WHO tập hợp vắc xin chống Ebola

Cập nhật: 23/10/2014 | 7:43:42 AM

Một lô vắc xin Ebola thử nghiệm đã được chuyển từ Canada tới Thụy Sĩ ngày hôm qua (21/10), khi các nhà khoa học đang tập trung sức lực cho cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này.

WHO tập hợp vắc xin chống Ebola
Một người đàn ông cầm lọ vắc xin Ebola Chimp Adenovirus type 3 (ChAd3) tại Trung tâm Vắc xin lâm sàng và y học nhiệt đới tập đoàn vắc xin Oxford (CCVTM) tại Oxford. (Photo: AFP/POOL/Steve Parsons)

Marie-Paule Kieny, trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết 800 lọ vắc xin được chở bằng máy bay từ Canada sẽ tới Bệnh viện trường đại học Geneva ngày hôm nay.

“Việc bảo quản chúng tại một cơ sở tập trung sẽ tốt hơn là bắt đầu phân tán chúng khắp nơi để rồi lại phải cố theo dõi xem liệu những kho dự trữ nhỏ lẻ đó có được để ở nhiệt độ thích hợp không," Kieny nói. Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ -80°C.

Canada đã cung cấp cho WHO 800 lọ – mỗi lọ được cho là chứa khoảng hai liều – vắc xin rVSV được phát triển tại Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia ở Winnipeg.

Được chính phủ Canada nhượng quyền cho công ty NewLink Genetics của Mỹ, rVSV là một trong hai vắc xin Ebola thử nghiệm được WHO xác định là có kết quả khả quan khi thử trên khỉ. Vắc xin còn lại, ChAd3, được sản xuất bởi hãng dược phẩm Anh GlaxoSmithKline.

Kieny cho biết cả hai đều là "ứng viên hàng đầu " để chống Ebola, vi rút đã cướp đi tính mạng của hơn 4.500 người kể từ khi dịch bắt đầu ở Guinea tháng 12 năm ngoái. Đại đa số các trường hợp tử vong và 9.200 ca mắc bệnh xảy ra ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, nhưng một số trường hợp nhiễm ở những nước khác, bao gồm Mỹ và Tây Ban Nha, đã làm dấy lên nỗi lo ngại về sự lan rộng của vi rút.

Các thử nghiệm lâm sàng về rVSV bắt đầu ở Mỹ vào tháng trước, gồm khoảng 10 người tình nguyệt. Các thử nghiệm dưới sự điều phối của WHO dự kiến sẽ bắt đầu ở Geneva, Đức, Gabon và Kenya.

Trong khi đó, vắc xin ChAd3 đang được thử tại Mỹ, Anh và Mali, với những thử nghiệm tiếp theo sẽ bắt đầu tị Bệnh viện trường đại học Vaud ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ.

"Chúng tôi đang chờ ngành y tế Thụy Sĩ bật đèn xanh trước khi bắt đầu", người phát ngôn của bệnh viện cho biết.

Mỗi thử nghiệm ở Thụy Sĩ sẽ bao gồm khoảng 120 người tình nguyện, với tổng cộng 240 người, chiếm một nửa tổng số người được tuyển để thử nghiệm 2 vắc xin này. Những người tình nguyện sẽ không có nguy cơ bị nhiễm Ebola, vì vắc xin chỉ chứa một protein của vi rút.

“Càng nhiều vắc xin càng tốt”

Những thử nghiệm này là bước đi quan trọng vì nó sẽ giúp xác định cả độ an toàn và khả năng tạo đáp ứng miễn dịch chống Ebola.

"Những số liệu này là yêu cầu bắt buộc để cho phép đưa ra quyết định về liều lượng” cần dùng cho những thử nghiệm tiếp theo ở châu Phi. "Tại sao nó lại quan trọng như vậy? Tất cả chúng ta đều muốn có càng nhiều vắc xin càng tốt. Mà điều này lại phụ thuộc vào lượng vắc xin cần có trong một liều," Kieny giải thích.

Liều cần thiết cho một mũi tiêm càng thấp, thì sẽ càng dễ sản xuất với lượng lớn để đáp ứng nhu cầu.

Tuy các thử nghiệm của cả rVSV và ChAd3 đều dự kiến sẽ tiếp tục trong 6 tháng đến một năm, song dự kiến đến cuối tháng 12 năm nay sẽ có các kết quả ban đầu cho phép các chuyên gia định ra mức liều.

Mục tiêu của WHO là có thể chuyển lượng cung ứng ban đầu tới châu Phi vào đầu năm 2015.

"Có động thái rất mạnh mẽ từ nhiều nước để đẩy nhanh việc đưa vắc xin vào sử dụng trên thực tế.

Một mục tiêu quan trọng là giúp bảo vệ các nhân viên y tế trước căn bệnh chết người này – cho đến nay đã có khoảng 240 nhân viên y tế tử vong do nhiễm bệnh khi chăm sóc cho bệnh nhân.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin