Công điện khẩn về chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão số 3

Cập nhật: 16/9/2014 | 12:41:00 PM

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ngày 15-9-2014 và để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh nghiêm túc triển khai các nội dung chỉ đạo tại Công điện của Ban Chỉ đạo TW, của Tỉnh về chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão số 3 với phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Đường đi của cơn bão số 3.

1- Từ Tỉnh đến các địa phương dừng ngay các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng và thường xuyên thông tin diễn biễn của bão trên các phương tiện thông tin của Tỉnh và của địa phương (kể cả hệ thống truyền thanh  xã, phường, phương tiện thông tin lưu động sẵn có tại địa phương) cập nhật liên tục hướng di chuyển của bão, hướng dẫn cách phòng tránh để nhân dân biết để chủ động phòng chống;  
 
2- Cấm biển và cấm các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên Vịnh, tàu thuyền đánh bắt ven bờ  từ 12 giờ ngày 16/9/2014 (đối với 294 tàu đánh bắt xa bờ  phải vào nơi neo đậu tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 16/9); thông báo liên tục và kêu gọi các chủ phương tiện tàu, thuyền nghề cá và tàu vận tải, tàu du lịch còn đang trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn trước 16 giờ ngày 16/9/2014.
 
3- Về công tác di dân đến nơi an toàn: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thực hiện di dân khẩn cấp cụ thể như sau:
 
- Yêu cầu phải di chuyển ngay các hộ gia đình đang sinh sống ở nhà yếu (gồm nhà tạm, nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá, nhà lợp mái tôn,….) đến các hộ gia đình có nhà ở kiên cố gần nhất nơi ở.
 
- Tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn đối với toàn bộ học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đang ở tại các khu nhà trọ không đảm bảo an toàn.
 
- Kiên quyết di dời ngay người dân đang ở trên các chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản, lồng bè, nhà bè, nhà hàng trên biển; người dân ở những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng,…đến nơi an toàn.
 
- Khẩn trương tháo dỡ các biển quảng cáo; gia cố, chằng chống các cột ăng ten viễn thông và truyền hình, các công trình đang thi công dở dang; tháo dỡ các cần cẩu để đảm bảo an toàn khi bão vào. Di chuyển ngay những hộ dân, công nhân đang sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của các công trình, thiết bị có nguy cơ sập, đổ.
 
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc họp các tổ dân, thôn, bản, khu phố các chủ dự án, nhà thầu thi công trên địa bàn quản lý để quán triệt phương án di dân và tổ chức thực hiện di dân ra khỏi các vị trí, khu vực không an toàn tới trước 16 giờ ngày 16/9/2014.
 
4- Đối với các địa phương có tuyến đê biển: Chuẩn bị vật tư, thiết bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng triển khai gia cố các tuyến đê xung yếu; huy động các lực lượng trên địa bàn phối hợp với các lực lượng thanh niên xung khích và nhân dân triển khai sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu: Khẩn trương rà soát các điều kiện về lương thực, thực phẩm, lực lượng và phương tiện để ứng cứ khi có sự cố xảy ra.
 
5- Đối với các địa phương tuyến đảo, ven biển: Yêu cầu tàu thuyền phải về các khu neo đậu tránh trú bão theo quy định, tuyệt đối không được neo đậu tàu ở những đảo nhỏ ngoài khơi. Kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện khẩn trương chằng chống tàu thuyền,  các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè, chòi canh thủy sản chắc chắn xong trước 16 giờ ngày 16/9/2014; tuyệt đối không để người ở trên các tàu thuyền, lồng bè, nhà bè và chòi canh thủy sản.
- Triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình đang thi công ven sông, ven biển. Dừng hoạt động bốc xếp hàng hóa trên bến cảng, chằng chống các công trình và di chuyển người ra khỏi các công trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho người và tài sản, máy móc, thiết bị.
 
6- Đối với các địa phương miền núi, các khu đô thị, các khai trường khai thác khoáng sản: Yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường khai thác.
 
7- Về công tác tìm kiếm cứu nạn: Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động triển khai phương án hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và lực lương thanh niên xung kích địa phương chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ việc di dân và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
 
- Sở Giao thông Vận tải triển khai kiểm tra ngay các điểm có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa bão xảy ra; chủ động bố trí phương tiện vận tải để hỗ trợ các địa phương di dân khi có yêu cầu.
 
- Sở Y tế huy động phương tiện, máy móc thiết bị y tế, cán bộ y tế và bố trí đầy đủ cơ số thuốc tại thành phố Móng Cái để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
 
- Sở Công Thương xây dựng phương án đảm bảo lương thực (chủ yếu là mì ăn liền, nước uống đóng chai,…) để phục vụ ứng cứu nhân dân khi có sự cố xảy ra. Chỉ đạo Điện lực Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra, rà soát công tác an toàn hệ thống điện trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương bão đổ bộ vào; triển khai phương án xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện
 
- Công an tỉnh tăng cường lực lượng đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn, tài sản cho nhân dân khu vực phải di chuyển khi bão đổ bộ vào.
 
7- Yêu cầu các đồng chí thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh theo địa bàn đã được phân công bám sát cơ sở để hỗ trợ địa phương về công tác chỉ đạo phòng chống bão ngay tại cơ sở.
 
8- Thành lập 03 đoàn công tác của Tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 3, gồm:
 
- Đoàn thứ nhất: Do đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: Quảng Yên, Hoàng Bồ, Uông Bí, Đông Triều và Hạ Long; thành phần Đoàn gồm: Lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân Sự Tỉnh, Chi Cục Thủy lợi và Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh.
 
- Đoàn thứ hai: Do đồng chí Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh  làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Cô Tô; thành phần Đoàn gồm: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Điện Lực Quảng Ninh.
 
- Đoàn thứ Ba: Do đồng chí Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Tỉnh làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; thành phần Đoàn gồm: Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ban Xây dựng nông thôn mới.
 
9- Yêu cầu Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, Thành phố và thủ trưởng các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn Tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống bão số 3 tại địa phương, đơn vị mình; đồng thời bố trí lãnh đạo đơn vị thường trực 24/24 giờ tại đơn vị (báo cáo danh sách, số điện thoại cụ thể về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt báo của Tỉnh). Thường xuyên báo cáo tình hình (2 tiếng/1 lần) về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh để tổng hợp phục vụ công tác chỉ đạo./.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin