Sẽ thêm nhiều nơi công bố dịch tay chân miệng?

Cập nhật: 24/11/2011 | 10:26:51 AM

Sau khi Ninh Thuận đột ngột công bố dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký văn bản hướng dẫn thực hiện công bố dịch. Đáng nói là nếu thực hiện theo hướng dẫn này, có hàng chục địa phương cần công bố dịch tay chân miệng.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bìa phải) thăm các bệnh nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận

  

Hơn 90.000 ca mắc bệnh

 

Trong cuộc họp báo tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết số mắc tay chân miệng lên đến đỉnh (trên 70.000 trường hợp mắc), nhưng thực tế số mắc đang tiếp tục tăng, mỗi tuần trên 2.000 ca mắc mới (chưa kể số báo cáo bổ sung). Tích lũy từ đầu năm, cả nước có trên 90.000 ca mắc tay chân miệng, 153 trường hợp tử vong.

 

Số tử vong gấp 10 lần năm 2010

 

So với năm 2010, số mắc tay chân miệng và tử vong năm 2011 tăng 9  - 10 lần (153 so với 14 trường hợp năm 2010).

 

Ở phạm vi địa phương, có 10 địa phương có số mắc/dân số rất cao, đứng đầu là Quảng Ngãi (524 người mắc/100.000 dân), Đồng Tháp (314 người mắc/100.000 dân), Bà Rịa - Vũng Tàu (308 người mắc/100.000 dân)...

 

Tình hình rất nghiêm trọng, nhưng đến nay mới có một địa phương duy nhất là tỉnh Ninh Thuận (dẫn đầu cả nước về số tử vong/số mắc tay chân miệng) công bố dịch. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia dịch tễ cho rằng quyết định 64 của Chính phủ hướng dẫn công bố dịch có chỗ còn chung chung khiến các địa phương khó áp dụng.

 

Ngày 16/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký thêm một văn bản hướng dẫn công bố dịch. Theo đó, địa phương cần công bố dịch khi có số mắc bệnh truyền nhiễm vượt số mắc trung bình năm năm, kèm theo một trong bốn yếu tố: đã thực hiện đúng các hướng dẫn chống dịch của Bộ Y tế mà số mắc vẫn tăng; có sự biến đổi tác nhân gây bệnh làm tăng nguy cơ tử vong; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

 

Nếu chiếu theo hướng dẫn này, có hàng chục địa phương ở mức công bố dịch tay chân miệng do số mắc tăng cao so với cùng kỳ và liên tục tăng trong năm tháng qua, trừ hai tuần đầu tháng 11 có giảm nhưng vẫn cao gấp đôi so với tháng 5/2011.

 

Trên phạm vi quốc gia, số mắc năm 2011 ở VN cao gấp chín lần so với năm 2010, vào loại cao nhất ở châu Á (Nhật Bản có số mắc tay chân miệng năm 2011 cao gấp 2,2 lần so với năm 2010, Hàn Quốc 2,2 lần, Macau - Trung Quốc 1,2 lần).

 

Dịch kéo dài sang năm 2012?

 

Hai ngày sau hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng (có sự tham gia của 43 địa phương có số mắc cao), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết các nỗ lực chống dịch trong hai tháng vừa qua có hiệu quả nhất định, khi số mắc tháng 10 giảm 20% so với tháng 9 đỉnh điểm và giảm tiếp ở hai tuần đầu tháng 11, với tổng số mắc theo tuần, kể cả số được báo cáo bổ sung là 3.000 ca mắc/tuần, trong khi tháng 9/2011 là 5.000 ca/tuần.

 

Tuy nhiên, ông Bình chưa thể khẳng định được thời điểm số mắc giảm xuống dưới 2.000 ca/tuần và liệu dịch có kéo dài sang năm 2012 hay không.

 

Theo ông Bình, nghiên cứu tại các vùng dịch phía Nam về yếu tố nguy cơ cho thấy tỉ lệ người chăm sóc trẻ không rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm trẻ và trước khi chế biến thức ăn từ 48-68%. Về thói quen sinh hoạt của trẻ thì 84% không rửa tay trước khi ăn uống.

 

Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tại Hòa Bình, địa phương có số mắc tay chân miệng hàng đầu miền Bắc, tỉ lệ người lành sống trong vùng dịch tay chân miệng mang virus đường ruột các loại lên tới 50,5%, rất dễ lây lan bệnh nếu thói quen sinh hoạt chưa vệ sinh, đặc biệt là chuyện không chịu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và chăm sóc, chế biến thức ăn cho trẻ.

 

Thế nhưng phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức (tỉnh có số mắc/dân số cao nhất nước và hiện có 12-14 ca mắc mới/ngày) lại cho rằng: “Thời gian qua tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, các ban ngành, hội đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác truyền thông về biểu hiện của bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường mẫu giáo, tiểu học, nhà trẻ và đến từng hộ gia đình. Nhờ vậy đã khống chế được sự lây lan của bệnh”.

 

Vì sao đã khống chế mà dịch tay chân miệng kéo dài gần suốt năm 2011, với 153 em bé đã tử vong?

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin