Tình hình Sốt xuất huyết và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai đến tháng 5/2014

Cập nhật: 19/5/2014 | 9:33:12 PM

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và có tỷ lệ tử vong tương đối cao.


 Bệnh lưu hành tại trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và gần 100 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm vectorborne tái nổi, là một trong những mối quan tâm sức khỏe cộng đồng trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Số liệu giám sát sốt xuất huyết do Bộ Y tế các nước cung cấp được tổng hợp như một hoạt động thường xuyên của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương. Dựa trên dữ liệu giám sát, báo cáo chính thức, cho thấy sốt xuất huyết tiếp tục lưu hành ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong năm 2011, các nước thành viên báo cáo tổng cộng 244.855 trường hợp mắc, trong đó có 839 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong là 0,34%. Các quốc gia như Campuchia, Liên bang Micronesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Philippines, quần đảo Marshall, Singapore và Việt Nam báo cáo ghi nhận ít nhất 1.000 trường hợp mắc mỗi năm. Campuchia, Liên bang Micronesia và quần đảo Marshall báo cáo số mắc tăng cao trong năm 2010. Tiếp tục có sự khác biệt lớn về sự phân bố bệnh nhân và týp huyết thanh giữa các quốc gia và các khu vực. Tỷ lệ cao các quốc gia trong khu vực có thông báo ghi nhận dịch bệnh sốt xuất huyết và tình hình dịch, bệnh diễn biến phức tạp nên việc chia sẻ thông tin thường xuyên và kịp thời giữa các quốc gia là rất cần thiết.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 22/4/2014, năm 2014 tình hình sốt xuất huyết tiếp tục có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia khu vực như:  Căm Pu Chia, Singapore, Malaysia và Australia.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 9.011 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh. Số mắc tập trung tại khu vực miền Nam (83,8%) sau đó đến khu vực miền Trung (12,9%). Mặc dù số mắc cả nước giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên số mắc có tăng cục bộ tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 36,7%, TP. Hồ Chí Minh tăng 32,2%, Bình Dương tăng 28,8%, Bình Thuận tăng 5,7%, Đồng Nai 2,5%.

Nhận định:

Tình hình sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp với số mắc và tử vong cao tại các quốc gia trong khu vực trong thời gian tới. Tại Việt Nam số mắc liên tục có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, tuy nhiên nguy cơ năm 2014 ghi nhận số mắc tăng cao nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống.

Theo thống kê của năm 2013 và những năm trước thì số mắc sẽ gia tăng từ nửa cuối tháng 5 (tuần 19, 20). Trong các tháng tới do bước vào thời điểm mùa mưa cùng với thói quen tích lũy dụng cụ chứa nước, ý thức của cộng đồng trong việc chủ động diệt bọ gậy/lăng quăng ngay trong hộ gia đình chưa cao, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh dẫn đến khó kiểm soát bệnh dịch.

Các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết đã triển khai:

Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như sau:

Tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá triển khai kế hoạch tổng thể và đã được Bộ Y tế, các Viện/Bệnh viện Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.

Ngày 02/01/2014, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trong đó có chỉ đạo về công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch bệnh có thể gia tăng trong thời gian tới, ngày 06/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 585/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tiếp theo ngày 07/5/2014, Bộ Y tế có Công văn số 2501/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, 04 Viện VSDT/Pasteur, các Bệnh viện tuyến Trung ương, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương chỉ đạo thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Ngày 06/5/2014, Bộ Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết tại các tỉnh thành phố trọng điểm theo Quyết định số 1577/QĐ-BYT.

Cục Y tế dự phòng có Công văn số 463/DP-DT ngày 14/5/2014 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố có số mắc/tử vong do sốt xuất huyết tăng cao đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Ngày 15/5/2014, Lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với Ban quản lý dự án phòng chống sốt xuất huyết tại Bộ Y tế để triển khai cấp bách các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới.

Ngày 17/5/2014, Tổ chức Lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” và Hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè” do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Y tế dự phòng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Trung ương hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương triển khai các hoạt động truyền thông và các hoạt động phối hợp phòng chống dịch sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

Chỉ đạo các việc tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương, triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên. Tham mưu chính quyền địa phương trực tiếp  và các ban ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết.

Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, vi rút và véc tơ truyền bệnh trên cả nước, chỉ đạo địa phương phòng, chống và xử lý dịch kịp thời. Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ công tác chống dịch bệnh tại các tỉnh trọng điểm như Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Trà Vinh, Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Nông, Lào Cai, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng .

Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết như hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng chống sốt xuất huyết, máy ly tâm, các test xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới Cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn quản lý mô hình Cộng tác viên, về nội dung quản lý chương trình phòng chống sốt xuất huyết.

Khuyến cáo:

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin