và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho tất cả các tuyến, Bộ Y tế đã có Công văn số 2357/BYT-KCB ngày 29/4/2014 gửi các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Nhi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Tổ chức tập huấn cho toàn bộ 63 tỉnh, thành phố về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng; đặc biệt là tổ chức tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng cho toàn bộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nơi có số trường hợp mắc và tử vong cao do bệnh tay chân miệng.

Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, vi rút gây bệnh trên cả nước, chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch kịp thời. Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và dịch bệnh khác tại các tỉnh trọng điểm như Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Trà Vinh, Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Nông, Lào Cai, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng.

Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt lưu ý đối với tuyến tỉnh và huyện ở những địa phương có số mắc tăng cao.

Khuyến cáo

Bệnh tay chân miệng đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan. Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin