Phòng, chống bệnh đái tháo đường

Cập nhật: 10/9/2014 | 2:31:19 PM

Hiện số người bị bệnh tiểu đường trên địa bàn tỉnh khá lớn. Hầu hết các bệnh viện trong tỉnh, như: Bãi cháy, ĐK tỉnh, ĐKKV Móng Cái, ĐKKV Tiên Yên, ĐKKV Cẩm Phả, ĐK Cẩm Phả... đều quản lý trên dưới 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Trong khi đó, thói quen sinh hoạt ăn uống không điều độ, ít tập luyện, uống nhiều rượu, bia; bệnh nhân béo phì... khiến lượng bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn tỉnh gia tăng. Bác sĩ Hoàng Thị Lê, Khoa Sức khoẻ cộng đồng và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ cung cấp thêm những thông tin liên quan để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà. (ảnh mang tính chất minh hoạ). Ảnh: Thu Nguyệt
Chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà. (ảnh mang tính chất minh hoạ). Ảnh: Thu Nguyệt

Bệnh đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hoá cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tuỵ bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Bệnh đái tháo đường được phân loại 2 nhóm chính: Đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Đái tháo đường type 1 còn gọi là bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin hay bệnh đái tháo đường tự miễn. Có nghĩa là cơ thể tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin của chính mình. Nói cụ thể hơn, tuyến tuỵ sản xuất không đủ insulin hoặc do tế bào không sử dụng được insulin, làm tăng đường huyết và tiểu ra đường. Còn với bệnh đái tháo đường type 2, người bệnh vẫn đảm bảo lượng insulin trong máu bình thường, hoặc có khi còn cao hơn bình thường, song phát sinh do cơ thể mất khả năng sử dụng tốt insulin để duy trì đường huyết ở trong mức bình thường. Do đó, ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn mức bình thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, người dễ mắc bệnh đái tháo đường có hai hay nhiều hơn những yếu tố nguy cơ: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường; cộng đồng có yếu tố nguy cơ cao (liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý), ít vận động thể lực; đã từng sinh con nặng trên 4kg; đã từng bị bệnh đái tháo đường lúc có thai; rối loạn mỡ máu; tăng huyết áp; thừa cân...

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân đái tháo đường là tiểu nhiều, khát nước, nhanh đói, ăn nhiều song vẫn sụt cân, mệt mỏi, sau có thể nhìn mờ dần, vết thương chậm lành, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và tái phát thường xuyên; cảm giác ngứa da, có thể có triệu chứng sưng, viêm nướu, rối loạn chức năng cương ở nam giới… Khi khởi phát, bệnh đái tháo đường type 1 thường xuất hiện đột ngột, triệu chứng rầm rộ; còn đái tháo đường type 2 xuất hiện từ từ, khó phát hiện. Bệnh đái tháo đường nếu bị phát hiện muộn hoặc kiểm soát kém sẽ gây ra các biến chứng cấp và mạn tính. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mạch máu, (bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vị), giảm thị lực và mù, tổn thương thận, loét bàn chân có thể dẫn đến cắt đoạn chi, gây bất lực tình dục.

Khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính gây nhiều biến chứng trầm trọng, phổ biến, dễ mắc phải và điều trị tốn kém, bởi vậy, phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Để phòng bệnh này, người dân nên phòng tránh thừa cân, béo phì; gia tăng hoạt động thể lực (chơi thể thao, tập thể dục, năng động trong mọi hoạt động); dinh dưỡng hợp lý (ăn đa dạng; ăn chừng mực, không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều; ăn thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn); hạn chế uống rượu, bia; kiểm tra sức khoẻ định kỳ, ngăn ngừa bệnh ngay từ khi chưa bị bệnh hoặc mới ở mức tiền đái tháo đường.

Từ năm 2010, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai công tác tư vấn, quản lý, chăm sóc phòng chống bệnh đái tháo đường cho đối tượng tiền đái tháo đường sau sàng lọc. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 4 phòng tư vấn phòng chống bệnh đái tháo đường. Trung tâm cũng phối hợp cùng y tế các địa phương tiến hành khám sàng cho 6.032 người; trong đó, phát hiện 15,9% bị tiền đái tháo đường; 7,4% bị đái tháo đường. Các phòng tư vấn của chương trình cũng đang quản lý 1.350 đối tượng tiền đái tháo đường. Đối tượng này có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng nó chưa tăng đủ để được phân loại như đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu không can thiệp, tiền đái tháo đường có thể sẽ trở thành đái tháo đường trong vòng vài năm tiếp theo của cuộc đời.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin