Hướng dẫn mới nhất hạn chế nhiễm Ebola

Cập nhật: 20/10/2014 | 4:17:50 PM

Theo ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (Mỹ), một phần da trên cơ thể bị hở khi điều trị bệnh là nguyên nhân nhân viên y tế bị nhiễm vi-rút Ebola.

Giám đốc CDC Thomas Freiden phát biểu tại Trụ sở cơ quan này ở Atlanta, Georgia - Ảnh: Reuters
Giám đốc CDC Thomas Freiden phát biểu tại Trụ sở cơ quan này ở Atlanta, Georgia - Ảnh: Reuters

Theo Huffington Post, các nguyên tắc phòng vệ an toàn trước đây cho nhân viên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều dựa theo mô hình thực hiện tại các vùng sâu, xa, thường là bên ngoài trung tâm khám chữa bệnh mà chưa chú trọng tới lực lượng nhân viên y tế.

Do đó, Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh dịch Mỹ (CDC) đang tiến hành bổ khuyết các nguyên tắc đó.

Nếu trước đây, các nhân viên y tế được linh hoạt trong việc sử dụng vật dụng bảo hộ có sẵn khi điều trị bệnh nhân Ebola thì với quyết định sửa đổi, những nguyên tắc an toàn được siết chặt hơn: nhân viên y tế phải mặc quần áo bảo hộ và mũ để che kín toàn bộ phần cổ. Ngay cả việc rửa tay sát khuẩn hay mặc và cởi đồ bảo hộ cũng phải có sự giám sát chặt chẽ hàng ngày tại cơ sở.

Các hướng dẫn an toàn mới cũng yêu cầu nên có hệ thống giám sát lẫn nhau về việc tuân thủ hướng dẫn phòng vệ an toàn giữa các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, trước các quy định mới của CDC, Hiệp hội y tá Mỹ cũng như nhiều tổ chức khác vẫn mong muốn có thêm hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn về những tiêu chuẩn trong chủng loại thiết bị bảo hộ được sử dụng, quy cách mặc cũng như tháo bỏ đồ bảo hộ.

Bà Pamela Cipriano, chủ tịch Hiệp hội y tá Mỹ cho rằng, theo những hướng dẫn mới thì bà hiểu, ngoài các phòng bệnh nhân, các trung tâm y tế còn phải trang bị một khu kiểu như phòng chờ để mặc và tháo bỏ đồ bảo hộ.

Mặc dù những thay đổi này bắt nguồn từ việc 2 y tá ở Mỹ nhiễm bệnh do điều trị bệnh nhân Ebola đầu tiên đã qua đời ở Mỹ là Thomas Eric Duncan, nhưng tới nay, nguyên nhân vì sao 2 y tá Nina Pham và Amber Joy Vinson nhiễm vi-rút Ebola vẫn là một ẩn số.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Bệnh viện St. Joseph ở hạt Orange (bang California, Mỹ) vừa đưa vào sử dụng người máy GiGi do Hãng Xenex ở San Antonio (bang California) sản xuất. Đây là loại người máy sử dụng các xung ánh sáng cực tím (UVC) quét xung quanh giúp thanh trùng môi trường, tiêu diệt các loài vi trùng, kể cả virus Ebola và không để chúng có điều kiện lây lan, phát tán.


(Nguồn: tuoitre.vn)

In bản tin