Những vấn đề đau đầu phía sau dịch Ebola

Cập nhật: 15/8/2014 | 5:53:45 PM

Các chuyên gia cho rằng, chính sự nghèo khổ đã làm bùng phát virut Ebola ở châu Phi.

Các chuyên gia cho rằng, chính sự nghèo khổ đã làm bùng phát virut Ebola ở châu Phi. Cộng với tình trạng vệ sinh y tế tồi tàn, cuộc sống nghèo khổ ở châu Phi đã góp phần đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch Ebola.

Được phát hiện lần đầu từ năm 1976 tại một khu làng nhỏ của Congo nằm bên dòng sông Ebola, virut Ebola đến nay đã nhiều lần xuất hiện trở lại ở nhiều nước châu Phi và đã làm thiệt mạng khoảng 1.300 người ở các nước như Cộng hoà dân chủ Congo, Sudan, Gabon và Uganda. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ riêng đợt bùng phát trở lại lần này từ hồi tháng Giêng năm nay, virut Ebola đã làm hơn 1.000 thiệt mạng, 1.800 bệnh nhân bị nhiễm virut, tỷ lệ tử vong lên tới 60%. 4 nước liên quan chính trong đợt dịch này là Guinéee, Sierra Leone, Liberia và Nigeria.

Tình trạng nghèo đói ở châu Phi dẫn đến việc không kiểm soát được Ebola?

Tình trạng nghèo đói ở châu Phi dẫn đến việc không kiểm soát được Ebola?

Gần 40 năm sau khi phát hiện ra virut Ebola, đến nay thế giới vẫn chưa có vaccin hay cách điều trị nào hữu hiệu. Ông Pierre Mendiharat thuộc Tổ chức Y sĩ không biên giới (MSF) giải thích, “đó là bởi vì chỉ có số lượng rất nhỏ người mắc bệnh Ebola, chưa đủ tạo thành thị trường cho các hãng dược phẩm tư nhân đổ tiền vào nghiên cứu”. Mỗi khi dập được dịch xong là không có ai nghĩ đến đầu tư nghiên cứu điều trị hay vaccin nữa, và cứ như thế, theo chuyên gia của MSF này, những đợt dịch sắp tới sẽ còn bùng phát trở lại ở những nước nghèo. Hãng dược phẩm lớn của Anh GSK hiện vẫn trong quá trình nghiên cứu và vaccin phòng Ebola có lẽ chỉ có thể có được sớm nhất vào năm 2015. Trong khi đó, mức độ lan tràn nguy hiểm của dịch Ebola đang đòi hỏi thế giới phải hành động gấp.

Vấn đề này đang làm dấy lên tranh luận phức tạp về hiệu quả và tính vô hại của những phương pháp điều trị mà hiện tại mới chỉ được áp dụng cho 3 bệnh nhân xuất thân từ những nước giàu có gồm 2 nhân viên hoạt động nhân đạo người Mỹ bị nhiễm bệnh tại Liberia và 1 là linh mục người Tây Ban Nha. Vấn đề là chỉ có những người bệnh ở những nước giàu có mới có thể được điều trị, thử nghiệm chống virut Ebola? Đừng để dịch Ebola thể hiện sự bất bình đẳng trong thế giới chúng ta, giữa những nước giàu có được trang bị đầy đủ để ngăn chặn virut lây lan và những nước có hệ thống vệ sinh y tế tồi tàn. Hy vọng dịch Ebola còn là dịp để thể hiện tình đoàn kết quốc tế có hiệu quả vì những người dân bị đe doạ nhất, cho dù đó là những người dân ở xứ sở xa xôi.

WHO xếp Kenya vào khu vực có nguy cơ cao về loại virut Ebola chết người. Chưa có trường hợp nào được báo cáo ở đây, nhưng cơ quan y tế cho biết, vai trò của Kenya là một đầu mối chuyển tiếp chính khiến cho đất nước Đông Phi này dễ bị tổn thương hơn với căn bệnh này. Đến nay, đất nước này vẫn miễn trừ với Ebola, mặc dù mối lo virut xâm nhập đất nước vẫn đang rất cao.

Ebola không lây lan một cách dễ dàng như cách mà virut cảm lạnh hay virut cúm đã lây truyền. Nó chỉ có thể lây lan được theo con đường tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như máu, nước bọt, mồ hôi và nước tiểu. Các thành viên trong gia đình đã tiếp xúc với nó bằng việc chăm sóc cho người thân nhiễm bệnh hoặc xử lý một cơ thể nhiễm bệnh như là một phần của tục lệ mai táng. Mọi người sẽ không truyền bệnh cho tới khi họ có triệu chứng. Các triệu chứng có thể không xuất hiện cho tới 21 ngày sau khi phơi nhiễm.

“Mọi người không nên sợ tiếp xúc bình thường trên xe buýt, tàu điện ngầm hoặc trên máy bay” GS.TS. Robert Black thuộc Trường đại học Johns Hopkins cho biết.

Ngăn chặn Ebola bằng cách tìm và cô lập tất cả bệnh nhân có thể nhiễm bệnh, theo dõi những người mà họ đã tiếp xúc và đảm bảo các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chặt chẽ trong khi chăm sóc bệnh nhân. Mỗi vụ dịch Ebola trong quá khứ đều đã được kiểm soát.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin