Phòng chống bệnh Ebola: Chủ động khi còn là nguy cơ

Cập nhật: 19/8/2014 | 8:01:09 AM

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến thời điểm này, ở châu Phi đã có hơn 1.000 trường hợp chết vì bệnh Ebola, chiếm khoảng 70% số người mắc bệnh. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này. Tuy Việt Nam chưa có trường hợp nào mắc bệnh Ebola nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Với Quảng Ninh, tỉnh có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia; cảng biển và điểm du lịch... nên được Bộ Y tế xếp vào nhóm tỉnh có nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập. Vì vậy, công tác phòng chống dịch đã rất được chú trọng.

Nhân viên kiểm dịch Y tế Quốc tế đo thân nhiệt của khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Nhân viên kiểm dịch Y tế Quốc tế đo thân nhiệt của khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

Tăng cường kiểm soát

Những ngày này, trong số người qua lại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái có rất ít khách du lịch mà chủ yếu là các tiểu thương buôn bán ở địa bàn hai bên biên giới.

Bác sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế phụ trách địa bàn TP Móng Cái, cho biết: Tuy không có khách du lịch, nhưng trước diễn biến của dịch bệnh Ebola ở châu Phi và một số dịch bệnh trên thế giới, chúng tôi giám sát chặt chẽ tình hình sức khoẻ của những người qua lại biên giới.

Đội Kiểm dịch Y tế Quốc tế ở Móng Cái được bố trí 12 người. Từ tháng 4-2014, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã được tỉnh trang bị 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại mới thay thế máy cũ. Máy đo thân nhiệt mới này có độ nhạy tốt, kịp thời phát hiện từ xa những trường hợp có số đo thân nhiệt trên 37 độ. Đội Kiểm dịch Y tế Quốc tế ở Móng Cái còn phối hợp với Trạm Kiểm dịch bên Đông Hưng (Trung Quốc) để kịp thời cảnh báo; thực hiện khai báo y tế với những trường hợp đến từ vùng dịch cũng như tư vấn, khám cho những người có biểu hiện không tốt về sức khoẻ. Phòng cách ly, điều trị ban đầu ở cửa khẩu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái, lãnh đạo bệnh viện cũng thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh Ebola đến cán bộ, nhân viên y tế trong đơn vị. Bác sĩ Hoàng Trọng Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Chúng tôi có khoa lây với 20 giường bệnh, hiện tại vẫn điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nếu trường hợp phát hiện có bệnh nhân Ebola và các bệnh nguy hiểm dễ lây nhiễm khác, chúng tôi sẽ cách ly khoa lây ra riêng.

Không chỉ ở địa bàn Móng Cái, mà ở các “cửa ngõ” khác trên địa bàn cũng đang tăng cường biện pháp giám sát nhằm chặn dịch Ebola. Quảng Ninh có 7 cửa khẩu quốc gia và quốc tế, song người xuất, nhập cảnh chủ yếu qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và Cửa khẩu Cảng Hòn Gai. Bởi vậy, lực lượng kiểm dịch y tế tại nơi đây được bố trí đông hơn với đầy đủ thiết bị, máy móc... Các lực lượng khác cũng vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch Ebola xâm nhập vào địa bàn.

Anh Nguyễn Bắc Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng có lực lượng làm việc tại các cửa khẩu trên địa bàn tăng cường nắm tình hình khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch hoặc đi qua vùng có dịch.

Chủ động ứng phó

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên người của tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo các đơn vị tăng cường mọi biện pháp để phòng, chống dịch; đồng thời, ban hành kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola với 3 tình huống: Khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Quảng Ninh, các lực lượng chức năng phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Quảng Ninh, các lực lượng, địa phương phải chủ động khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Khi dịch lây lan trong cộng đồng, cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Mới đây nhất, ngày 14-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tổ chức tập huấn cho bác sĩ đến từ các đơn vị y tế trong tỉnh về chẩn đoán, điều trị một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh Ebola. Ngoài ra, các đơn vị điều trị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, phòng cách ly, thuốc, hoá chất dự phòng, phương tiện vận chuyển riêng biệt để thu dung, cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân Ebola.

Về phía Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đã chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế tuyến xã thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn kịp thời nếu có dịch xảy ra. Trong tuần này, Trung tâm sẽ tiến hành tập huấn cho nhân viên của các trung tâm y tế về giám sát, khoanh vùng dịch Ebola và chủ động phòng tránh bệnh cho mình và cộng đồng; cách thức lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo, gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm.

Các địa phương cũng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tình hình dịch bệnh Ebola và các biện pháp phòng bệnh để người dân không quá hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không chủ quan. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Ebola nên phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất. Để phòng bệnh hiệu quả rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là việc thực hiện vệ sinh cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin